Nguyên Liệu 26/06/2014 07:14

Chặt vàng trắng cao su: Phụ thuộc một thị trường bất ổn

Do mình ở gần TQ, thị trường cần sản phẩm đó thì mình chỉ sản xuất và xuất khẩu loại sản phẩm chất lượng như thế thôi.

Ông Bùi Đức Thụ - Ủy ban tài chính ngân sách - Quốc hội cho biết.

Dân chặt cao su, dấu hiệu bất ổn

 

PV: - Thưa ông, nhìn hàng nghìn ha cao su khắp các tỉnh Tây Ninh, Bình Dương, Bình Phước từ mới trồng cho đến loại đang thu hoạch đều bị chặt bỏ. Ông nhìn nhận hiện tượng này thế nào?

 

Ông Bùi Đức Thụ: - Tình trạng này là dấu hiệu của bất ổn thị trường dẫn tới hoạt động của người lao động, sản xuất không có lợi do đó họ phải dịch chuyển.

 

Ông Bùi Đức Thụ - Ủy ban tài chính, ngân sách Quốc hội
Ông Bùi Đức Thụ - Ủy ban tài chính, ngân sách Quốc hội

 

Cây cao su, là loại cây thời kỳ đầu tư rất dài (6-8 năm) tùy từng loại đất lúc đó mới khai thác được. Đến khi khai thác được, thị trường lại bị sụt giảm buộc phải chặt rõ ràng nó sẽ ảnh hưởng rất lớn tới hiệu quả sản xuất kinh doanh không chỉ ngành cao su mà cả ngành kinh tế. 

 

Đứng trước tình trạng đó, tôi cho rằng, ngoài sản xuất, trồng cây cao su nhà nước phải quy hoạch lại, xác định lại những điều kiện tự nhiên, thổ nhưỡng phù hợp với cây cao su, như nhiệt độ, độ cao, độ dốc. Hay như vùng biển, gió...

 

Thứ hai, diện tích trồng cao su cũng phải tính đến sản lượng cho cung ứng qua các năm, điều này phải căn cứ vào dự báo về nhu cầu sản lượng cao su trong nước và thế giới để quy hoạch cho hợp lý.

 

Bên cạnh đó, Bộ NN&PTNT, Bộ Công thương phải tham mưu xây dựng chiến lược, phát triển công nghiệp phụ trợ trong đó có chế biến sản phẩm cao su, tạo ra những sản phẩm đáp ứng nhu cầu của ngành kinh tế làm tăng tỉ lệ nội địa hóa lên.

 

Nếu xác định đó là cây chiến lược quan trọng, thì trong trường hợp cần thiết phải tính tới sự hỗ trợ của nhà nước trong phạm vi, thời hạn nhất định. Nhưng trước biến động của thị trường như vừa qua dẫn tới tình trạng dân thì chặt đó là kết quả của việc lãng phí nguồn lực.

 

PV:- Theo quy hoạch của Chính phủ tới năm 2015 diện tích cao su cả nước là 800.000 ha, nhưng tới năm 2012 diện tích cao su cả nước đã vượt lên là 915.000 ha. Quy hoạch là phải đảm bảo đầu ra, để dân thua lỗ, phải chặt bỏ cao su, Tập đoàn cao su Việt Nam nói không liên quan... thì chúng ta phải hiểu quy hoạch này như thế nào, thưa ông?

 

Ông Bùi Đức Thụ: - Quy hoạch là một định hướng phát triển, kế hoạch trong tương lai. Diện tích trồng cao su trên thực tế là do khâu tổ chức trồng cao su nó phụ thuộc vào những cá nhân tổ chức, hộ gia đình, doanh nghiệp nhất là tập đoàn cao su VN...

 

Dưới hình thức liên kết với dân như miền núi phía Bắc, dân góp đất, doanh nghiệp hỗ trợ vốn, giống, phân bón... nông dân và doanh nghiệp cùng phối hợp trồng, chia lợi nhuận.

 

Khi giá sụt giảm, hiệu quả trồng cao su sụt giảm, sản xuất cao cu thua lỗ cả doanh nghiệp và nông dân phải chịu. Nói rằng doanh nghiệp vô can là không đúng.

 

Xin nói thêm, diện tích cao su trồng theo quy hoạch trên thực tế hiện nay mới có 545 ngàn ha, chưa đạt quy hoạch.

 

PV: - Chưa vượt ngoài quy hoạch, nhưng chạy theo tín hiệu lợi nhuận, kêu gọi người dân hợp tác dưới hình thức dân góp đất, doanh nghiệp góp vốn dẫn tới tình trạng vượt quy hoạch như hiện nay, ai sẽ phải chịu trách nhiệm?

 

Có thể hiểu dân tự trồng, tự chặt được không, thưa ông?

 

Ông Bùi Đức Thụ:-  Phải dựa vào hình thức liên kết, nếu hình thành liên kết sản xuất như ở một số tỉnh phía Bắc, dân góp đất đều tính lượng hóa thành tiền. Vốn tập đoàn bỏ ra cũng lượng hóa bằng tiền từ đó tinh toán tỉ lệ góp vốn ban đầu trong quá trình cây cao su lớn lên, tập đoàn thuê dân lao động, trả lương...

 

Với hình thức liên doanh đôi bên cùng góp vốn, kết quả mủ cao su bán đi phải trừ chi phí góp vốn và phần khấu hao. Phần còn lại mới là lãi thực, phần lãi này sẽ được chia theo tỉ suất lợi nhuận, ai có vốn nhiều, hưởng nhiều, ai góp vốn ít hưởng ít.

 

Dân chặt phá cao su gãy đổ
Dân chặt phá cao su gãy đổ

 

Nhưng khi thị trường bị sụt giảm, giá xuống thấp hơn giá thành sản xuất, lỗ thì ai góp lớn thì phải thiệt với tương ứng tỉ lệ đó. Chứ không thể nói doanh nghiệp đứng vô can.

 

Trường hợp doanh nghiệp chỉ ký thu mua cao su với người dân thì thu mua sẽ thực hiện theo hợp đồng. Nếu giá thu không đủ bù chi, dân chặt bỏ dân phải chịu hoàn toàn.

 

Về mặt quản lý nhà nướcBộ NN&PTNT phải chịu trách nhiệm về vấn đề quy hoạch.

 

Phụ thuộc xuất khẩu sẽ phụ thuộc chính sách

 

PV: - Từ cuối năm 2013, cao su miền Trung thì gãy đổ, Tây Bắc thì dự đoán không có mủ, nông dân tại nhiều tỉnh thành trên cả nước, từ miền Đông đến miền Trung, người dân phá bỏ hàng ngàn ha vườn cao su vì giá sụt giảm.

 

Định hướng người dân đi theo chủ trương mạo hiểm nhưng vẫn nói nằm trong quy hoạch, dân trắng tay. Ông nhìn nhận vấn đề này thế noo? Ai sẽ phải chịu trách nhiệm, thưa ông?

 

Ông Bùi Đức Thụ: - Thứ nhất, trồng cây gì nó phải đảm bảo hiệu quả, bảo tồn được vốn. Có hiệu quả hay không không chỉ phụ thuộc giá đầu vào mà nó còn phụ thuộc cả giá đầu ra. Giá đầu vào ổn định, giá đầu ra sụt giảm thì người sản xuất sẽ bị thua lỗ.

 

Sản lượng mủ cao su khô của Việt Nam tuyệt đại đa số là xuất khẩu và bị phụ thuộc vào giá thế giới. Phụ thuộc vào cung cầu từng thời kỳ, thứ hai là phụ thuộc vào thay đổi tỉ giá thế giới. Điều đó là rất rủi ro.

 

Rủi ro nữa, là hơn 2/3 sản lượng cao su của Việt Nam chủ yếu phụ thuộc vào một thị trường. Cụ thể là TQ, phụ thuộc chính sách thương mại, biên mậu của TQ sẽ gây bất ổn trong sản xuất kinh doanh. Dẫn tới hiệu quả sản xuất cũng bị ảnh hưởng và dẫn tới những thua thiệt.

 

Điều đầu tiên để ổn định đầu ra cho người sản xuất thì chính phủ cần quan tâm là nên đa dạng hóa tránh một ngành hàng phụ thuộc vào chỉ một thị trường.

 

Nếu phụ thuộc vào một thị trường sẽ bị phụ thuộc vào chính sách của nước đó, rủi ro với quốc gia xuất khẩu là đương nhiên.

 

Do vậy, người dân sản xuất ngành hàng đó bị thua thiệt. Do đó, vấn đề tái cơ cấu ngành cao su là điều bức thiết.

 

Tại diễn đàn Quốc hội tôi cũng có ý kiến cần phải tái cơ cấu chung, trong đó có tái cơ cấu thị trường hạn chế tối đa việc phụ thuộc vào một thị trường, tiến tới mở rộng thị trường trên nhiều nước.

 

Thứ hai, Bên cạnh đó, cũng phải trú trọng tới việc đầu tư phát triển vào công nghệ chế biến, phụ trợ trong nước chế biến nguyên liệu cao su để để giảm sự phụ thuộc vào nước ngoài.

 

Thứ ba, đối với cao su biến động của thị trường là không thể tránh khỏi do chênh lệch về quan hệ cung cầu. Chính vì vậy cũng cần phải tổ chức mua bảo hiểm đối với một số mặt hàng, ngành hàng để giảm bớt sự biến động, tác động xấu của thị trường trước những biến động của thị trường trong sản xuất kinh doanh.

 

Khi giá cao thì đóng vào, khi giá thấp thì dùng quỹ đó chi ra để ổn định sản xuất, thị trường. Tránh trường hợp giá cao dùng hết, giá trồi sụt thua lỗ dẫn tới chặt phá cao su.

 

Đối với sản xuất, như tôi đã nói phải có quy hoạch, quy hoạch đầu tiên trồng được bao nhiêu, diện tính, sản lượng phải tôn trọng điều kiện tự nhiên. Không thể để tình trạng trồng ồ ạt, mạo hiểm dẫn tới thua thiệt, rủi ro cho ngành hàng đó.

 

PV: - Làm thế nào để thoát khỏi sự phụ thuộc vào thị trường TQ trong khi có tới 90% sản lượng cao su của Việt Nam hiện nay đang xuất khẩu sang TQ. Hơn nữa, từ trước tới nay lựa chọn chung của Việt Nam luôn là thị trường dễ tính và giá rẻ. Vậy ngoài TQ thì VN có thể có lựa chọn khác hay không, thưa ông?

 

Ông Bùi Đức Thụ: - Riêng đối với sản phẩm cao su hoàn toàn có thể giảm phụ thuộc được. Vì cao su VN xuất khẩu chủ yếu là xuất khẩu thô, sản phẩm nguyên liệu đầu vào cho các nước.

 

Đa số các nước trên thế giới đều có nhu cầu sử dụng cao su, chỉ có yêu cầu về độ tinh khiết, cao su tự nhiên khác nhau. Tuy nhiên, cao su không giống như nhiều mặt hàng khác, có đòi hỏi khắt khe hơn, chất lượng cao hơn.

 

Trên thực tế, sản xuất chất lượng háng hóa cao hay thấp là do yếu tố thị trường quyết định. VN ở gần TQ, một đất nước có tới 1,4 tỷ dân đặc biệt, khu vực miền Tây TQ còn chưa phát triển.

 

Do đó, khi thị trường TQ chỉ cần sản phẩm đó thì VN chỉ sản xuất sản phẩm có chất lượng như vậy. Nếu sản xuất sản phẩm chất lượng cao hơn cũng không thể bán được.

 

Điều quan trọng, là yêu cầu chất lượng sản phẩm của họ cũng phù hợp với trình độ phát triển công nghệ của VN. Điều kiện sản xuất của VN hiện nay cũng chỉ có thể xuất khẩu sang TQ, đó là thị trường tốt nhất cho VN.

 

PV: - Vậy trong trường hợp chỉ phụ thuộc vào thị trường, nó sẽ dẫn tới điều gì, thưa ông? 

 

Ông Bùi Đức Thụ:- Trong trường hợp phụ thuộc chủ yếu một thị trường thì đương nhiên là phụ thuộc vào chính sách của nước họ, tăng hàng tồn kho, mất tính chủ động. Thậm chí bị thao túng, dẫn dắt bởi chính sách có lợi cho họ.

 

Như vậy, cũng đồng nghĩa người sản xuất cao su nếu không chấp nhận tồn kho thì phải chịu lỗ bán giá rẻ. Điều này cũng dẫn tới những hệ lụy xấu, nếu không phá sản thì nợ nần chồng chất.

PV: Xin cảm ơn ông!

Theo Hiếu Lam

Đất Việt

Chuyên mục: Nguyên Liệu

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *