Tiền và Hàng 14/04/2015 11:10

Luật cạnh tranh: "Ông lớn" FDI am hiểu, doanh nghiệp nội mù mờ

FICA - Chỉ có 2% doanh nghiệp trong nước biết về Luật Cạnh tranh, trong lúc tỉ lệ này ở doanh nghiệp FDI là 78%. Có nghĩa, các doanh nghiệp FDI tại Việt Nam hiểu rất rõ về Luật Cạnh tranh và sử dụng tốt Luật này để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.

Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương) mới đây đã phối hợp với Hiệp hội Nữ doanh nhân Việt Nam (VAWE) và Hiệp hội phát triển hàng tiêu dùng Việt Nam (VACOD) tổ chức Hội nghị “Pháp luật cạnh tranh, phòng về thương mại và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng”.

Trong thời gian qua, Việt Nam đã ban hành nhiều văn bản pháp luật, trong đó có một số văn bản pháp luật có tính chất quan trọng để đảm bảo phát triển kinh tế-xã hội một cách bền vững như Luật Cạnh tranh, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, pháp luật phòng vệ thương mại…

Tuy nhiên, theo bà Trần Phương Lan - Trưởng phòng Giám sát quản lý cạnh tranh, Cục Quản lý cạnh tranh cho biết chỉ có 2% doanh nghiệp (DN) trong nước biết về Luật Cạnh tranh, trong lúc tỉ lệ này ở DN FDI là 78%. Có nghĩa, các DN FDI tại Việt Nam hiểu rất rõ về Luật Cạnh tranh và sử dụng tốt Luật này để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của DN mình, trong lúc DN trong nước vẫn thờ ơ, chưa nắm bắt được pháp luật trên.

Theo ông Phan Thế Thắng, Phó Trưởng phòng Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Cục Quản lý cạnh tranh chỉ ra rằng tình trạng không tuân thủ pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng vẫn diễn biến phức tạp và ngày càng tinh vi.

Trong khi đó, nhận thức của người tiêu dùng về quyền lợi của mình vẫn chưa đầy đủ, chưa tạo thành sức mạnh để buộc các doanh nghiệp không chân chính tự nguyện thực hiện nghĩa vụ với người tiêu dùng. Người tiêu dùng cũng chưa ý thức được trách nhiệm tự bảo vệ quyền lợi của mình như mua hàng không lấy hóa đơn, không xem nhãn mác, xuất xứ, hướng dẫn sử dụng, ngại khiếu nại, khiếu kiện…

Tuy nhiên, ông Nguyễn Phương Nam – Phó Cục trưởng Cục Quản lý Cạnh tranh khẳng định, Luật BVQLNTD VN là để bảo vệ người tiêu dùng chân chính, nhưng phản đối những người tiêu dùng lạm dụng những quyền đó để đòi hỏi vô lối đối với doanh nghiệp. Trong thực tế hiện nay, có nhiều doanh nghiệp đối thủ đã sử dụng chiêu trò dèm pha nói xấu nhau để cạnh tranh không lành mạnh.

Ông Võ Văn Quyền, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước - Bộ Công Thương cho rằng, theo cách tiếp cận mới của Bộ Công Thương, hàng Việt Nam là hàng hóa do doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân sản xuất, lắp ráp hợp pháp tại Việt Nam trong đó có các doanh nghiệp FDI. Với cách tiếp cận mở này của Bộ Công Thương, hàng Việt Nam trong thời gian tới sẽ có sức mạnh cạnh tranh lớn trên thị trường.

Ông Nguyễn Phương Nam khẳng định, các hàng hóa do các doanh nghiệp thuần Việt cũng như các DN FDI đầu tư tại Việt Nam sản xuất, lắp ráp tại Việt Nam đều được gọi coi là hàng Việt Nam. Các doanh nghiệp này khi có vướng mắc về pháp lý trên thương trường sẽ được Bộ Công Thương và Cục Quản lý cạnh tranh có trách nhiệm hỗ trợ tạo điều kiện thuận lợi cho DN.

Lãnh đạo từ Bộ Công thương cũng khuyến nghị các doanh nghiệp hãy thường xuyên đổi mới, nâng cao chất lượng cung cấp sản phẩm/dịch vụ nhằm đảm bảo quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng và vì người tiêu dùng Việt. Hưởng ứng Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.

Phương Dung

Chuyên mục: Tiền và Hàng

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *