Tiền và Hàng 14/01/2016 16:11

Nga bắt đầu thấm nỗi đau khi giá dầu về 30 USD/thùng

Việc giá dầu phá đáy về 30 USD/thùng đã làm cho nền kinh tế Nga – đang là "nạn nhân" của suy thoái kinh tế - bị ảnh hưởng nghiêm trọng, nhất là các công ty và ngân hàng quốc doanh.

Trang CNBC trích lời Bộ trưởng Kinh tế Nga Alexei Ulyukayev hôm 14/1 rằng: Nga sẽ cân nhắc việc bán các tài sản tại ngân hàng quốc doanh vì giá dầu “tụt dốc” vẫn tiếp tục tác động mạnh đến ngân sách quốc gia của nền kinh tế đang vật lộn với những tác động của suy thoái kinh tế này.

Kinh tế Nga bị tác động mạnh khi giá dầu phá đáy (Ảnh minh họa)
Kinh tế Nga bị tác động mạnh khi giá dầu phá đáy (Ảnh minh họa)

Phát biểu tại diễn đàn kinh tế Gaidar ở Moscow, Bộ trưởng Alexei Ulyukayev cho biết, các nhà lãnh đạo Nga sẽ cân nhắc giải pháp bán cổ phần nhà nước trong 2 ngân hàng lớn nhất của nước này là Sberbank và VTB.

“Chính phủ nên cân nhắc điều này vì nguy cơ giá dầu sẽ tiếp tục giảm sâu trong một thời gian dài, thậm chí trong nhiều thập kỷ” ông Alexei Ulyukayev nói.

Chính phủ Nga có thể xem xét việc bán cổ phần trong một số ngân hàng lớn nhất của quốc gia này - hiện chính phủ Nga đang sở hữu 60,9% cổ phần trong ngân hàng lớn thứ 2 của Nga là VTB, và năm 50% cổ phần và quyền biểu quyết trong ngân hàng lớn nhất nước này là Sberbank.

Kinh tế Nga bắt đầu suy thoái từ đầu năm 2015 do tác động của giá dầu “lao dốc không phanh” - vì Nga là một nước sản xuất dầu lửa lớn, và do những lệnh cấm vận quốc tế đối với quốc gia này sau động thái sáp nhập Creme vào tháng 3/2014 và vai trò của Nga trong phong trào ủng hộ Nga tại Ukraine cùng thời điểm đó.

Chris Weafer, đối tác cao cấp tại Macro-Advisory chia sẻ rằng, nhận định của Bộ trưởng Kinh tế Nga càng khẳng định khả năng cổ phần hóa các ngân hàng quốc doanh trong tương lai gần.

“Có vẻ như Tổng thống Putin ủng hộ phương án này, tuy nhiên những quan chức nắm giữ các vị trí chủ chốt trong các công ty nhà nước lớn lại phản đối mạnh mẽ kế hoạch bán cổ phần nhà nước,” Weafer nói.

“Tuy nhiên, việc huy động vốn cho ngân sách nhà nước ngày càng bức thiết, đặc biệt trong bối cảnh giá dầu phá đáy, do vậy tầm ảnh hưởng đang trông đợi vào những người tuyên bố ‘tôi cần tiền’ để tạo đà tiến tới cổ phần hóa,” Weafer nói thêm.

Cũng phát biểu tại diễn dàn kinh tế ở Gaidar, Bộ trưởng Tài chính Nga Anton Siluanov cảnh báo rằng, giá dầu sẽ duy trì ở mức thấp trong thời gian dài. Ông này cho biết thâm hụt ngân sách của Nga chiếm 2,6% GDP của quốc gia này trong năm 2016 và ông sẽ hạch toán lại ngân sách do tác động của giá dầu “tụt dốc”.

Anton Siluanov cho biết, trước đây ngân sách được hạch toán trên cơ sở giá dầu khoảng 82 USD/thùng, mức rất xa so với giá dầu hiện nay khoảng trên dưới 30 USD/thùng. Cùng với việc hạch toán lại ngân sách, Siluanov cho biết ông sẽ đề xuất cắt giảm chi tiêu ngân sách khoảng 10%.

Siluanov cũng đã từng phát biểu rằng, Chính phủ Nga kỳ vọng huy động được vốn thông qua việc cổ phần hóa các doanh nghiệp quốc doanh.

Hiện, Nga không phải là nước duy nhất đang loay hoay tìm cách tiết giảm tác động của giá dầu thấp đối với ngân sách Chính phủ. 6 quốc gia vùng vịnh chuyên sản xuất dầu lửa gồm Ả rập Xê út, Kuwait, Bahrain, Oman, Qatar và Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất cũng đang lên kế hoạch áp dụng thuế kinh doanh lần đầu tiên do giá dầu giảm.

Thảo Nguyên

Chuyên mục: Tiền và Hàng

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *