Tiền và Hàng 01/06/2015 09:32

Nghịch lý than Việt Nam: 2017 phải nhập, 2015 vẫn xin xuất

Năm 2015 thừa 3,5 triệu tấn và 2016 thừa 2 triệu tấn. Tuy nhiên, từ năm 2017 trở đi, Việt Nam sẽ phải nhập khẩu than.

Theo tính toán của Bộ Công thương, năm 2015, sản lượng than thương phẩm của cả ngành đạt 40,03 triệu tấn, năm 2016 là 43,77 triệu tấn, năm 2020 là 50,38 triệu tấn và năm 2030 là 57,49 triệu tấn.

 

Trong số này, chủng loại than đủ tiêu chuẩn để cung cấp cho điện (từ cám 4 trở xuống) chiếm 60-95%.

 

Đối chiếu với nhu cầu tiêu dùng được Bộ Công thương tính toán năm 2015 là 36,34 triệu tấn, năm 2016 là 41,77 triệu tấn, năm 2020 là 74,908 triệu tấn và năm 2030 là 143,65 triệu tấn, thì năm 2015 thừa 3,5 triệu tấn và 2016 thừa 2 triệu tấn.

 

Tuy nhiên, từ năm 2017 trở đi, Việt Nam sẽ phải nhập khẩu than với khối lượng khoảng 5,5 triệu tấn, năm 2020 khoảng 26,5 triệu tấn.

 

Nghịch lý Việt Nam xuất khẩu than Antraxit rồi lại nhập khẩu chính loại than đó
Nghịch lý Việt Nam xuất khẩu than Antraxit rồi lại nhập khẩu chính loại than đó

 

Từng phân tích về vấn đề này, TS Trần Viết Ngãi, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam cho rằng trên thực tế sản lượng khai thác than của Vinacomin ngày càng giảm trong khi nhu cầu của ngành điện ngày càng tăng.

 

Ông Trần Viết Ngãi cho biết, nhiều năm qua, Vinacomin đã đi nhiều nước để tìm kiếm thị trường nhập khẩu than và một số nước có khả năng xuất khẩu than cho Việt Nam gồm: Úc, Indonesia, Ấn Độ, Trung Quốc, Nhật Bản... Tuy nhiên, việc nhập khẩu than không hề đơn giản, nó còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố.

 

Theo ông Ngãi, tiêu chuẩn hàng đầu để nhập khẩu than là phải xem chất lượng than, chủng loại than có phù hợp với lò đốt của các nhà máy điện trong khu vực miền Nam hay không. Ví dụ, các lò đốt 600 MW hiện nay không sử dụng than antraxit được mà phải sử dụng than cám 3, cám 4 chất lượng cao hơn.

Còn ông Nguyễn Trọng Khiêm, Chủ tịch Hội Địa chất Than-Khoáng sản Việt Nam phân tích: "Việc tính toán xuất, nhập cái gì xuất phát từ thực tế nguồn tài nguyên Việt Nam có sẵn và nhu cầu phát triển nền kinh tế. Vấn đề là phải tính toán sao cho hợp lý, cân đối giữa nhu cầu trong nước, đảm bảo an ninh năng lượng với việc xuất khẩu để tạo nguồn thu".

 

Lý giải nghịch lý Việt Nam xuất khẩu than Antraxit rồi lại nhập khẩu chính loại than này, TS Nguyễn Thành Sơn cho rằng: Lĩnh vực xuất-nhập khẩu than cho thấy rõ nhóm lợi ích.

 

Theo TS Sơn, khi giá dầu cao thì đào than lên để xuất khẩu với bất kỳ chi phí nào, khi giá dầu thấp thì mặc kệ các ngành có sử dụng than tự xoay sở nhập khẩu than về để dùng. Miếng mồi xuất khẩu than ngon ăn thì TKV đòi bằng được độc quyền. Cục xương nhập khẩu than khó nhằn thì TKV đã nhanh miệng xin Chính phủ “mở cửa”.Trong tương lai, việc nhập khẩu than không đủ, nhưng TKV hình như “vô can”.

 

"Chúng ta đã từng là nước xuất khẩu năng lượng, nay đang chuyển sang phải nhập khẩu năng lượng với mức độ ngày một tăng. Điều này sẽ làm giảm đáng kể sức cạnh tranh của nền kinh tế", TS Sơn phân tích.

 

Theo Phương Nguyên

Đất Việt

Chuyên mục: Tiền và Hàng

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *