Tiền và Hàng 13/04/2018 09:51

Hồ tiêu mất giá, nông dân đổ xô sang trồng bơ

Với giá bán cao từ 40 đến 150.000 đồng/kg, cây bơ đang được rất nhiều người dân ở tỉnh Đắk Nông trồng với diện tích lớn. Tuy nhiên, do trồng bơ theo phong trào nên diện tích đang vượt so với theo quy hoạch của tỉnh này.

Trước thực tế, nhiều vườn cà phê già cỗi, diện tích hồ tiêu gấp 4 lần quy hoạch năm 2020, giá hồ tiêu xuống mức thấp nhất trong vòng 10 năm qua, nhiều nông dân ở Đắk Nông đã tìm hướng đi khác, trong đó có chuyển đổi sang trồng cây ăn trái.

Tại một số huyện có diện tích trồng cà phê, hồ tiêu lớn như Đắk Song, Đắk Mil, nhiều hộ nông dân đã thay thế bằng cây bơ, trong đó chủ yếu là loại bơ booth. Đây cũng là loại bơ có hàm lượng dinh dưỡng cao, được thị trường ưa chuộng nên vài năm trở lại đây, loại cây này có dấu hiệu “sốt”.

Nhiều nông dân chuyển sang trồng bơ khi hồ tiêu mất giá

Bước vào đầu mùa mưa năm 2018, gia đình ông Nghiêm Xuân Dưng (xã Thuận Hạnh, huyện Đắk Song) quyết định phá đi hơn 2 ha cà phê, thay thế bằng bơ. Ông Dưng cho biết, từ trước tới nay trồng cà phê, nhưng cà phê già cỗi nên chặt đi trồng chanh dây. Trong thời gian qua, được biết cây bơ booth là cây có giá trị kinh tế cao nên gia đình ông trồng... thử nghiệm.

Tại Đắk Nông, bơ liên tục được bán với mức giá cao, từ 50- 150.000 đồng/kg, thời điểm trái mùa là 200.000 đồng/kg. Một hecta bơ trưởng thành có thể cho thu hoạch 20 tấn quả, với giá bán cao, người nông dân có thể thu nhập hàng tỷ đồng sau khi trừ chi phí đầu tư. Phong trào trồng bơ lan rộng đã tạo điều kiện cho hàng loạt cơ sở bán cây giống cũng nở rộ.


Phong trào trồng bơ lan rộng đã tạo điều kiện cho hàng loạt cơ sở bán cây giống cũng nở rộ.

Ông Nguyễn Văn Quảng, một chủ đại lý giống bơ booth (xã Thuận An, huyện Đắk Mil) cho biết, sau 4 năm gia đình ông đã cung cấp ra thị trường khoảng 300.000 cây, nhờ đó mà vườn cây giống này cũng mang lại nguồn thu lớn.

“Cao điểm nhất trong một ngày, tôi bán được 2000 cây. Nông dân rủ nhau trồng bơ booth rất là nhiều, gia đình cũng đã cung cấp hàng trăm ngàn cây giống cho nông dân ở các tỉnh Tây Nguyên”, ông này cho hay.

Tuy nhiên việc người dân tiếp tục đua nhau trồng ồ ạt loại cây này lại tiềm ẩn nguy cơ “được mùa mất giá”, cung vượt quá cầu, giống như những gì đang xảy ra với hồ tiêu. Sau một thời gian phát triển nóng, diện tích hồ tiêu của Đắk Nông đã đạt gần 30.000 ha (gấp 4 lần so với quy hoạch năm 2020), giá của hồ tiêu ở các tỉnh Tây Nguyên rớt xuống mức thấp nhất trong vòng một thập kỷ qua.

Thông tin về tình hình sản xuất bơ trên địa bàn, ông Hồ Gấm, Chủ tịch Hội nông dân tỉnh Đắk Nông cho biết, theo quy hoạch của ngành nông nghiệp tỉnh Đắk Nông đến năm 2020, diện tích các loại cây ăn quả là khoảng 7 ngàn ha, nhưng hiện nay, chỉ riêng diện tích trồng bơ đã lên tới 6 ngàn ha. Rõ ràng, việc mở rộng diện tích cây bơ một cách tự phát đang có nguy cơ phá vỡ quy hoạch các loại cây trồng ở địa phương.


Tuy nhiên, người nông dân đang trồng bơ theo kích thích thị trường, dẫn đến phá vỡ quy hoạch

Do liên tục mở rộng diện tích nên sản lượng tạo ra hàng năm cũng rất lớn, nếu đạt sản lượng khoảng 20 tấn/ha thì mỗi năm có khoảng 120 ngàn tấn bơ được cung cấp ra thị trường. Đặc biệt không chỉ Đắk Nông mà nhiều tỉnh Tây Nguyên, Nam bộ cũng cũng trồng bơ, dẫn đến việc nguồn cung lớn, việc tiêu thu sẽ gặp khó khăn.

Lý giải về việc diện tích trồng bơ liên tục tăng, ông Gấm cho biết, thời điểm này người nông dân đang trồng bơ theo kích thích thị trường, bởi mỗi cây bơ có thể thu thu được đến 200kg/cây và có lúc giá bán lên đến 150 ngàn/kg. Song thị trường này không bền vững, chưa ổn định do đầu ra chưa được đảm bảo nên nông dân cần xem xét cẩn thận trước khi trồng với diện tích lớn.

Để phát triển bơ hiệu quả và bền vững trong thời gian tới, chủ tịch Hội nông dân Đắk Nông cho biết: “Hội sẽ có những hướng dẫn và khuyến cáo, tuyên truyền để bớt phát triển nóng, đảm bảo đầu ra. Bên cạnh đó, sẽ tổ chức kêu gọi, mời gọi các doanh nghiệp đến Đắk Nông để liên kết cùng với nông dân làm sao tạo ra sản phẩm sản xuất đảm bảo theo chuỗi giá trị, đồng thời liên kết các nông dân lại với nhau, thông qua các mô hình tổ, hội nông dân theo nghề nghiệp…”

Dương Phong

Chuyên mục: Tiền và Hàng

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *