Tiền và Hàng 09/05/2015 16:02

Gần 100 ha cao su tại Sơn La bị đốn hạ: Dân không rõ vì sao?

Người dân góp đất trồng cao su, công nhân của công ty cũng không hề biết ai chặt cây cao su, vì sao chặt, chặt để làm gì.

Trong những ngày gần đây, dư luận tại Sơn La đang xôn xao trước thông tin gần 100 ha cây cao su tại xã Mường Bú, huyện Mường La bị đốn hạ không rõ nguyên nhân.

Những quả đồi trọc lốc, chỉ còn những đường đồng mức chạy viền quanh các sườn đồi là dấu vết cho thấy, đây là diện tích đất trồng cây cao su. Những gốc cao su trồng từ 6 đến 7 năm vừa bị đốn hạ. Những thân cây cao su đường kính 10 đến 15cm vẫn chưa kịp chuyển đi hết đang nằm chất đống. Đó là những gì chúng tôi ghi nhận được tại khu vực trồng cao su thuộc bản Bủng, xã Mường Bú, huyện Mường La tỉnh Sơn La.

Điều lạ là, người dân góp đất trồng cao su, là công nhân của công ty khi được hỏi cũng không hề biết ai chặt cây cao su, vì sao chặt, chặt để làm gì. Họ cũng không biết vì sao cây cao su đã lớn đến năm thứ 6, thứ 7 chỉ khoảng  2 đến 3 năm nữa là cho thu hoạch mủ, thì lại đột nhiên bị chặt đi. Ông Lò Văn Thưởi, Bí thư chi bộ bản Bủng, xã Mường Bú, huyện Mường La tỉnh Sơn La, người góp hơn 5 héc ta đất trồng cây cao su cho biết: “Chúng tôi chỉ là người dân góp đất cho công ty, còn việc chặt như thế nào dân bản, chi bộ cũng không nắm được”.

Xã Mường Bú, huyện Mường La hiện đã trồng hơn 1.400 ha cây cao su, với 14 bản, 952 hộ góp đất. Xã  đã có 428 người tham gia làm công nhân của Công ty cổ phần cao su Sơn La. Diện tích đất góp trồng cao su chiếm trên 60% diện tích đất sản xuất nông nghiệp của toàn xã.

Ông Quàng Văn Minh, phó Chủ tịch UBND xã Mường Bú cho biết: Người dân đã rất đồng tình ủng hộ chương trình này, nhiều gia đình đã góp hết diện tích sản xuất của mình để trồng cao su. Cây cao su ở đây đã trồng được 6 đến 7 năm đang lên xanh tốt, người dân đang mong ngóng từng ngày để được thu hoạch vì theo kế hoạch cây cao su trồng sau 8 đến 9 năm sẽ cạo mủ. Tuy nhiên, việc chặt hạ trên 53 ha cao su tại xã Bản Bủng mà chính quyền địa phương không hề hay biết, đã gây ra hoang mang lo lắng.

Mường La là địa bàn trọng điểm trồng cây cao su của tỉnh Sơn La với trên 2.000 ha, cây cao su ở đây đều được trồng từ 6 đến 7 năm. Ông Nguyễn Thành Công – chủ tịch UBND huyện Mường La cho biết: Khi bắt đầu triển khai trồng cây cao su, huyện đã tuyên truyền vận động nhân dân tham gia chương trình, tuy nhiên khi có sự thay thế hay chặt hạ, công ty không hề thông báo cho chính quyền địa phương, dẫn đến việc không tuyên truyền kịp thời, làm hoang mang dư luận. Hơn nữa, khi cây đã 6 đến 7 tuổi mới chặt hạ thay thế, dẫn tới thời gian cho thu hoạch của cao su quá xa.

Ông Nguyễn Thành Công mong Công ty Cổ phần Cao su Sơn La tiếp tục phối hợp chặt chẽ với UBND huyện, Chính quyền cơ sở cấp xã vận động, tuyên truyền để người dân hiểu rõ việc chặt là thay thế, mục đích là thay cây chịu lạnh và phát triển tốt để ôn định đời sống nhân dân.

Có thể nói, để dẫn đến việc người dân có dư luận không tốt trong những ngày qua, là do người dân thiếu thông tin. Nhưng khi trao đổi với chúng tôi, lãnh đạo Công ty Cao su Sơn La vẫn khẳng định mình làm đúng.

Ông Võ Nhật Duy, Tổng Giám đốc - Công ty Cổ phần Cao su Sơn La nói: “Chúng tôi thông báo cho cán bộ công nhân viên, không có cơ chế nào phải báo cáo cho chính quyền địa phương cả. Ví dụ hàng năm những báo cáo thống kê chúng tôi thực hiện đầy đủ theo quy định của Nhà nước, còn báo cáo gửi về ban chỉ đạo tỉnh, tỉnh có trách nhiệm thông báo cho ban chỉ đạo huyện”.

Cũng qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, Công ty đã thực hiện việc chặt cây cao su này do diện tích trên có giống không phù hợp, không đạt yêu cầu về sức chịu rét, sẽ dẫn đến phát triển chậm và cho sản lượng mủ kém. Theo đó, tại xã Mường Bú, huyện Mường La, công ty đã chặt hạ hơn 53 ha cao su, tại xã Chiềng La huyện Thuận Châu chặt 16 ha.

Việc chặt đi số cao su do giống cây không đảm bảo đã được sự cho phép của Tập đoàn Cao su Việt Nam. Tuy nhiên, quyền "được biết" của người dân trồng cao su đã chưa được thực hiện đầy đủ. Như vậy, gần 70 ha cây cao su trồng 6 đến 7 năm ở Mường La và Thuận Châu đã bị đốn hạ. Bên cạnh đó, đã xuất hiện những hốc để trồng thay thế giống cao su khác. Như vậy, người nông dân nơi đây lại phải bắt đầu lại từ đầu và ít nhất phải 9 năm nữa thì cây cao su mới đến kỳ cho thu hoạch.

9 năm - quãng thời gian không phải là ngắn để người dân có thể biết được tương lai của cây cao su và tương lai của mình sẽ đi đến đâu./.

 
Theo Tuyết Lan
VOV – Tây Bắc
Chuyên mục: Tiền và Hàng

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *