Tiền và Hàng 12/11/2014 06:44

Quản lý giá bất lực?

Khi giá xăng dầu tăng, các mặt hàng liên quan trực tiếp và gián tiếp đều rục rịch tăng theo. Tuy nhiên, khi giá xăng dầu nhiều lần giảm, doanh nghiệp không muốn hạ giá nhiều mặt hàng thiết yếu, dù Bộ Tài chính đã lên tiếng

 

 

Cước vận tải, giá sữa lững lờ

 

Ngành vận tải chịu tác động trực tiếp bởi giá xăng dầu, nhưng chưa có biến động rõ rệt. Taxi là dịch vụ nhạy nhất khi xăng tăng giá; nay sau 9 lần giảm vẫn chưa có hãng nào chính thức giảm giá.

 

Đại điện Taxi Thành Công cho biết chưa lên phương án giảm giá. Taxi Thanh Nga đã nộp đơn lên Sở Tài chính Hà Nội để thông báo giảm giá cước, nhưng mức giảm chỉ 500 đồng/km. Với doanh nghiệp (DN) vận tải khách liên tỉnh, chưa ghi nhận việc giảm giá cước.

 

Dù giá cước vận tải đường bộ không nằm trong danh mục quản lý giá của cơ quan nhà nước, nhưng Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam vừa ra văn bản đề nghị các DN thành viên giảm giá cước.

 

Ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội cho biết: Từ đầu tháng 7 đến nay, xăng đã giảm 4.250 đồng/lít (giảm 16,5%) và dầu giảm 3.580 đồng/lít (giảm 15,7%).

 

Chi phí nhiên liệu chiếm khoảng 40-50% cước vận tải; nên biến động giá cước bằng khoảng 1/2 biến động giá xăng dầu. Có nghĩa là, giá cước thời điểm này cần giảm khoảng 7-8%.

 

Nhìn từ góc độ điều hành giá xăng dầu, ông Bùi Danh Liên- Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội nói rằng: Vừa rồi, Bộ Tài chính ra công văn đề nghị giảm giá cước vận tải (dù giá dịch vụ này không bị quản lý), ông Liên “xin đề nghị lại” với Bộ Tài chính, cần điều hành giá xăng dầu ổn định hơn.

 

“Dù có quỹ bình ổn, nhưng không điều tiết nổi khi giá xăng tăng; khi giảm lại liên tục và nhỏ giọt. Với cách thức đó, vận tải không thể theo kịp vì mỗi lần tăng giảm phải kê khai, in lại vé, chỉnh đồng hồ...”, ông Liên nói.

 

Người tiêu dùng mong mỏi giá nhiều mặt hàng giảm hơn nữa. Ảnh: Như Ý

Ông Nguyễn Đàm Văn, GĐ hãng xe giường nằm Văn Minh (chuyên tuyến Hà Nội - Nghệ An - Hà Tĩnh) cho biết, mới đầu định giảm giá cước nhưng lo ngại, giá xăng dầu biến động nên chuyển sang bù quyền lợi cho hành khách bằng cách: Thay chai nước uống trên xe bằng loại nước khoáng chất lượng hơn; tại mỗi giường nằm sẽ lắp nút bấm để “gọi” nhân viên phục vụ trên xe như trên máy bay; thay chăn, giặt vỏ gối ngay sau khi khách sử dụng. Tức là đã tăng chi phí lên nhiều để phục vụ khách tốt hơn.

 

Sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi là mặt hàng thuộc diện quản lý của nhà nước, nhưng hiện chưa có động thái giảm. Cách đây 2 ngày, Bộ Tài chính có văn bản yêu cầu các Sở Tài chính kiểm tra, yêu cầu các hãng, cá nhân kinh doanh sữa cần tính toán lại chi phí trực tiếp cũng như gián tiếp phù hợp với đầu vào nguyên liệu (trước đó, bộ này cũng có động thái tương tự với giá cước vận tải).

 

Trao đổi với Tiền Phong, đại diện một hãng sữa chiếm thị phần lớn trong nước cho biết, hiện chưa nhận được thông tin nào liên quan đến vấn đề này. Vì thế, hãng chưa có động thái tính toán lại các chi phí trực tiếp (chi phí nhập khẩu nguyên liệu...) cũng như gián tiếp đến sản phẩm sữa (chi phí quảng cáo, hoa hồng môi giới cho đại lý…).

 

Nhiều sản phẩm sữa trong diện quản lý bị nhắc nhưng vẫn không giảm giá. Ảnh: Như Ý
 

Giảm không phải vì xăng dầu giảm?

 

Trong khi đó, giá cả nhiều mặt hàng lương thực, thực phẩm bắt đầu nhúc nhích đi xuống. Các mặt hàng bình ổn giá tại nhiều địa phương cũng chính thức giảm giá. Tuy nhiên, việc giảm này không phụ thuộc vào chi phí đầu vào, mà do sức mua kém.

 

“Khi tăng giá thì người tiêu dùng được nghe giải thích theo cơ chế thị trường “nước lên thuyền lên”. Nay vẫn cơ chế thị trường, nước xuống, thuyền lại không xuống. Có người khôi hài rằng, có lẽ thuyền mắc cạn”.

Nguyễn Mạnh Hùng, Tổng thư ký VINASTAS

 

Tại TPHCM, các đơn vị tham gia năm 2014 và Tết Ất Mùi năm 2015 đã điều chỉnh giảm giá bán. Cụ thể, thịt vịt làm sẵn của Cty San Hà, Phạm Tôn có mức giảm giá cao nhất, 5.000 đồng/kg.

 

Trứng gia cầm của các DN như Cty Thanh niên xung phong, Ba Huân, Vĩnh Thành Đạt đều giảm khoảng 1.000 đồng/vỉ. Tương tự, thịt gia súc của các DN tham gia chương trình bình ổn giá như hệ thống siêu thị Big C, Cty Vissan, Tổng Cty Nông nghiệp Sài Gòn giảm 2.000-3.000 đồng/kg.

 

Ông Hồ Quốc Khánh, Trưởng phòng Quản lý thương mại (Sở Công Thương Hà Nội) cho biết, hàng bình ổn sẽ điều chỉnh giảm trong vòng 15 ngày khi Sở Tài chính duyệt giá. Sở này đang yêu cầu các DN trình giá để duyệt.

 

Hiện, mức giá bình ổn vừa được duyệt thấp hơn thị trường từ 5-10% tùy vào từng mặt hàng. Năm nay, UBND TP Hà Nội cấp hơn 200 tỷ đồng để thực hiện chương trình bình ổn giá các mặt hàng từ giờ đến Tết Nguyên đán 2015.

 

Quản lý giá vẫn chưa hữu hiệu

 

Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, Tổng thư ký Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ Người tiêu dùng Việt Nam (VINASTAS), điều cần lúc này là hành động cụ thể trong việc giảm giá cước và những mặt hàng liên quan chứ không phải những lời giải thích tiền, hậu bất nhất. Cần phải có DN nào đó tiên phong giảm giá. Khi đó mới có thể mang lại thiện cảm và lòng tin cho người tiêu dùng.

 

Ông Hùng cũng đánh giá, qua hiện tượng này cho thấy các công cụ quản lý giá vẫn chưa hữu hiệu để có thể loại bỏ những hành vi tăng, giảm giá bất hợp lý. Để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, cần thiết phải có các công cụ quản lý thị trường, giá cả hữu hiệu hơn để kiến tạo một thị trường lành mạnh; loại bỏ các yếu tố đầu cơ, tăng giá bất hợp lý, tổn hại đến quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng.

 

“Đối với người tiêu dùng, giá cả thị trường là thước đo hiệu quả của công tác quản lý”, ông Hùng nói.

Theo Tiền Phong

Chuyên mục: Tiền và Hàng

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *