Tiền và Hàng 09/05/2014 15:09

ĐBSCL: Trái cây đua nhau rớt... giá

Đang vào đầu mùa thu hoạch nhiều loại cây ăn trái đặc sản như: Xoài, ổi..., nhưng nhiều nhà vườn ở ĐBSCL lại lao đao vì nhiều mặt hàng đua nhau rớt dưới giá thành sản xuất mà vẫn khó tìm được người mua. Điều này như gánh nặng làm oằn nỗi lo của nông dân, vì sự thua lỗ không dừng lại ở chuyện trồng cao - bán thấp...

10 ký ổi = 1 ly càphê

Đồng Tháp là “vương quốc” lúa, trái cây của vùng ĐBSCL, nhưng năm nay nhiều bậc “công thần” ở đây lại điêu đứng vì nạn nông sản đua nhau rớt giá.

Chưa kịp nguôi ngoai với nỗi đau lúa giá thấp - khó bán, nay lại gánh thêm nỗi lo nhiều loại trái cây rớt giá thảm hại mà vẫn khó xoay sở được đầu ra. Điển hình là giá xoài. Chỉ trong vòng chưa đầy 1 tháng, giá bán hai loại xoài đặc sản là xoài cát Hoà Lộc và xoài cát Chu đã giảm 70%.

Hiện giá bán tại vườn của xoài cát Chu đã rớt xuống còn 5.000 đồng/kg và xoài cát Hoà Lộc là 8.000 đồng/kg. Các giống xoài truyền thống như Thanh Ca, Hòn... càng thê thảm hơn khi chỉ còn 2.000 - 3.000 đồng/kg.

“Dù chấp nhận với cái giá rẻ... thúi, nhưng phải trần thân lắm mới kiếm được người mua” - ông Nguyễn Ngọc Lợi (thị trấn Mỹ Thọ, huyện Cao Lãnh) chia sẻ. Thậm chí có trường hợp, xoài chín vàng cây mà lái vẫn bặt tăm.

Ông Trần Văn Nên (xã Mỹ Xương, huyện Cao Lãnh) cho biết: “Vườn nào không bao trái là lái không mua, chủ vườn phải tự hái rồi bán lẻ từng ký một với giá “được chăng hay chớ”.

Đây cũng là tình cảnh chung của nhiều nhà vườn trồng xoài ở Tiền Giang, Cần Thơ... Còn ở An Giang tình hình càng thê thảm hơn với nhiều chủ vườn ở khu vực núi trồng xoài bưởi khi bất lực nhìn xoài chín rụng đầy vườn vì thương lái không mua, do xoài có mùi không đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng.

Không riêng cây xoài, nhiều loại cây trái khác như mận, ổi... loay hoay trong vòng xoáy: Giá thấp - khó bán. Đến ngày 5.5, giá ổi Đài Loan chỉ còn 1.000 đồng/kg, và 500 - 700 đồng/kg ổi xá-lỵ, tức phải mất đến 10kg ổi trở lên mới mua được 1 ly càphê tại các quán “thường thường bậc trung”.

Thế nhưng hầu hết nhà vườn ở huyện Cao Lãnh, Châu Thành (Đồng Tháp), Kế Sách (Sóc Trăng) và các tỉnh Bến Tre, Tiền Giang... vẫn khó bán được với số lượng lớn khi nhiều chủ vựa không mua vào do không có đầu ra.

Nhiều đường thua lỗ

“Do thời tiết không thuận lợi nên các chủ vườn đều tăng cường công chăm sóc, bón phân và phun thuốc” - ông Nguyễn Trung Nhàn - người có nhiều kinh nghiệm làm vườn ở huyện Cao Lãnh - cho biết thêm: “Trong lúc nhiều mặt hàng vật tư nông nghiệp như thuốc kích thích ra hoa, thuốc dưỡng, rồi phân bón... đều tăng cao so với năm trước, thì năng suất lại diễn biến theo chiều ngược lại”.

Theo PGS-TS Võ Thị Thanh Lộc (Viện Nghiên cứu Phát triển ĐBSCL - ĐH Cần Thơ), chỉ riêng cây xoài, trong 5 năm qua, năng suất đã giảm 30%. Theo đó, giá thành sản xuất nhiều loại trái cây đều đứng ở mức cao, như ổi dao động khoảng 4.000 đồng/kg, xoài dao động khoảng 10.000 đồng/kg. Trong khi đó, giá bán lại giảm từng ngày nên nhiều nhà vườn thua lỗ trắng tay.

Điển hình là xoài, mỗi ký nhà vườn thua lỗ 5.000 đồng. Với năng suất bình quân 10 tấn trái/ha, thì mỗi công xoài, lỗ không dưới 5 triệu đồng. Đó là chưa kể đến công chăm sóc trong suốt gần 9 tháng và nhiều chi phí không nhỏ khác như tiền thuê cây xoài...

Thê thảm hơn, nhiều nhà vườn còn đối mặt với thiệt hại kép: Không bán được lại phải mất thêm tiền khắc phục “hậu quả”. “Do quá lứa, ổi chín rụng đầy vườn, phải thuê nhân công với giá 150.000 đồng/người/ngày thu dọn trái rụng mang đi bỏ” - ông Nhàn bùi ngùi.

Thật ra đây không phải là lần đầu nông dân ĐBSCL đối mặt với nạn nông sản rớt giá - khó bán, nhưng lần rớt giá này lại diễn ra trong “nghịch lý”: Nông dân “gào” bí đầu ra, thì nhiều doanh nghiệp kinh doanh, chế biến xuất khẩu trái cây lại “la” thiếu nguyên liệu.

Là đơn vị có 10 năm gắn bó với việc tiêu thụ trái cây ở Đồng Tháp, nhưng gần đây Giám đốc Cty phát triển kinh tế Duyên Hải (TCty Thương mại Sài Gòn - SATRA) Lê Thanh Liêm lại canh cánh nỗi bất ổn nguyên liệu đầu vào: “Khi khách hàng Trung Quốc cần hoặc trùng vào ngày rằm là giá trái cây bị đẩy lên ngất ngưởng, rất khó mua đủ nguyên liệu..., là nguyên nhân chính khiến Cty chưa dám đầu tư công nghệ chế biến thực phẩm cao hơn để mở rộng thị trường xuất khẩu".
  

Theo Lục Tùng

Lao động

Chuyên mục: Tiền và Hàng

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *