Tiền và Hàng 25/11/2014 16:05

Hải Phòng: Cước vận tải rục rịch hạ

Sau 10 lần giảm giá xăng dầu từ đầu năm tới nay, ở Hải Phòng, một số doanh nghiệp (DN) vận tải hành khách bắt đầu có động thái giảm giá cước, tuy mức giảm không nhiều (từ 3-15%).

Trao đổi về vấn đề hạ giá cước vận tải của các DN ở Hải Phòng, Trưởng phòng Quản lý vận tải- Sở Giao thông vận tải (GTVT) Hải Phòng- ông Nguyễn Quang Hiếu - cho biết: Một số DN taxi ở Hải Phòng đã gửi phương án hạ giá cước sau khi giá xăng dầu trong nước giảm liên tục 10 lần. Sau nhiều lần giá xăng dầu hạ nhiệt, Sở GTVT đã gửi văn bản tới DN vận tải hành khách đề nghị tăng cường áp dụng và thực hiện các biện pháp nhằm tiết kiệm tối đa chi phí sản xuất - kinh doanh, hạ giá thành vận tải, đồng thời không thực hiện việc tăng giá cước vận tải bằng xe ôtô trong thời gian từ nay cho đến hết năm 2014.

Thực tế, theo báo cáo từ Sở GTVT Hải Phòng, DN vận tải hành khách bằng xe taxi đầu tiên trên địa bàn thành phố có động thái giảm giá cước là hãng taxi Én Vàng. Kế đến là hãng taxi Đất Cảng. Ngoài 2 DN này, một số hãng taxi khác ở Hải Phòng cũng đang trình Sở phương án giá cước mới theo hướng giảm.

Tuy nhiên, đến thời điểm này, vận tải hành khách bằng xe khách chỉ có 1 DN giảm cước phí. Theo Tổng giám đốc Công ty Bến xe Hải Phòng - ông Lại Anh Dũng - DN này gửi bến xe giá cước mới tuyến Hải Phòng - Thanh Hóa và ngược lại, mức giảm từ 115.000 đồng/vé xuống 110.000 đồng/vé.

Thực tế, mỗi lần thay đổi giá cước vận tải, các hãng taxi phải tiến hành kiểm định lại hệ thống đồng hồ, in ấn lại bảng giá đã niêm yết trên xe.

Được biết, việc làm này khá tốn thời gian, kinh phí. Lộ trình từ khi DN lên phương án tới khi áp giá mới vào thực tế không thể thực hiện ngay vì còn chờ cơ quan chức năng tiến hành nhiều việc như kiểm định đồng hồ tính tiền, kẹp chì, dán tem.

Trong lĩnh vực giá cước ngành vận tải, bài toán khó giải nhất vẫn là kiểm soát cước vận tải hàng hóa đường bộ. Bởi lẽ, khi thâm nhập thực tế, không khó để nhận ra thực trạng cước “ảo”, tức là không có giá sàn, giá trần hay phương thức áp dụng là sự thỏa thuận “hợp lý” giữa “chủ xe” với “chủ hàng” vẫn ngầm diễn ra.

Thực tế, việc không có quy định về mức cước trần hoặc sàn đối với vận tải hàng hóa đã dẫn đến thực trạng DN tự quyết. Các DN vận tải hàng hóa không công khai cước vì bài toán cạnh tranh theo cơ chế thị trường.

Thực tế, sự đa dạng của hàng hóa vận tải làm đa dạng hóa giá cước ở đồng lĩnh vực. DN không thể có được mức cước chung. Ông Lê Thành Trung - Chủ tịch HĐQT Công ty Thương mại vận tải Trung Thành - khẳng định: Tùy theo khách hàng, loại hàng hóa mà giá cước công ty đưa ra khác nhau. Là 1 trong 4 đơn vị chuyên vận chuyển hàng thức ăn gia súc ở Hải Phòng, với đối tác có hợp đồng dài hạn theo năm, công ty sẽ áp mức giá cố định, ưu đãi riêng, bảo đảm. Khi khách hàng gặp khó khăn, công ty tính toán áp giá cước theo hướng chia sẻ khó khăn với khách hàng. Ngoài ra, DN vận tải sẽ giảm giá cho chủ hàng thanh toán tiền nhanh chóng, còn chủ hàng chậm trả, chắc chắn cước sẽ cao hơn.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, hầu hết DN vận tải hàng hóa thông thường và vận tải hàng hóa bằng xe container chưa có xu hướng hạ cước công khai, mà chỉ giảm theo chủ hàng, đơn hàng, bởi giá xăng dầu chỉ chiếm 30% giá cước vận tải. Nhiều chủ hàng cũng biết điều này, song chỉ mong muốn các DN không tăng cước vận tải hàng hóa. Điều quan trọng là xe không chở quá tải, không vi phạm trật tự ATGT dẫn đến bị tạm giữ, hạ tải, ảnh hưởng đến thời gian giao hàng.

Theo Lê Xuyến - Thành Huế

Báo Công thương

Chuyên mục: Tiền và Hàng

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *