Tiền và Hàng 20/03/2014 14:04

Hỗn loạn rau an toàn

Do buông lỏng quản lý nên thị trường rau an toàn tại thị trường Hà Nội nói riêng và Việt Nam rất hỗn loạn, không thể kiểm soát được nguồn gốc và chất lượng rau, kể cả ở những hệ thống được coi là đảm bảo như siêu thị.

Theo Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam, việc phân công trách nhiệm quản lý an toàn thực phẩm đối với rau được phân chia cho quá nhiều cơ quan. Vì thế, người tiêu dùng không thể nhận biết đâu là rau an toàn và không an toàn.

Bà Nguyễn Thị Kim Oanh- Trưởng phòng giao dịch của Sàn Giao dịch rau quả và thực phẩm an toàn Hà Nội- cho biết, đến nay đã có gần 100 đơn vị sản xuất và cung ứng rau quả thực phẩm an toàn tại 15 tỉnh, thành phố tham gia giao dịch trên sàn. Các đơn vị này kết nối giao dịch với khoảng 150 siêu thị, cửa hàng, đầu mối bán buôn, bán lẻ và 78 điểm phân phối ở khu dân cư, cơ quan.

Thực tế cho thấy, nhu cầu của người tiêu dùng đối với rau quả an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP là rất lớn. Thế nhưng, các cơ sở sản xuất rau VietGAP mặc dù được đầu tư nhiều nhưng không phát triển được như kỳ vọng. Do hạn chế về quản lý nên thị trường rau an toàn tại Hà Nội nói riêng và Việt Nam rất “loạn”. Điều này dẫn đến lòng tin của người tiêu dùng bị khủng hoảng. Kể cả khi các cơ sở sản xuất rau an toàn cam kết bảo hành chất lượng nhưng người tiêu dùng vẫn bán tín, bán nghi. Đây là nguyên nhân dẫn tới mâu thuẫn, nhu cầu rau an toàn thì nhiều nhưng các cơ sở sản xuất không thể phát triển.

Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam kiến nghị: Cần tiếp tục rà soát và ban hành đầy đủ các văn bản quy định, đặc biệt là các quy chuẩn kỹ thuật trong toàn bộ chuỗi; ban hành văn bản thỏa thuận về cơ chế phối hợp giữa Bộ Y tế, Bộ Công Thương và Bộ NN & PTNT về kiểm soát chuỗi. Xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định. Hỗ trợ xây dựng liên kết giữa khu vực sản xuất và khu vực phân phối, bán lẻ trong các chuỗi; Xây dựng các sản phẩm truyền thông nhằm quảng bá giới thiệu sản phẩm; cách nhận diện sản phẩm.


Theo bà Nguyễn Thị Xuân Thu- Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN & PTNT), sản xuất rau an toàn (RAT) đã được Bộ quan tâm, triển khai chỉ đạo thực hiện ở rất nhiều địa phương gần 10 năm nay. Tuy nhiên, tỷ lệ sản xuất RAT được chứng nhận chỉ chiếm 1-2%, và RAT chỉ chiếm 7-8% trong tổng số rau sản xuất. Thực tế phát triển RAT còn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là việc chứng nhận, giám sát và kiểm tra các vùng sản xuất RAT và xây dựng thương hiệu, thị trường phân phối sản phấm.

Bà Thu nhấn mạnh, vấn đề cần giải quyết hiện nay không phải là sản xuất được rau sạch hay không sạch mà là làm thế nào chứng nhận được sản phẩm ấy an toàn và được các cơ quan giám sát và tổ chức xã hội chứng nhận để người dân tin tưởng sản phẩm an toàn. Hơn nữa, khâu phân phối lưu thông cho đến người tiêu dùng cần phải rút ngắn lại. Hiện tại có quá nhiều nhà buôn bản nhỏ làm cho giá giữa người sản xuất trên đồng ruộng và giá trong siêu thị cách nhau quá xa. Vì vậy, trước hết cần tập trung giải quyết khâu phân phối rau an toàn.

 Để rau quả an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP có “đất sống”, theo bà Oanh, cần tính toán mọi cách giảm giá thành để rau an toàn ngày càng “phổ thông hóa” mới là con đường đúng đắn. Theo bà Oanh, có nhiều cách để có thể cắt giảm giá thành. Chẳng hạn, riêng khâu bao gói hiện chiếm tới khoảng 30% giá thành bao gồm chi phí tiền túi nilon (chưa kể gây ô nhiễm môi trường), chi phí đóng gói (tốn nhiều nhân công)… Nhà nước cần dành ít nhất 50% nội dung công việc và ngân sách cho việc phát triển thị trường và tổ chức mạng lưới tiêu thụ, tránh cách làm trước đây chủ yếu tập trung vào hỗ trợ kỹ thuật và nâng cao năng lực sản xuất mà ít chú trọng đến thị trường.


Theo Nguyễn Hạnh

Báo Công thương

Chuyên mục: Tiền và Hàng

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *