Tiền và Hàng 27/05/2015 22:17

Được mùa mất giá – người nông dân không hề có lỗi!

FICA - Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải khẳng định, câu chuyện được mùa mất giá là quy luật thị trường và cần phải xác định người nông dân, người trồng trọt không hề có lỗi.

Người phát ngôn Bộ Công Thương - Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải (ảnh: VGP)
 
Trao đổi về vấn đề đầu ra cho nông sản tại cuộc họp báo thường kỳ Chính phủ tháng 5/2015 diễn ra chiều 27/5, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, trong 5 tháng đầu năm kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng nông sản, thủy sản đều có sự giảm sút. 
 
Nguyên nhân do hoạt động xuất khẩu sang một số thị trường chính như Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản và một số thị trường lớn khác sụt giảm trong khi đó lại chưa phát huy được ở những thị trường được đánh giá là rất tiềm năng.
 
“Các doanh nghiệp phải cố gắng hơn”
 
Thứ trưởng Hải cho biết, không phải đến bây giờ những biện pháp cụ thể để tăng kim ngạch xuất khẩu mới được bàn tới mà trên thực tế, Bộ Công Thương đã được Chính phủ giao làm đầu mối phối hợp với các bộ, ngành có những biện pháp tháo gỡ từ rất lâu về trước.
 
Trước hết, đó là mở rộng thị trường thông qua đàm phán các hiệp định thương mại tự do (FTA). Vừa qua, Việt Nam đã ký kết một số FTA quan trọng, cụ thể, mới đây đã ký FTA với Hàn Quốc, trong một vài ngày sẽ ký hiệp định với Liên minh Thuế quan Nga-Belarus-Kazakhstan. Trong tháng 6 tới có thể ký kết FTA với EU và hy vọng trong thời gian gần nhất sẽ ký được Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Những hiệp định này sẽ mang lại lợi ích hết sức lớn cho các mặt hàng của Việt Nam, trong đó có nông sản. 
 
Ông Hải dẫn chứng, việc ký kết thành công FTA với Hàn Quốc vừa qua giúp thuế suất xuất khẩu của nhiều mặt hàng sang thị trường nước này được đưa xuống 0%. Tương tự với nhiều thị trường khác mà sắp tới Việt Nam sẽ ký FTA.
 
Ngoài ra, để thúc đẩy tiêu thụ nông sản, vừa qua Việt Nam cũng đã đẩy mạnh nhiều hoạt động xúc tiến thương mại cả trong và ngoài nước. Chính phủ bước đầu đã tăng kinh phí cho hoạt động xúc tiến thương mại, trong đó có chương trình xúc tiến thương mại quốc gia. Thậm chí, với thị trường trong nước cũng đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến, phát triển, không ngoại trừ miền núi, biên giới, hải đảo.
 
Ông Hải cho biết, một phương án đã làm và cần phải đẩy mạnh hơn là hoạt động cung cấp thông tin thị trường, thông tin cụ thể về từng sản phẩm đến doanh nghiệp, qua đó tăng tính chủ động cho doanh nghiệp trong ứng phó. 
 
“Chúng ta đã thống nhất là Nhà nước, Chính phủ chỉ hỗ trợ mà thôi, còn người quyết định đến hoạt động kinh doanh, xuất nhập khẩu chính là các doanh nghiệp. Thời gian qua, một mặt Chính phủ, Nhà nước đã hỗ trợ bằng rất nhiều biện pháp nhưng các doanh nghiệp cần phải cố gắng hơn” – vị đại diện Bộ Công Thương phát biểu.
 
Một điểm nữa để góp phần tăng cường xuất khẩu hàng nông sản, theo Thứ trưởng Hải chính là việc đẩy mạnh chất lượng hàng hóa xuất khẩu. Ông Hải đánh giá, mặc dù chất lượng sản phẩm xuất khẩu đã được làm nghiêm ngặt hơn tuy nhiên vẫn còn nhiều hạn chế, không ít sản phẩm của Việt Nam xuất ra nước ngoài bị trả lại. Thêm vào đó, có một số “con sâu làm rầu nồi canh”, vì số ít chất lượng không tốt đã làm ảnh hưởng đến nhiều doanh nghiệp khác có những sản phẩm, mặt hàng tương tự nhưng bị liên lụy, bị hủy ký hợp đồng. 
 
Theo ông Hải, vấn đề này không những Bộ Công Thương mà các đơn vị, địa phương, bộ, ngành đều có trách nhiệm, từ đó mới nâng cao được chất lượng cũng như sản lượng của những sản phẩm xuất khẩu.
 
“Được mùa mất giá” là điều hết sức tự nhiên!
 
Liên quan tới mặt hàng vải thiều, tại mặt hàng này luôn có tình trạng “được mùa mất giá”, “được giá lại mất mùa”. Tại sao như vậy? Đó là thực tế thị trường, hết sức tự nhiên: Khi được mùa thì rõ ràng sản lượng tăng lên, cung và cầu có sự thay đổi và đương nhiên có việc giảm giá – Thứ trưởng Công Thương phân tích.
 
Ở đây, điều quan trọng theo ông Hải là phải xác định người nông dân, những người trồng trọt không có bất cứ lỗi nào cả vì người ta luôn có quyền trồng gì trên mảnh đất của họ. Thứ hai, người ta cũng mong muốn luôn mang lại lợi ích cao nhất từ việc trồng trọt, từ việc phát triển trên mảnh ruộng của mình.
 
Về phía các cơ quan Nhà nước, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho rằng, ngay từ đầu, Bộ NN&PTNT cần có quy hoạch tổng thể. Muốn có quy hoạch thì phải có những cánh đồng mẫu lớn, phải tập trung được đất để có thể đưa công nghệ vào sản xuất với năng suất cao để tạo ra giá thành mang tính chất cạnh tranh. Khi đó mới có thể xuất khẩu cạnh tranh với những nước xung quanh chứ chưa nói đến những thị trường xa xôi như châu Mỹ, châu Mỹ La tinh vốn có những sản phẩm chất lượng rất tốt nhưng giá cả hết sức cạnh tranh.
 
Riêng tại mặt hàng vải thiều, năm ngoái vừa được mùa, vừa được giá là nhờ vào rất nhiều biện pháp. Một mặt đẩy mạnh xuất khẩu sang các nước khác, không tập trung vào thị trường Trung Quốc. Nếu như mọi năm trước năm 2014, thường Việt Nam xuất khẩu khoảng 60-70% sang thị trường Trung Quốc nhưng năm 2014 chỉ xuất khoảng 40-45% sang thị trường này còn lại tập trung vào những thị trường khác. Mặt khác, năm ngoái đã mở rộng được tiêu thụ ngay “sân nhà” là thị trường nội địa, đưa sản phầm vào nhiều tỉnh, thành phố phía Nam, nơi người dân chưa có điều kiện thưởng thức vải thiều, với giá hết sức hợp lý. 
 
Ngay từ đầu năm 2015, Bộ Công Thương đã có chương trình làm việc trực tiếp, bàn bạc với các tỉnh có liên quan đến mặt hàng vải thiều như Bắc Giang, Hưng Yên, Hải Dương. Bộ đã tổ chức hội nghị kết nối, cụ thể, khoảng 1 tuần tới sẽ tiếp tục kết nối giữa TPHCM, các tỉnh, thành phố phía Nam với các đơn vị và các doanh nghiệp lớn. Vụ vải thiều thời gian rất ngắn nên cần phải rất nhanh chóng đưa vào các tỉnh, thành phố phía Nam. Bên cạnh đó, với thị trường ngoài nước, Bộ Công Thương đã có hẳn chương trình do tổ chức xúc tiến nhập khẩu của Chính phủ Hà Lan tài trợ nhằm đưa vải thiều vào các nước EU, đặc biệt là Hà Lan, Đức…
 
Bích Diệp
Chuyên mục: Tiền và Hàng

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *