Tiền và Hàng 16/02/2015 16:14

Đến lượt dân phố về nhà quê “sắm tết”

FICA - Trái ngược với thói quen mua sắm bánh kẹo tại siêu thị, cửa hàng ở các đô thị, nhiều gia đình tại thành phố hiện nay lại đang có thói quen “sắm tết nhà quê”.

Chính vì thế mà, hàng chục con gà lai chọi, gà thả đồi, một con lợn 80kg trong chuồng cùng rất nhiều loại giò, chả, rau xanh, hoa quả quê nhà bà Nguyễn Thị Nhuần (Kinh Môn, Hải Dương) đang chờ người thân tại Hà Nội về quê sắm tết. Ở địa phương này, đang xuất hiện xu hướng, người thành thị về quê sắm tết bởi thực phẩm ở đây hội đủ các yếu tố: Ngon, rẻ, đảm bảo và rất “sạch”.

 

Cả năm ăn gạo quê, tết đánh xe về mổ lợn

 

Anh Phạm Văn Minh là người gốc Hải Dương hiện đang sinh sống cùng gia đình tại Hà Nội cho biết: “Hai năm nay, tết nào tôi cùng với mấy anh em trên này cũng về nhà chú ruột “sắm tết”. Các loại thực phẩm như rau xanh, gà, lợn và hoa quả đều được chú ruột sắp cho đủ để cả nhà ăn hết cái tết có dư. Trên Hà Nội, bắp cải 1kg giá từ 8 – 15.000 đồng/cái. Tuy nhiên, tại quê người dân trồng ven đường làng, giá cũng chỉ 2.000 – 3.000 đồng/cái. Vừa rẻ, vừa sạch lại rất chặt bắp nên ai cũng thích.”

 

Đàn gà nhà bà Nhuần khoảng 3kg/con đang chờ người thân ở Hà Nội về sắm tết

 

Để sắm tết tại quê đầy đủ cũng là cả 1 quá trình, theo anh Minh, nếu muốn có lợn ngon ít nhất cần 8 tháng hoặc 1 năm để chọn lợn và cử người nuôi còn nếu không nuôi phải đi mua lợn nhà ai nuôi bằng cơm - rau hoặc bỗng rượu lợn sẽ ngon và không có chất tăng trọng. Theo anh Minh, hiện nay lợn, gà hay ngan nhiều người nuôi bằng cám ăn sẵn, chất tăng trọng nên tâm lý người thành phố rất sợ mua phải các loại thực phẩm không rõ nguồn gốc tại chợ, siêu thị. Chính vì vậy phải chọn được giống gà lai chọi, gà tía hay gà đồi ở quê để ăn tết và tiếp khách mới yên tâm.

 

Theo người dân tại địa phương này, cứ khoảng 27 tháng Chạp hàng năm người các cụ ông và thanh niên làng đã bận túi bụi với việc giết mổ lợn, bắt gà và giã giò, gói bánh Chưng. Quanh làng trên xóm dưới cứ độ tết này ai nấy đều vui mừng, hớn hở vì có đông con em, người thân trở lại quê, tiếng chày giã giò vang khắp xóm giềng, tiếng xì xèo bàn tán, gọi nhau ý ới vang cả xóm làng… không khí thật vui tươi, náo nức mà ai xa quê cũng như bị réo gọi trở về.

 

Một điều đặc biệt là, rất nhiều người đi làm ăn, sinh sống ở xa vẫn giữ thói quen ăn gạo quê. Gia đình anh Hoàng Mạnh Trường là ví dụ, khoảng 10 năm trở lại đây dường như tháng nào anh cũng cùng mẹ về thăm ông bà và bác ruột tại quê. Món quà quê không gì ngoài gạo quê, rau xanh đôi khi có cả thịt các loại và cá. “Mới đầu ăn gạo quê thấy rắn và khó ăn nhưng sau rồi cũng quen. Ba và mẹ tôi mặc dù tuổi cao, ăn uống khó những vẫn thích ăn gạo quê. Có lần hai vợ chồng có bảo pha chút gạo bắc hương hoặc gạo Thái cho dẻo dễ ăn nhưng không thấy ngon miệng nên thôi. Lâu dần rồi chúng tôi và các cháu nhà cũng quen với gạo quê”.

 

Ngoài thực phẩm phục vụ dịp tết, các loại hoa quả quê như bưởi, ổi, thanh long và cam trồng tại quê cũng được nhiều người dân thành thị thích và săn lùng dịp tết. Chẳng những thế mà nhiều nhà vườn sai trĩu quả tại Kinh Môn, Hải Dương không phải lo nơi tiệu thụ hay đầu ra trong nhiều năm nay.

 

Quà quê thành đặc sản phố phường

 

“Vùng này bán sơn địa nên có nhiều loại hoa quả có thể trồng được và trái ngon. Năm vừa rồi gia đình tôi thử trồng hai cây bưởi Diễn (Hà Nội) năm đầu đã bói 16 trái to, tròn và rất nặng, sau đó nhân giống được hơn 20 cây ghép cành, khoảng sang năm sau sẽ có trái cho bà con trưng tết”, một người dân tại địa phương cho biết. Cũng vì thấy trồng được, có nhu cầu và không lo đầu ra nên nhiều hộ dân tại đây cũng mạnh dạn chuyển những mảnh đồi khô cằn, đầm lầy, chân ruộng trũng nước thành vườn trông nhiều loại hoa quả để bán ra thị trường dịp tết.

 

Giò bò, giò tai heo và giò lụa tại quê đang là món ăn tin cậy của người thành thị

 

Hiện nay, theo nhiều gia đình ở huyện Kinh Môn - Hải Dương, phong trào nuôi con gì, trồng cây gì phục vụ tết  không chỉ giải quyết nhu cầu tiêu dùng của người dân địa phương nữa mà đã trở thành địa chỉ cung ứng thực phẩm tin cậy của nhiều gia đình thành phố dịp tết.

 

Anh Nguyễn Văn Thanh đã chuyển xuống quận Hồng Bàng - Hải Phòng hơn 10 năm nay nhưng không tết năm nào anh chị mua thực phẩm tại thành phố. “Bánh kẹo thì người nhà quê không làm được còn hoa quả, thực phẩm thì năm nào tôi cũng về quê đem xuống. Gia đình tôi cứ “đều như vắt chanh” 27 tết là về thăm họ hàng rồi tiện nói vui là chở “quà” ra ngoài này cho bà con láng giềng, người quen và gia đình dùng. Giá gà rẻ đã đành, ăn thịt gà chắc, dai ngon, rau không sợ bị dùng thuốc sâu, chất bảo quản…  nên đa số người trong khu tập thể rất thích. Năm nay xe 7 chỗ, hai bố con tôi về cùng thực phẩm quê mang ra đã quá chật”.

 

Có cầu ắt có cung, trước tết tầm 15 ngày, nhiều dòng họ Kinh Môn đã tổ chức làm giò để phục vụ người thân, anh em và bà con họ hàng đi thoát li ở xa về quê sắm tết, ông Nguyễn Văn Doan 65 tuổi tại xã Thất Hùng chia sẻ: “Trước kia giò chả làm ra chủ yếu là phục vụ nhu cầu gia đình nhưng sau nhiều lần món giò chả được làm quà đi xa cho bà con, người thân, “tiếng lành đồn xa” nên ngày càng có thêm nhiều người đặt làm để ăn tết. Người quen, bạn bè các cháu cứ đặt nên hiện nay trong tay tôi đã có danh sách 18 người đặt mua từ 2 kg – 5 kg giò chả: giò tai heo, giò lụa, giò bò để ăn tết. Một người thân sử dụng, người nọ truyền tai người kia nên dịp tết này gia đình tất bật lo tết cho cả những người ở xa nữa.

 

Phong trào nuôi lợn tết, gà tết, thậm chí trâu bò tết đang trở lại ở vùng quê này. Cứ hai nhà chung nhau 1 con lợn tết, có nhà 1 con rồi cận tết mổ xong lại được đưa đi cho người thân và khách ở xa. “Khách chủ yếu là người thân quen nên không thể làm ẩu được, nếu không ngon không những mất uy tín mà mình còn áy náy thêm. Ở thôn này có 1 chiếc giếng đình ven núi từ xưa, quanh năm nước trong và rất ngọt. Mặc dù xã có nước máy về tận nhà, nhà nào cũng có 1 chiếc giếng khoan sâu hoặc dùng nước máy nhưng hễ gói bánh, giã gò hay nấu thực phẩm tết là đều xin nước đình về nấu. Không biết có phải do nước giếng đình ngon nên những người đi xa thêm “nghiện” hương vị quê hương không nhưng khi thấy con em quê đi làm xa vẫnthích những món ăn quê hương, tôi thấy vui lắm” ông Võ Viết Toàn 87 tuổi tại địa phương cho biết.

Nguyễn Tuyền

Chuyên mục: Tiền và Hàng

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *