Tiền và Hàng 06/06/2018 08:45

Kinh doanh tại chợ phải được UBND duyệt phương án kinh doanh?

Dự thảo của Bộ Công Thương quy định, về nội dung quản lý điểm kinh doanh tại chợ, đơn vị kinh doanh khai thác phải “lập phương án bố trí, sắp xếp ngành nghề kinh doanh, sử dụng điểm kinh doanh tại chợ, trình UBND cấp có thẩm quyền phê duyệt”.

 

13059458_866267073482242_1294614932_n(1)
(Ảnh minh hoạ).
 

Bộ Công Thương mới đây đã có Dự thảo đề nghị xây dựng Nghị định của Chính phủ về phát triển và quản lý ngành phân phối nhằm tạo hành lang pháp lý cho hoạt động của chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, trung tâm mua sắm, cửa hàng... Đồng thời, nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, hội nhập kinh tế quốc tế về phát triển và quản lý ngành phân phối.

Kinh doanh ở chợ phải có phương án được duyệt

Đáng lưu ý, riêng về nội dung quản lý điểm kinh doanh tại chợ, dự thảo quy định, đơn vị kinh doanh khai thác phải “lập phương án bố trí, sắp xếp ngành nghề kinh doanh, sử dụng điểm kinh doanh tại chợ, trình UBND cấp có thẩm quyền phê duyệt”.

Bình luận về quy định này, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng: "Việc phê duyệt phương án kinh doanh của Ủy ban nhân dân là sự can thiệp sâu vào quyền tự chủ kinh doanh của doanh nghiệp một cách bất hợp lý. Hơn nữa, xét về tính minh bạch, đây được xem là một dạng giấy phép tuy nhiên không rõ về tiêu chí và thủ tục để có được loại giấy phép này".

Bên cạnh đó, về hoạt động kinh doanh tại chợ, dự thảo quy định “những người thuộc diện sản xuất nhỏ, tự tiêu thụ sản phẩm của mình (nông dân, thợ thủ công …) và những người buôn bán nhỏ, hàng rong, quà vặt được bố trí bán hàng trong chợ ở khu vực riêng dành cho người kinh doanh không thường xuyên tại chợ và phải chấp hành Nội quy chợ”.

VCCI cho rằng, quy định này dường như đang can thiệp vào mối quan hệ dân sự giữa doanh nghiệp kinh doanh khai thác chợ với người thuê địa điểm kinh doanh bởi Nhà nước không thể yêu cầu người kinh doanh chợ phải cho các nhóm chủ thể nhất định.

"Trường hợp người kinh doanh chợ đã tổ chức khu vực bán hàng không thường xuyên nhưng không đủ đáp ứng nhu cầu thì giải quyết như thế nào? Ngược lại nếu số lượng có nhu cầu ít hơn số chỗ trong chợ thì doanh nghiệp khai thác chợ phải để nguyên chỗ trống không được khai thác, trong khi các chủ thể khác có nhu cầu lại không được? Quy định này vô hình trung sẽ không khuyến khích nhà đầu tư vào chợ", VCCI nhận định thêm.

Vượt quá tinh thần chỉ đạo

Góp ý về Dự thảo này, VCCI cũng cho rằng, việc xác định mục tiêu quá rộng như vậy dường như là chưa thật sự cần thiết và thuyết phục.

Theo VCCI, theo tinh thần chỉ đạo được trích dẫn trong Tờ trình thì mục tiêu và phạm vi xây dựng Nghị định này chỉ giới hạn ở việc điều chỉnh hai Nghị định 02, Nghị định 114, tức là “phát triển và quản lý chợ”. Như vậy, việc Dự thảo mở rộng phạm vi ra cả ngành phân phối (trong đó bao gồm các cửa hàng, trung tâm đấu giá hàng hóa, siêu thị, trung tâm thương mại, trung tâm mua sắm, cửa hàng … ) dường như là vượt quá tinh thần chỉ đạo.

Về tính hợp lý, theo VCCI, mặc dù là hình thức phân phối chiếm một tỷ trọng đáng kể trong hệ thống phân phối hiện tại, “chợ” chỉ là một bộ phận của hệ thống phân phối hiện đại (với nhiều thành tố khác như siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi, cửa hàng bán lẻ chuyên ngành, cửa hàng bán lẻ của doanh nghiệp sản xuất…).

Do đó, những vấn đề liên quan tới phát triển và quản lý chợ không đại diện cho toàn bộ vấn đề của hệ thống phân phối, từ đây việc mở rộng phạm vi của Nghị định từ “chợ” ra toàn bộ “ngành phân phối” có thể cũng sẽ gượng ép, thiếu hiệu quả.

Đó là chưa kể tới thực tế là “chợ”, với tính chất là một hình thức phân phối truyền thống, gắn với một bộ phận dân cư quan trọng, lại đang bị phân hóa mạnh (đặc biệt theo vùng miền), chịu tác động/sức ép từ sự phát triển của các hình thức phân phối hiện đại, cần có các chính sách, cách thức quản lý rất đặc thù, khác với việc quản lý các hình thức phân phối hiện đại khác. Vì vậy, việc phát triển chính sách của toàn bộ ngành phần phối nhưng lại đứng từ góc độ cơ bản là chính sách đối với “chợ” có lẽ là không thích hợp..

"Dự thảo có tham vọng thiết lập chính sách cho hệ thống phân phối ở Việt Nam, nhưng các dự kiến hiện tại của Dự thảo lại chỉ có thể chi tiết ở hình thức “chợ”, và một vài nội dung rất chung về “siêu thị, trung tâm thương mại”, hoàn toàn chưa có bất kỳ định hình nào về các hình thức phân phối khác, càng chưa có cái nhìn toàn cảnh nào về toàn bộ hệ thống phân phối", VCCI đánh giá.

Phương Dung

Chuyên mục: Tiền và Hàng

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *