Nguyên Liệu 15/06/2014 07:11

Thị trường xăng dầu: Chưa đủ điều kiện để DN tự định giá

Trả lời chất vấn các đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đề nghị, cần mạnh dạn cho DN tự định giá xăng dầu trên cơ sở hướng dẫn của Nhà nước.

Nhân viên Petrolimex điều chỉnh giá bán lẻ xăng

Trong nền kinh tế thị trường, có hai chủ thể được quyết định định giá, một là thị trường, hai là nhà nước. Và việc quyết định sản phẩm nào do ai định giá thì phải trên ba nguyên tắc cơ bản về định giá trong nền kinh tế thị trường.

Ba nguyên tắc định giá

Nguyên tắc đầu tiên là xem xét có hay không sự độc quyền của DN. Đối với các sản phẩm tự do cạnh tranh thì giá sẽ do thị trường quyết định. Còn đối với các sản phẩm độc quyền thì Nhà nước phải định giá. Chẳng hạn, những sản phẩm độc quyền như điện, nước... lâu nay vẫn do Nhà nước quyết định mức giá (bởi nếu để DN quyết định thì rất có thể giá sẽ rất cao mà người tiêu dùng không có khả năng lựa chọn và buộc phải chấp nhận). Quay trở lại với thị trường xăng dầu VN, với 11 đầu mối kinh doanh nhập khẩu xăng dầu, trong đó Petrolimex chiếm đến 60% thị phần, PV oil chiếm gần 20%, hai DN trên chiếm đến 80% thị phần. Trên thực tế cho thấy, khi giá xăng dầu thế giới vừa tăng nhẹ, trong thời gian quy định các DN xăng dầu ngay lập tức kêu lỗ và kiến nghị tăng giá. Khi giá xăng dầu thế giới giảm liên tục và giảm sâu, các DN đã không giảm giá kịp thời, chỉ giảm giá trước áp lực của công luận và các cơ quan chức năng, nhưng việc giảm giá chỉ nhỏ giọt. Như vậy, thị trường kinh doanh xăng dầu của chúng ta hiện nay vẫn chưa phải là một thị trường mang tính cạnh tranh thực sự mà còn là một thị trường độc quyền nhóm. Do vậy, việc để cho DN tự định giá là chưa hợp lý.

Nguyên tắc thứ hai, là phải xem xét đến tính công khai, minh bạch của DN trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu liệu đã đảm bảo để họ tự quyết định giá? Như đã khẳng định, hiện Việt Nam chưa thể có một thị trường xăng dầu minh bạch đúng nghĩa. Mặc dù, các cơ quan chức năng đã công bố nhiều thông tin nhằm minh bạch hóa thị trường xăng dầu, điều cần quan tâm về mức giá cũng rõ ràng. Tuy nhiên, giá tham chiếu giữa những nhà cung cấp sản phẩm từ nước ngoài, đơn vị nào có mức giá ưu đãi, cạnh tranh nhất liệu có được công bố? Tiếp đến, các cơ quan chức năng công bố báo cáo tài chính, bảng cân đối kế toán, thu nhập,... với hàng đống con số rắc rối, liệu người dân có hiểu được hay không, hay thực chất chỉ những cơ quan chuyên môn mới nắm được.

Nguyên tắc thứ ba, đó là vấn đề hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, DN và người tiêu dùng. Với năng lực hạn chế trong viêc kiểm soát nguyên tắc tính giá xăng dầu của DN như hiện nay, nếu Nhà nướctiếp tục để cho họ tự định giá dù biên độ hẹp cũng sẽ rất nguy hại. DN xăng dầu đang thống lĩnh thị trường họ sẽ làm mọi cách để tính giá có lợi cho DN và đưa lại lợi nhuận mà Nhà nước rất khó "cầm cương" còn người tiêu dùng luôn phải chịu thiệt đơn, thiệt kép và mối dung hòa lợi ích giữa ba bên sẽ không bao giờ tìm được tiếng nói chung.

Như vậy, rất khó để tìm đáp án đồng ý mạnh dạn giao quyền tự định giá cho DN như Bộ trưởng Tài chính đã khẳng định. Xăng dầu là mặt hàng thiết yếu và tác động không nhỏ đến sản xuất và đời sống của người dân. Dư luận kỳ vọng vào cơ chế điều hành giá xăng dầu đảm bảo công khai, minh bạch, khách quan, phù hợp và kịp thời với diễn biến giá thị trường; đồng thời tránh tình trạng lạm quyền và độc quyền.

Vai trò của nhà nước

Với thị trường xăng dầu, để phù hợp với thể chế xác định giá đối với thị trường, khi còn có DN giữ vị trí thống lĩnh thị trường, phù hợp với Luật Giá đã ban hành, Nhà nước cần quy định giá trần (đó là mức giá tối đa), mới đảm bảo lợi ích của người tiêu dùng, tạo sự cạnh tranh về giá giữa các DN. Theo đó, giá bán của các DN không được vượt qua giá trần. Để làm được như vậy, bản thân DN cần  cố gắng phấn đấu giảm chi phí quản lý, kinh doanh, tiếp thị để giảm giá bán nhằm thu hút khách hàng. Mức giá tối đa này phải đảm bảo cho DN bù đắp được chi phí và có lãi hợp lý, phải sát với giá thị trường.

Với một thị trường còn mang tính độc quyền, Nhà nước để cho DN tự quyết định giá dù trong biên độ nhỏ, là trái với cơ chế quản lý giá trong nền kinh tế thị trường.

Hiện nay, giá bán lẻ xăng dầu được điều chỉnh theo tần suất 15 ngày/lần, đồng thời, sẽ được tính theo giá bình quân giá 15 ngày đầu của chu kỳ dự trữ (30 ngày). Với cách tính này rõ ràng, thị trường xăng dầu sẽ phát sinh hai kịch bản: thứ nhất, giá bán lẻ xăng dầu trong nước sẽ tăng vào giữa lúc giá thế giới trong 10-15 ngày qua đang đi xuống, bởi vì giá 15 ngày trước đó, tức nửa đầu chu kỳ dự trữ ở mức cao. Thứ hai, với lý do tương tự, khi giá thế giới đang tăng thì giá xăng dầu trong nước lại giảm. Do vậy, khi quy định giá bán lẻ xăng dầu nhà nước nên lấy giá 15 ngày sát ngày tính giá để phản ánh chính xác hơn xu thế biến động của thế giới.

Còn đối với quản lý Quỹ bình ổn giá xăng dầu,  hiện nay hạn chế của Quỹ bình ổn là cơ sở hình thành nguồn quỹ, việc quản lý và sử dụng đều chưa hợp lý. Như việc trích lập Quỹ, đáng lẽ, chỉ khi giá thế giới xuống thấp, để tạo nguồn quỹ bình ổn thì nên trích lập quỹ để đề phòng khi giá thế giới lên cao mới sử dụng. Song hiện nay việc trích lập quỹ đang được thực hiện ở hầu hết thời điểm, thậm chí việc trích quỹ đồng thời với xả quỹ là không thể chấp nhận được. Và trong nhiều thời điểm, chỉ có người tiêu dùng đóng góp vào quỹ, còn DN không thực hiện nghĩa vụ này, trong khi về nguyên tắc, cả người bán và người mua đều phải chia sẻ rủi ro. Do vậy, để nguồn quỹ bình ổn giá xăng dầu thật sự phát huy hiệu quả thì nguồn hình thành không nên chỉ từ người tiêu dùng, mà cần có sự tham giá đóng góp của cả DN kinh doanh xăng dầu, dù chỉ là với một tỷ lệ rất thấp trong lợi nhuận của DN.

Việc trao quyền tự quyết nửa vời cho DN là một trong những nguyên nhân khiến thị trường xăng dầu VN gần như không có sự cạnh tranh. Với một thị trường còn mang tính độc quyền, Nhà nước để cho DN tự quyết định giá dù trong biên độ nhỏ, là trái với cơ chế quản lý giá trong nền kinh tế thị trường. Nhưng để xăng dầu được điều hành theo kiểu lưỡng tính như hiện nay cũng không nên là phương án lâu dài.

Nhiều người vẫn ngộ nhận rằng, khi chuyển sang cơ chế thị trường là tự do hóa giá cả, mọi cơ chế giá cả, hàng hóa đều do thị trường quyết định. Cách nhận định, cách hiểu như vậy không hẳn đúng, vì trong nền kinh tế thị trường, Nhà nước vẫn cần định giá đối với những sản phẩm độc quyền. Mục đích kinh doanh của DN là vì lợi nhuận. Cho nên, với bất kỳ một nhà nước nào, Nhà nước cũng phải định giá đối với những sản phẩm thiết yếu. Điều này cũng thể hiện rõ trong hệ thống pháp lý của VN. Một là trong Pháp lệnh về giá, hai là trong Luật Quản lý giá.

 

Việc Nhà nước định giá ở đây không phải là quay lại cơ chế mệnh lệnh hành chính cũ mà là đóng vai trò người đại diện cho sự hài hòa của mọi đối tượng trong nền kinh tế quốc dân. Nhà nước định giá đối với sản phẩm độc quyền là hoàn toàn tuân thủ theo quy luật của cơ chế thị trường. Trước đây, khi ngành viễn thông độc quyền thì Nhà nước định giá, nhưng khi thị trường đã có sự cạnh tranh thực sự thì Nhà nước để cho các DN tự thực hiện. Trong nền kinh tế thị trường, cạnh tranh đẻ ra độc quyền, độc quyền là bạn đường của cạnh tranh. Bởi thế, không có một nước nào chống độc quyền mà chỉ kiểm soát độc quyền vì hai mặt này tồn tại song song một cách tất yếu khách quan.

 

Thị trường nửa vời

Bộ Công Thương đã đề nghị đưa hai mặt hàng quan trọng là xăng dầu và điện ra khỏi danh mục định giá của dự thảo Luật Giá. Lý do chính yếu để Bộ Công Thương đi đến quyết định kiến nghị rút xăng dầu, điện ra khỏi danh mục những mặt hàng được định giá là nó không phù hợp với Luật Điện lực, Nghị định 84 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu và những khoản lỗ của ngành điện và một số công ty xăng dầu đầu mối.

 

Theo Bộ Công Thương, Nhà nước chỉ kiểm soát giá đối với khung giá phát điện, giá bán buôn điện, giá truyền tải, phân phối điện, phí dịch vụ điều độ hệ thống điện, phí dịch vụ điều hành giao dịch thị trường điện lực và dịch vụ phụ trợ hệ thống điện. “Về giá điện, Luật Điện lực hiện hành cho phép Nhà nước chỉ giám sát giá, chứ không trực tiếp định giá. Việc định giá bán lẻ điện bình quân mà Nhà nước đang áp dụng chỉ phù hợp trong giai đoạn hiện tại khi EVN còn độc quyền mua và bán lẻ điện”, nội dung văn bản của này nêu rõ.

 

Về mặt hàng xăng, dầu, Bộ Công Thương cũng kiến nghị không đưa mặt hàng xăng, dầu thành phẩm vào danh mục Nhà nước định giá. Bởi vì đưa các mặt hàng này vào diện Nhà nước định giá đồng nghĩa vô hiệu hóa Nghị định 84 về kinh doanh xăng dầu theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước.

 

Việc Bộ Công Thương dựa vào Luật Điện lực, Nghị định 84 để muốn loại điện, xăng dầu ra khỏi diện định giá, mà không quan tâm đến thực trạng của nền kinh tế, tính rất đặc thù của thị trường điện và xăng dầu nước ta, là điều rất không bình thường.

Đầu năm ngoái, các đợt tăng giá liên tiếp của điện, than, xăng dầu đã tiếp thêm năng lượng cho cơn bão lạm phát và tàn phá nghiêm trọng nền kinh tế. Những đợt tăng giá xăng, dầu gần đây tuy không đủ sức tiếp thêm năng lượng cho lạm phát, nhưng nó cũng đã góp phần đẩy hàng chục ngàn DN vào cảnh khốn cùng. Bộ Công Thương đã bao giờ thử tính xem, những ngàn tỷ đồng thu được từ các đợt tăng giá đó để cắt lỗ cho ngành điện, xăng dầu có tương xứng với những mất mát, thiệt hại mà nó gây ra cho cộng đồng DN, cho nền kinh tế?

 

Sẽ không thể có cơ chế thị trường điện, than, xăng dầu đúng nghĩa, nếu nền tảng cơ bản của thị trường chưa hình thành. Nói một cách nôm na như người xưa, cơ chế thị trường thì phải có “trăm người bán, vạn người mua”. Còn thị trường điện, than và xăng dầu của Việt Nam hiện nay thì sao? Tập đoàn Điện lực, tập đoàn Than và Khoáng sản đang độc quyền thị trường điện, than. Còn xăng dầu thì ba doanh nghiệp đầu mối đang chiếm vị thế thống lĩnh. Sẽ chẳng bao giờ có cơ chế thị trường khi mà chỉ có một hoặc vài người bán, trong khi có đến hàng trăm ngàn doanh nghiệp, hàng triệu người mua.

 

Trong môi trường độc quyền đó và với sản phẩm thiết yếu như điện, xăng dầu, người tiêu dùng, DN còn có quyền được chọn lựa hay không, hay phải chấp nhận bất kỳ cái giá nào mà người bán muốn ấn định?

 

Lại nói về xăng dầu, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Công Thương xây dựng nghị định thay thế Nghị định 84 về kinh doanh xăng dầu từ khá lâu. Rất nhiều đề xuất được đưa ra từ cả phía cơ quan quản lí nhà nước, DN và chuyên gia. Nhưng liệu khi nào xăng dầu thực sự được vận hành theo cơ chế thị trường? Hay những giải pháp được cho là tình thế vẫn tiếp tục ngự trị? Câu hỏi này chắc khó có thể giải quyết ở một nghị định.

 

Tư Minh

 

Theo TS Vũ Đình Ánh

Diễn đàn doanh nghiệp

Chuyên mục: Nguyên Liệu

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *