Tiền và Hàng 19/12/2014 08:43

Doanh nghiệp bán lẻ nội khổ vì thích phiêu lưu

Bão vẫn sẽ đổ bộ, không loại trừ những siêu bão chưa có tiền lệ, khi độ mở nền kinh tế đang rộng hơn, sâu hơn, thị trường phân phối, bán lẻ vẫn đầy tiềm năng. Vì vậy, những chuyến ra khơi nặng lưới hay không đều trông vào vào sự chằng buộc, chèo chống trước đó…

Nhưng đó là lần duy nhất cho đến nay. Năm 2009, cũng trên bảng xếp hạng này, Việt Nam tụt xuống thứ 6. Năm 2010 đứng thứ 14; năm 2011 xuống vị trí 23. Cú lao dốc đỉnh điểm, gây sốc toàn thị trường rơi vào năm 2012, khi Việt Nam đã bật khỏi Top 30.

 

Diễn đàn về phân phối, bán lẻ bùng lên những cuộc tranh luận. Nhóm bi quan tin rằng, thị trường bán lẻ Việt Nam đã “hết thì”, cơ hội tuyển ý trung nhân đóng lại. Nhóm lạc quan thì phân bua, với hơn 90 triệu dân, nền kinh tế mới nổi năng động nhất khu vực Đông Nam Á, thị trường vẫn đầy cơ hội.

Chỉ có điều, mỏ vàng vẫn ở đáy đại dương, hấp dẫn nhưng không dễ khai thác.

 

Ngay các chuyến công du năm lần bảy lượt của ông lớn Walmart (Mỹ), Tesco (Anh), Carrefour (Pháp) đến Việt Nam sau một thời rùm beng rồi cũng không diễn ra như đồn đoán. Tất nhiên, với các nhà bán lẻ tầm thế giới, cách họ thâm nhập vào thị trường mới nổi rất khác, có thể mở đại siêu thị, chuỗi siêu thị quy mô vừa và nhỏ, lập văn phòng đại diện thu mua hàng hóa Việt Nam…Hay như Walmart đang vào Việt Nam bằng cách mở văn phòng đại diện thu mua hàng hóa…

 

Cũng phải thấy rằng, trong sự lao dốc không phanh về thứ hạng của thị trường phân phối, bán lẻ Việt Nam, có nguyên do khách quan từ cuộc khủng kinh tế thế giới. Giới đầu tư  chần chừ với các kế hoạch mở rộng khi cả thế giới thắt lưng buộc bụng.

 

Ở Việt Nam, biến động khôn lường của nền kinh tế đã tác động trực tiếp tới thị trường nội địa. Tổng mức bán lẻ hàng hóa (loại trừ yếu tố tăng giá) suy giảm và đang phập phùng tăng trở lại đã cho thấy điều đó. Cụ thể, giai đoạn 2006 – 2010, tăng trưởng bình quân 15%/năm; từ năm 2011, do kinh tế có khó khăn, tốc độ có tăng chậm lại ở mức 4,4%; năm 2012 là 6,56%; năm 2013 là 5,6%; 11 tháng trong năm 2014 đạt 6,5%. 

 

Tuy nhiên, khó khăn trong thị trường này còn có nguyên nhân từ chính doanh nghiệp  nội. Ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội thậm chí còn tính được, sau 8 năm gia nhập WTO, chỉ 10% doanh nghiệp Việt Nam lột xác, còn 90% trì trệ. Điều đáng lo ngại, theo ông Phú, nhiều doanh nghiệp nội khổ vì thích phiêu lưu.

 

Trường hợp Công ty cổ phần Hiway Việt Nam với thương hiệu Hiway Supercenter là ví dụ. Năm 2012, lúc thị trường trầm lắng nhất, việc Sơn Hà thâm nhập thị trường bán lẻ được đánh giá cao. Mọi người kỳ vọng sự nhập cuộc ồn ào của Sơn Hà sẽ kích thích những kế hoạch còn dền dứ của những doanh nghiệp khác.

 

Và ông Lê Vĩnh Sơn, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Quốc tế Sơn Hà cùng Hiway Việt Nam cũng thể hiện mình là người nắm bắt đúng thời cơ. “Nếu không gia nhập thị trường bán lẻ vào thời điểm này, thì cơ hội sẽ dần đóng lại sau vài năm tới. Chúng tôi xác định chấp nhận lợi nhuận thấp để tranh thủ cơ hội của thị trường”, ông Sơn từng tin tưởng khẳng định.

 

Nhưng là nhà kinh doanh lọc lõi trên thị trường inox, bồn nước không có nghĩa cũng là một chuyên gia của phân phối, bán lẻ. Giới phân tích cho rằng, ông Sơn đã quá phiêu lưu khi nhảy vào cuộc chơi mới chỉ với ưu thế có một vài địa điểm kinh doanh.

 

Hậu quả là, sau hai năm xuất hiện trên thị trường, Hiway Supercenter đã phải đóng cửa đồng loạt hai siêu thị (Hà Đông và Ngọc Khánh – Hà Nội) để tái cơ cấu hệ thống. Ông Sơn đang cho cả hệ thống  thay đổi nhận diện thương hiệu, đổi tên, đổi logo và cung cách phục vụ khách hàng so với trước đây.

 

Sau bão sẽ là … những cơn bão

 

Nếu như cam kết WTO chủ yếu về định chế và mở cửa dịch vụ, thì khi tham gia AFTA (Khu vực mậu dịch tự do ASEAN), Việt Nam sẽ chịu sức ép từ tự cho chu chuyển hàng hóa. Hàng ngàn dòng thuế giảm xuống còn 0% vào năm 2015, một số ít giảm nốt vào năm 2018.

 

Sức ép này sẽ tiếp tục tăng khi Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) mở cửa vào năm 2015, khi các hiệp định thương mại tự do (FTA) với Hàn Quốc, Liên minh thuế quan (với Nga, Belarus, Kazakhstan), với EU sẽ được ký kết ngay vào đầu năm 2015. Đó là chưa kể tới Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đặt hạn định kết thúc vào 2015.

 

Đương nhiên, trong quá trình mở cửa, hội nhập, cơ hội và thách thức sẽ đan xen, khó rạch rồi, nhưng theo các chuyên gia am hiểu về ngành thương mại, thử thách đang nhiều hơn, thậm chí, không loại trừ trường hợp sẽ gặp những cơn bão chưa từng có tiền lệ.

 

Số vốn các nhà bán lẻ ngoại rót vào Việt Nam tính đến thời điểm này cho thấy gió vẫn đang dồn tích. Nhà bán lẻ LotteMart (Hàn Quốc) đã rót vào thị trường Việt Nam 350 triệu USD, với 8 trung tâm thương mại (47 triệu USD/trung tâm, tương đương trên 910 tỷ đồng). LotteMart mong muốn sẽ có 60 trung tâm thương mại ở Việt Nam vào năm 2020.

 

Tập đoàn Berli Jucker (BJC) Thái Lan khi mua lại Metro Cash & Carry đã phải bỏ tới  879 triệu USD để có 19 siêu thị (khoảng 46,2 triệu USD/siêu thị).

Nhà bán lẻ AEON (Nhật Bản) mới có 3 trung tâm thương mại nhưng đã đầu tư tới hơn 500 triệu USD. Còn Big C (Pháp) có 30 đại siêu thị (trung bình 20 triệu USD/siêu thị).

 

Thậm chí, dù thị trường bán lẻ Việt Nam đang gặp nhiều thách thức và bị lỗ do chi phí xây dựng các cửa hàng mới, nhưng CEO của Trung tâm thương mại cao cấp Parkson (Tập đoàn Lion – Malaysia), ông Toh Peng Koon  khẳng định, việc đầu tư là cần thiết để xây dựng hệ thống của tập đoàn mạnh mẽ hơn. Parkson vào Việt Nam 9 năm, có 8 trung tâm thương mại cao cấp, nhưng mọi hoạt động đang vấp phải nhiều khó khăn. Doanh số quý đầu tiên trong năm tài chính 2015 của Parkson tại Việt Nam giảm 5,5% so với cùng kỳ.

 

Đây là lý do ông Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cảnh báo các doanh nghiệp trong nước vẫn phải sẵn sàng để đối mặt với nhiều sóng gió. “Nếu doanh nghiệp trong nước có đủ tiềm lực thì chuyện thay đổi chủ sở hữu là đương nhiên và đó là việc của thương trường. Kinh nghiệm cạnh tranh của một số nước đang phát triển là mở cửa, mời doanh nghiệp nước ngoài vào để học hỏi, cạnh tranh và có thể chiến thắng họ”, ông Thành cho biết.

 

Đây cũng là cách những tên tuổi đã chắc chân trên thị trường nội địa như Saigon Co.op và Hapro, Satra, Phú Thái đã đi và vẫn đang sống khỏe.

 

Nhưng cũng có nhiều cách đi khác. Tân binh Vingroup chọn cách đi nhanh qua việc mua lại hệ thống sẵn có của Oceanmart. Cùng với lợi thế gần như tối ưu về mặt bằng, Vinmart không có lý do gì để không trở thành đối trọng “nặng ký” với các ông lớn ngoại. Tuy vậy, tuyên bố của người hùng mới về tốc độ và số lượng mở điểm nhanh khiến giới chuyên gia lo ngại về khả năng kiếm đủ lượng nhân sự phù hợp.

 

Theo ông Vũ Vinh Phú: “Mỗi siêu thị muốn thành công, phải có mặt trên thị trường ít nhất 10 năm. Nếu Vingroup không giải được bài toán về nhân sự trong ngành bán lẻ là không ăn thua”.

 

Rõ ràng, phần thắng trên thị trường đang nghiêng về những nhà bán sỉ, bán lẻ hội tụ đủ cả sức mạnh về tài chính, nhân sự có sự am hiểu hệ thống phân phối và công nghệ quản lý.

 

Theo Anh Hoa

Đầu Tư

Chuyên mục: Tiền và Hàng

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *