Tiền và Hàng 13/06/2014 12:04

Đẩy mạnh tiêu thụ hàng Việt: Cờ đến tay, ai phất?

Trước sự quay lưng của NTD đối với hàng hóa "Made in China", hàng Việt có cơ hội mở rộng thị trường, song vẫn nhiều trở ngại để DN trong nước tận dụng được cơ hội này.

Theo số liệu của Bộ Công Thương, 4 tháng đầu năm, tốc độ tăng trưởng hàng hóa của Việt Nam khá mạnh, đến 28,4%. Điều đó cho thấy nhiều mặt hàng của Việt Nam đã cạnh tranh được với hàng hóa của Trung Quốc nói riêng và hàng nước ngoài nói chung. Biện pháp quan trọng cần thực hiện thời điểm này là đẩy mạnh Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam.

Hiện Việt Nam đang tiêu thụ nhiều loại hoa quả, lương thực, quần áo... nhập từ bên ngoài dù trong nước đã sản xuất và đáp ứng được các thị trường có yêu cầu cao như: Hoa Kỳ, EU... Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam đã thực hiện được 5 năm và kết quả đem lại khả quan. Thời điểm này là cơ hội tốt để đẩy mạnh tiêu dùng hàng Việt Nam nhiều hơn, đặc biệt qua các kênh phân phối trong nước.

Chia sẻ tại hội thảo "Liên kết sản xuất và tiêu thụ hàng Việt" do Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM (HUBA) tổ chức trong khuôn khổ Hội chợ, triển lãm Tôn vinh hàng Việt - năm 2014, ông Nguyễn Thành Nhân, Phó tổng giám đốc Liên hiệp HTX Thương mại TP.HCM (Saigon Co.op), cho biết, từ năm 1997, Saigon Co.op đã có chương trình dành cho hàng Việt với 28 nhà cung cấp tham gia.

71%

Theo Ban chỉ đạo Chương trình hành động hưởng ứng cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" của Bộ Công Thương, đã có 71% người tiêu dùng tin tưởng vào hàng Việt Nam chất lượng cao. 

Trong hệ thống siêu thị của một số doanh nghiệp trong nước, hàng hoá sản xuất trong nước vẫn chiếm tỷ trọng lớn từ 80 - 90% là hàng sản xuất trong nước. Tại hệ thống các điểm bình ổn thị trường (trên 9.000 điểm) có tới gần 90% là hàng sản xuất trong nước.

Năm 2010, chương trình đổi tên thành "Tự hào hàng Việt" và đến năm

2013, Saigon Co.op đã có 600 nhà cung cấp trong nước, mở rộng cho tất cả các doanh nghiệp (DN) Việt Nam tham gia.

Các hệ thống phân phối của Saigon Co.op như: Co.opmart, Co.op Food, Co.opXtra đang trở thành kênh phân phối chủ lực của nhiều thương hiệu Việt: sữa của Vinamilk và Nutifood, mì ăn liền của Vifon, thủy sản đông lạnh của Phú Cường, nước mắm của Liên Thành, cá hộp của Seapemex...

Theo ông Nhân, Saigon Co.op đang tung ra 9 nhóm hàng hóa là gạo, nếp, đường, dầu ăn, thịt gia súc, thịt gia cầm, trứng gia cầm, thực phẩm chế biến, rau củ quả, thủy hải sản ưu tiên cho các nhà cung cấp trong nước dựa trên ba tiêu chí gồm: chất lượng tốt, sản lượng ổn định và đáp ứng được khâu hậu cần. "Các DN nhỏ kinh doanh, sản xuất đặc sản vùng miền luôn được ưu tiên đưa vào siêu thị.

Thế nhưng, các DN này ngoài việc không thể đáp ứng được số lượng lớn, còn vướng ở khâu vận chuyển, cung ứng hàng hóa. Một khi hàng hóa không tới được điểm bán hoặc kho hàng của Saigon Co.op thì cơ hội bán hàng của họ sẽ bị mất, chúng tôi buộc phải đưa nhà cung cấp khác vào thay thế. Đây là điều rất đáng tiếc cho các DN Việt dù rằng chất lượng ổn định", ông Nhân cho biết.

Nếu như dịch vụ hậu cần, số lượng đơn hàng đang là điểm yếu của các DN nhỏ, thì kênh phân phối, liên kết hợp tác tìm đầu ra lại là nỗi trăn trở của các DN lớn. Nhiều DN sản xuất nhãn hàng riêng cho các nhà bán lẻ, dù rằng DN đã có thương hiệu. Bà Lê Thị Thanh Lâm, Phó tổng giám đốc phụ trách mảng thị trường nội địa Công ty CP Saigon Food, cho rằng, đây là xu thế giúp DN tận dụng tối đa dây chuyền sản xuất, tạo thêm việc làm cho người lao động.

"Chúng tôi sẵn sàng mua nguyên liệu của Vissan, Metro... nếu giá tốt và bán lại sản phẩm cho họ. Vì thế, hãy hiểu đây là mối liên kết rất chặt chẽ, là đối tác của nhau chứ không phải chỉ là người cung cấp hàng", bà Lâm chia sẻ. Hiện 70% sản phẩm do Saigon Food sản xuất đã có mặt tại hệ thống các siêu thị, cá biệt có vài sản phẩm đạt tỷ lệ chấp nhận từ kênh siêu thị tới 90%.

Tuy nhiên, thực tế không phải DN nào cũng có thể trở thành nhà cung cấp - khách hàng như Saigon Food, nhất là trong trường hợp giá cả không ổn định, khâu trung gian phức tạp, cạnh tranh không bình đẳng và tình trạng hàng gian, hàng giả còn nhiều. Chẳng hạn, theo đại diện của Công ty TNHH MTV Việt Nam Kỹ nghệ Súc sản (Vissan), hiện Vissan đang không chủ động được giá.

Từ năm 2010, trước khó khăn về tiêu thụ sản phẩm, Vissan đã thay đổi phương thức kinh doanh, theo đó, chuyển từ kênh đại lý sang kênh phân phối. Cụ thể, Vissan đã tinh giản 1.000 đại lý xuống thành 100 kênh phân phối. Hiện các sản phẩm của Vissan đã rải ra được khoảng 300.000 điểm bán.

Nhờ đó, năm 2013, doanh số tăng trưởng 10% so với năm 2012. Chia sẻ vấn đề này, ông Phạm Ngọc Hưng, Phó chủ tịch Thường trực HUBA, cho rằng, các DN trong nước phải nhanh chóng điều chỉnh chiến lược, kế hoạch sản xuất kinh doanh, theo hướng độc lập tự chủ ngày càng cao, thì mới có thể kích thích mạnh mẽ tiêu dùng hàng trong nước, giành thị phần trên thị trường nội địa.

Đại diện nhiều DN cho rằng, trong bối cảnh kinh doanh hiện nay, một nhà sản xuất khó có thể tự thân vận động mà không cần sự hợp tác với nhà phân phối. Xu hướng tất yếu là phải phát triển hệ thống phân phối đủ mạnh để điều tiết mối quan hệ giữa nhà sản xuất và nhà bán lẻ.

Theo Mai Phương
DNSG
Chuyên mục: Tiền và Hàng

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *