Tiền và Hàng 07/01/2015 22:02

Gạch men Việt Nam và cuộc "công phá" thị trường Đài Loan

FICA - Thị trường gạch men hiện nay tại Đài Loan chủ yếu do doanh nghiệp Đài Loan đầu tư sản xuất tại Việt Nam và bán ngược về Đài Loan song cũng có các doanh nghiệp "thuần" Việt bán hàng khá tốt vào thị trường này.

Theo Văn phòng Kinh tế Văn hóa Việt Nam tại Đài Bắc (Trung Quốc), Đài

Loan là một thị trường có quy mô nhỏ với dân số chỉ hơn 23 triệu người và có thể coi là một trong những số ít thị trường rất khó tính vì có 50 năm là thuộc địa của Nhật Bản, mọi thói quen tiêu dùng của người dân chịu ảnh hưởng sâu sắc tính cách của người Nhật.

Các sản phẩm gạch men gốm sứ muốn bán được vào thị trường Đài Loan luôn đòi hỏi chất lượng cao và mẫu mã với phong cách ảnh hưởng từ Trung Quốc (cổ) và Nhật Bản. Đài Loan với địa hình đồi núi, và là đảo hay xảy ra động đất nên các công trình kiến trúc của Đài Loan thường rất thấp, trên dưới 20 tầng và ngành vật liệu xây dựng của Đài Loan cũng không còn nhộn nhịp bởi do bộ mặt đô thị gần như đã được hoàn thiện từ thập niên 80-90 của thế kỷ trước trong khi số ít các dự án xây dựng mới của ngành bất động sản lại không thực sự phát triển do quỹ đất hạn hẹp và giá bất động sản bị đẩy lên khá cao so với thu nhập của người dân.

Về ngành công nghiệp gạch men của Đài Loan, sau khi kinh tế Đài Loan có phát triển nhất định trong thế kỷ trước, Chính quyền trên đảo đã yêu cầu các doanh nghiệp trong ngành sử dụng nguyên liệu đốt bằng gas để tránh ô nhiễm bảo vệ môi trường, thêm vào đó với việc giá cả nguyên vật liệu nhân công tăng do thu nhập bình quân tăng nên dưới tác động của chính sách đầu tư hướng Nam.

Phần lớn các doanh nghiệp thuộc ngành công nghiệp này của Đài Loan đã được di dời sang các nước thứ 3 nơi có nguồn nhân công và nguyên liệu rẻ hơn như Trung Quốc, hay các nước ASEAN trong đó có Việt Nam và từ đó xuất khẩu ngược trở lại Đài Loan cũng như xuất khẩu đi các nước khác Thế giới.

Các doanh nghiệp gạch men của Đài Loan hiện nay đang đầu tư lớn tại Việt Nam có thể kể đến như : Chang yih, Bạch Mã, Caesar, v.v... đa phần tập trung tại các tỉnh phía Nam của Việt Nam như Đồng Nai, Bình Dương.

Nói về sức cạnh tranh của gạch men Việt Nam tại thị trường Đài Loan, ông Chengnan - Chen Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty gạch men Three Stars- Tổng đại lý gạch nung Gốm Đất Việt tại Đài Loan - nguyên Chủ tịch Hiệp hội gốm sứ Đài Loan cho rằng, trong thời kỳ ông Chen làm Chủ tich Hiệp hội gốm sứ Đài Loan, ông đã thành công đưa mặt hàng gạch men vào "Danh mục các mặt hàng cấm nhập khẩu từ Trung Quốc đại lục" nhằm bảo vệ ngành công nghiệp nội địa của Đài Loan và đến nay ưu thế đó đã chuyển sang cho hàng gạch men của Việt Nam khi gạch của Việt Nam có chất lượng tốt, giá cả phù hợp với thị trường Đài Loan.

Tuy vậy, do lợi nhuận, ông Chen cũng cho biết nhiều doanh nghiệp Đài Loan/ Trung Quốc đã lợi dụng chính sách chuyển cảng, thu mua gạch men Trung Quốc giá rẻ lấy xuất xứ nước thứ 3 và bán vào Đài Loan nên bị chính quyền Đài Loan xem xét kiểm tra rất kỹ trước khi cho thông quan. Một trong những biện pháp được nhà chức trách Đài Loan áp dụng trong quy trình nhập khẩu gạch men là yêu cầu phải dùng phương pháp đúc, nung thể hiện rõ tên quốc gia hoặc vùng lãnh thổ sản xuất bằng tiếng Trung Quốc hoặc tiếng nước ngoài trên mặt dưới của loại gạch đó.

Đối với các trường hợp không thể hiện xuất xứ trên gạch sẽ không được phép thông quan nhập khẩu vào Đài Loan. Có thể nói thị trường gạch men hiện nay tại Đài Loan chủ yếu do doanh nghiệp Đài Loan đầu tư sản xuất tại Việt Nam và bán ngược về Đài Loan song cũng có các doanh nghiệp "thuần" Việt bán hàng khá tốt vào thị trường này. Qua tiếp xúc, được biết, các doanh nghiệp lớn của Việt Nam như: Tổng Công ty Viglacera, Viglacera Hạ Long, Gốm đất Việt, Prime, Thạch Bàn.... đều cũng đã có đại lý phân phối tại Đài Loan.

Về tập quán buôn bán, một công trình mới được xây dựng, vật liệu cần dùng sẽ do KTS thiết kế chỉ định. Do đó, một sản phẩm muốn bán vào công trình này phải qua sự "tư vấn" của KTS chỉ định, các công ty bán hàng phải có đầu mối là các KTS này bên cạnh hệ thống các cửa hàng vật liệu xây dựng bán lẻ.

Hiện doanh nghiệp NK mặt hàng này của Đài Loan chủ yếu tập trung tại Quận Yingge - Thành phố Tân Bắc vốn là trung tâm gốm sứ của Đài Loan. Do quy mô thị trường nhỏ, nên Hội chợ triển lãm chuyên ngành này không nhiều và không thật sôi nổi.

Bích Diệp

Chuyên mục: Tiền và Hàng

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *