Tiền và Hàng 09/12/2013 12:12

Ngành xuất khẩu tôm sẽ bứt phá

Mới đây, Nhật Bản đã nâng mức dư lượng chất cấm Ethoxyquin, tháo gỡ rào cản tồn tại hơn một năm qua cho tôm Việt Nam có cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu vào thị trường này.



Đây thực sự là tin vui cho doanh nghiệp (DN) xuất khẩu tôm, giúp con tôm có thêm sức lực “cứu” ngành thủy sản qua giai đoạn đầy khó khăn.

Ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep), cho biết với nỗ lực từ phía cơ quan quản lý nhà nước cũng như từ cộng đồng DN xuất khẩu tôm Việt Nam trong kiểm soát dư lượng Ethoxyquin đã tạo chuyển biến tích cực từ phía Nhật Bản. Theo thông tin từ các nhà nhập khẩu Nhật Bản, nước này đang xem xét nâng mức dư lượng chất cấm này thêm 20 lần so với mức hiện nay, từ mức “bất khả thi” 0,01 ppm lên 0,2 ppm.

Ông Trần Văn Lĩnh, Tổng Giám đốc Công ty CP Thủy sản và Thương mại Thuận Phước, cho hay mức Ethoxyquin 0,2 ppm so với kiến nghị 1 ppm mà DN nước ta đưa ra còn quá chênh lệch nhưng là tín hiệu đáng mừng hứa hẹn Nhật Bản sẽ tháo gỡ những rào cản đối với sản phảm thủy sản Việt Nam. Hơn một năm qua DN đã hạn chế nhập khẩu vào thị trường này vì chi phí kiểm tra các lô hàng quá cao, mất thời gian và dễ dàng đối diện với nguy cơ ngưng nhập khẩu vì mức Ethoxyquin phải đạt quá thấp.

“Nguyên do Nhật Bản nới lỏng cho tôm Việt Nam không chỉ nhờ sự đàm phán mà một phần do nguồn cung tôm thế giới giảm gây ra khan hiếm nguồn hàng. Cụ thể, trong khi đối thủ cạnh tranh Thái Lan, Indonesia khốn khổ dịch bệnh tôm chết sớm thì Việt Nam trở thành nguồn cung lớn nhất cho Nhật Bản. Đây có thể nói là thời cơ cho DN xuất khẩu tôm Việt Nam có nhiều điều kiện tăng tốc và chiếm lĩnh thị trường cao cấp này” - ông Linh phân tích.

Ngoài ra, ông Chu Văn An, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn Thủy sản Minh Phú, cũng cho biết doanh thu thuần quý III-2013 của Minh Phú đạt khoảng 3.650 tỉ đồng, tăng hơn 93% so với cùng kỳ 2012. Nguyên nhân nhờ được hưởng khá nhiều lợi thế về thuế khóa (Mỹ không đánh thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp đối với tôm xuất khẩu), đồng thời dịch bệnh tôm chết sớm cũng đã được giải quyết dứt điểm.

Ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký Vasep, cho hay với mức xuất khẩu tôm trung bình khoảng 250 triệu USD/tháng như hiện nay, khả năng năm 2013 con tôm sẽ đem về giá trị từ 2,5 tỉ đến 2,6 tỉ USD, tăng khoảng 15% so năm 2012. Dự báo xuất khẩu tôm sang các thị trường chính từ nay đến cuối năm sẽ thuận lợi. Đó là thị trường Mỹ nhập khẩu lớn nhất của tôm Việt Nam tăng ổn định; sản phẩm tôm sú tiếp tục chiếm lĩnh thị trường Nhật Bản, tôm thẻ chân trắng được ưa chuộng hơn tại EU do nhu cầu tiêu thụ mạnh vào cuối năm.

 

Theo Quang Huy

Pháp luật TPHCM

Chuyên mục: Tiền và Hàng

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *