Tiền và Hàng 30/04/2014 06:38

Siết xe quá tải, rau cá hùa theo tăng giá

Tuy không chịu tác động trực tiếp nhưng sau khi Bộ GTVT quyết định siết chặt xe chở quá tải thì giá lương thực, thực phẩm cũng lập tức tăng theo.

Gánh thêm cước vận tải

Hơn một tuần nay, giá các mặt hàng thiết yếu tại Hà Nội tăng đồng loạt. Trong đó, rõ rệt nhất là các mặt hàng gạo, đường, hoa quả các loại.

Bà Nguyễn Thị Xuân Thu - chủ một đại lý gạo trên phố Đại Từ (Hoàng Mai, Hà Nội), cho biết, hơn một tuần nay, tất cả các loại gạo đều tăng giá lên thêm 1.000 đồng/kg. Tính ra, mỗi tấn gạo giá tăng thêm 1 triệu đồng. Bà Thu giải thích, tăng giá mạnh như thế này không phải do thị trường thiếu gạo, cũng không phải do ảnh hưởng của đợt tăng giá xăng dầu vừa qua mà nguyên nhân chính khiến giá gạo tăng mạnh dịp này là tăng theo cước vận tải.

Trước đây, gạo từ trong miền Nam được chất đầy xe tải để chở ra miền Bắc, xe trọng tải 15-20 tấn có lúc chở đến 40-50 tấn. Nhưng từ đầu tháng 4, những xe này chỉ dám chở đúng trọng tải. Do đó, cước vận tải tăng rất mạnh, gần như là gấp đôi.

“Cước vận tải đội lên nên giá gạo cũng phải ‘gồng gánh’ thêm phần chi phí này”, bà Thu cho hay.

siết-trọng-tải-xe, cước-vận-tải, tăng-giá, hàng-hóa, tăng, sức-mua, người-dân, doanh-nghiệp, bán

Giá lương thực thực phẩm, điển hình như gạo, đã tăng khoảng 10% do siết chặt hoạt động xe chở quá trọng tải (ảnh Bảo Hân)

Tương tự, anh Nguyễn Văn Tâm, chủ một đại lý chuyên phân phối các loại đường, nước ngọt trên phố Trần Cung (Cầu Giấy, Hà Nội) nói rằng hầu hết hàng hóa đợt này đều tăng theo cước vận tải. Đơn cử, từ khi siết chặt xe chở quá tải, giá đường cát đã tăng từ 500-650 đồng/kg, giá các loại nước ngọt cũng rục rịch tăng theo.

Không chỉ vậy, chị Phương chủ một cửa hàng chuyên bán buôn, bán sỉ dưa hấu tại chợ Long Biên (Hà Nội) cũng cho hay, giá dưa hấu hơn một tuần nay tăng 5.000-10.000 đồng/kg. Lý do, ngoài việc đã vào cuối vụ, hàng khan hiếm thì giá cước vận tải tăng gấp đôi cũng là thủ phạm.

Hầu hết thực phẩm từ hàng khô đến tươi sống vận chuyển bằng ôtô tải đều tăng giá đợt này, trừ hàng vận chuyển bằng xe máy - chị Phương cho hay.

Anh Phú, một chủ hàng chuyên đánh khoai tây Trung Quốc về chợ Long Biên, cũng thừa nhận giá hàng hóa đội lên rất cao khi cước vận tải tăng. “Trước xe ôtô trọng tải 3,5 tấn của anh có thể chở 10-11 tấn khoai tây mỗi chuyến, tính nguyên tiền dầu chỉ hết từ 1,3-1,5 triệu đồng chưa tính chi phí khác. Nay xe chỉ chở đúng 3,5 tấn cũng có nghĩa chi phí vận chuyển tăng gấp ba lần”.

Ông Lê Văn Tiến, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hàng hóa đường bộ Hải Phòng, thừa nhận cước vận tải tăng đang đẩy giá hàng hóa tăng theo. Ông cho hay, hạ tải trọng thì giá cước vận chuyển phải tăng để bù đắp chi phí. Hiện có hãng xe đã tăng 20-30% cước vận tải, thậm chí tăng đến 40% mới đủ để bù đắp chi phí hoạt động. Chẳng hạn, mỗi tấn container vận chuyển đã tăng giá khoảng 500.000 đồng với quãng đường ngắn và 1-1,5 triệu đồng đối với quãng đường dài; thậm chí lên tới 2-3 triệu đồng/tấn với đường khó đi.

siết-trọng-tải-xe, cước-vận-tải, tăng-giá, hàng-hóa, tăng, sức-mua, người-dân, doanh-nghiệp, bán

Chỉ có một số ít mặt hàng được vận chuyển bằng phương tiện xe máy là giá còn ổn định

Người dân lãnh đủ

Giá hàng hóa tăng, người tiêu dùng tỏ ra ngán ngẩm, lo lắng.

Chị Bùi Thị Loan ở Nguyễn Cảnh Dị (Đại Kim, Hoàng Mai) than thở: “Hôm nay đi đong gạo, lúc trả tiền tôi mới ngớ người ra là giá gạo đã tăng 10.000 đồng/yến”. Hỏi ra thì chủ hàng bảo giá gạo tám Hải Hậu hiện tại tăng 20.000 đồng/kg chứ không còn giá 19.000 đồng/kg như trước. Đến khi ghé vào mua mấy lạng thịt lợn, chưa kịp hỏi giá cả thế nào, bà chủ đã nhanh miệng bảo “giá thịt tăng 5.000 đồng/kg mỗi loại nhé. Dạo này giá cả cái gì cũng tăng vì cước vận tải tăng khi xe chở quá trọng tải bị siết chặt”.

Theo ông Vũ Vinh Phú, để tránh tăng giá hàng hóa, ảnh hưởng tới sức mua, các doanh nghiệp cần tính toán đến các loại hình vận tải khác như: vận tải đường thủy, vận tải đường sắt... , hạn chế bớt việc vận tải bằng ôtô để giảm chi phí vì những loại hình vận tải kia đang có giá rẻ hơn.

“Đi chợ mấy ngày nay thấy cái gì cũng tăng, từ hạt gạo cho tới lạng thịt, con cá. Biết việc siết quản lý trọng tải xe của Nhà nước là tốt cho dân nhưng rồi các doanh nghiệp lại đổ lên đầu dân, hậu quả là hàng hóa ầm ầm tăng giá”, chị Loan ngán ngẩm nói.

Trao đổi với PV, ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội siêu thị Hà Nội, cho hay, chủ trương siết chặt trọng tải xe là đúng đắn, song, đồng nghĩa là giá cước vận tải sẽ tăng mạnh. Kéo theo đó, nhiều loại hàng hóa cũng sẽ đội giá theo. Khi đó, chỉ có người dân là phải chịu thiệt.

Thời gian tới, sẽ còn nhiều mặt hàng bị điều chỉnh giá, đặc biệt là những mặt hàng phải vận chuyển xa. Giá hàng hóa ngoài Bắc sẽ tăng nhiều hơn so với phía Nam bởi có đến 70% hàng hóa được chuyển từ Nam ra Bắc, ông Phú cho hay.

Song, ông Phú cũng khuyên các doanh nghiệp cần tính toán kỹ trong việc tăng giá hàng hóa, cân đối tăng giá với sức mua. Những mặt hàng bán được thì tăng giá, còn những mặt hàng bán chậm thì phải giữ giá bởi đây đang là thời điểm sức mua suy yếu nghiêm trọng. Nếu cứ tăng giá đồng loạt mà không tính toán đến việc cắt giảm chi phí không cần thiết thì rất dễ làm sức mua suy kiệt hơn.

Theo Bảo Hân

Vietnamnet

Chuyên mục: Tiền và Hàng

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *