Quốc tế 19/01/2014 08:43

Kiếm bội tiền nhờ kinh doanh sản phẩm lỗi

FICA - Đối với các doanh nghiệp sản xuất, các sản phẩm lỗi, có hình dạng méo mó, bị trầy xước hoặc chưa hoàn thiện là đồ bỏ đi. Tuy nhiên, với các doanh nghiệp khác, chúng lại tạo ra những cơ hội kinh doanh “béo bở”.

Dưới đây là 4 doanh nghiệp tiêu biểu đã rất thành công  trong việc kinh doanh các sản phẩm lỗi.


1. Bìa carton cũ


Các công ty thường thu mua lại bìa carton cũ để tái chế hoặc bỏ đi, còn với công ty Used Cardboard Boxes, chúng lại rất đáng giá. Trung tâm phân phối ở các địa phương của công ty này thu mua và phân loại bìa carton cũ trước khi bán lại chúng với giá rẻ hơn bìa carton mới.

Ông Marty Metro, Giám đốc điều hành của Used Cardboard Boxes, cho biết, ông bắt đầu thu mua và bán lại hộp carton cũ trong khu dân cư của mình từ 11 năm trước trong khi mọi người lại muốn tống khứ chúng đi lúc chuyển nhà.

Đây cũng được xem là cách làm thân thiện với môi trường hơn so với việc tái chế hoặc vất bỏ sản phẩm này.

2. Chai rượu bị trầy xước


Nhiều năm trước đây, 3 cha con nhà Forbes có quen biết một nhà sản xuất chocolate, người cũng đang bán rượu vang với giá bằng 50 % giá gốc vì các nhãn trên chai rượu bì trầy xước, nhãn mắc lỗi đánh máy hoặc bị bẩn do đặt cạnh chai vỡ. Khi ông chủ hãng sản xuất bánh kẹo này cho nhà máy ngừng hoạt động, gia đình Forbes đã mời ông hợp tác với họ cùng một người khác để thành lập công ty Accidental Wine.

Công ty thương mại điện tử ở Los Angeles này bắt đầu hoạt động từ năm 2007, chuyên mua lại các chai rượu bị trầy xước hoặc rượu tồn kho của các nhà máy sản xuất và phân phối rượu vang.


Tuy nhiên, Ông David Forbes, Giám đốc điều hành của công ty, chia sẻ, công ty này đã phải giữ bí mật về mức giảm giá cho những chai rượu bị lỗi để tránh làm phật lòng các nhà cung cấp. Vì vậy, việc rao bán rượu vang trên mạng gặp chút khó khăn. Công ty chủ yếu giao dịch qua thư điện tử hoặc mời khách hàng tới công ty để trao đổi về thông tin giá bán chính xác.


3. Ý tưởng bị bỏ ngỏ


Kinh doanh các sản phẩm lỗi đã khó, kinh doanh dịch vụ "lỗi" cũng gặp không ít thử thách.


Hai năm sau khi ông nghỉ việc tại trung tâm chuyển giao công nghệ của đại học Connecticut, ông Bruce Carlson đã thành lập công ty tư vấn IP Factory. Đối tượng khách hàng của IP Factory là những công ty có dự án bị bỏ dở giữa chừng hoặc cần mua bằng sáng chế. IP Factory sẽ liên hệ với các cố vấn, sinh viên đã tốt nghiệp và doanh nhân để giúp thương mại hóa các ý tưởng đó và phát triển nó theo hướng mới.


Ông Carlson cho biết, đến nay, đã có bốn dự án đang trong giai đoạn thương mại hóa. Ông coi các ý tưởng bị bỏ dở là “mỏ vàng” cho các doanh nghiệp.


4. Kẹo dẻo biến dạng


Không phải tất cả các lô kẹo dẻo được sản xuất ra đều có hình dạng hoàn hảo. Một số lượng nhỏ kẹo Belly Jelly có hình vuông hoặc bao bì thiếu logo của công ty hoặc viên kẹo có vị giống như chocolate nhưng lại không có màu chocolate.

Trong những năm 1990, công ty Jelly Belly bắt đầu giữ lại số kẹo bị biến dạng và bán lại với giá bằng ½ giá gốc tại trung tâm du lịch ở California thay vì vứt bỏ chúng. Công ty bánh kẹo này cũng đã bắt đầu rao bán chúng trên mạng và qua các kênh bán lẻ như cửa hàng đồng giá.


Ông Tomi Holt, phát ngôn viên của Belly Jelly nói: "Thị trường bán lẻ đã thay đổi rất nhiều trong 20 năm qua. Ngay cả những nhà bán lẻ phi truyền thống cũng bán kẹo dẻo".


Doanh số bán hàng của Belly Flops (kẹo dẻo biến dạng) tăng mạnh khiến Jelly Belly phải tung ra thị trường một dòng sản phẩm tên là Hodgepodge gồm các loại kẹo biến dạng như kẹo ngô, kẹo dẻo hình gấu, kẹo dẻo trái cây và kẹo hình sâu. Doanh số bán hàng của kẹo biến dạng đã tăng lên rất nhanh từ khi Hodgepodge xuất hiện.

Hơn nữa, kênh bán hàng trực tuyến đang ngày càng phát triển, và nhờ vào đó, Jelly Belly kiếm được bội tiền từ số kẹo dẻo biến dạng. Ông Holt nói: “Biết đâu, một lúc nào đó, tình cờ bạn lại tìm thấy sản phẩm kẹo dẻo với hình dạng ngộ nghĩnh trên eBay”.


Nguyễn Dung
Theo Reuters

Chuyên mục: Quốc tế

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *