Tiền và Hàng 22/09/2014 06:47

Có nghị định mới, vẫn chưa hết lo thị trường xăng dầu

Tranh thủ cơ hội này, doanh nghiệp nước ngoài có thể thâu tóm hệ thống bán lẻ xăng dầu.

Tại hội nghị triển khai Nghị định 83 về kinh doanh xăng dầu, ông Phan Thế Ruệ - Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam (Vinpa) cho rằng: “Nghị định 83 không có hướng dẫn thì không thể thực hiện được, thị trường sẽ rối loạn”. Tranh thủ cơ hội này, doanh nghiệp nước ngoài có thể thâu tóm hệ thống bán lẻ xăng dầu. 
 

Nhiều ý kiến trái chiều về điều hành xăng dầu
 

Giá xăng dầu sẽ cạnh tranh hơn?

Nghị định 83/2014/NĐ-CP thay thế cho Nghị định 84/2009/NĐ-CP vừa được ban hành được kỳ vọng sẽ gỡ “mớ bòng bong” trong điều hành thị trường xăng dầu. Tới ngày 1-11-2014, Nghị định 83 mới có hiệu lực, song nhiều ý kiến cho rằng văn bản pháp lý này còn chung chung, khó đi vào cuộc sống.
Ông Phan Thế Ruệ cho hay: “Ngay từ đầu, hiệp hội đã không tán thành Quỹ Bình ổn giá. Việc trích và quản lý quỹ này như thế nào cần phải làm rõ. Nghị định mới ghi “trích lập và xả quỹ thường xuyên, liên tục”. Nếu cho xả liên tục thì không doanh nghiệp nào, quỹ nào chịu nổi”. Ví dụ điển hình là năm 2010, Quỹ Bình ổn giá xăng dầu đã âm. Cơ quan soạn thảo phải có hướng dẫn. Cần có thêm chế tài, nếu không sẽ đi vào đường cũ của Nghị định 84” - Chủ tịch Vinpa nhấn mạnh. 

Lâu nay, dư luận khá ồn ào với việc người tiêu dùng phải móc túi ra trích Quỹ bình ổn xăng dầu và doanh nghiệp sử dụng quỹ này có công khai, minh bạch không? Nghị định 83 hiện chưa giải đáp được khúc mắc này.

Về cơ chế điều hành giá, Nghị định mới trao nhiều quyền hơn cho Bộ Công Thương nhưng vẫn phân chia trách nhiệm cho cả Bộ Tài chính. Với cơ chế này, khi người tiêu dùng than phiền về giá tăng nhanh giảm chậm, hay giá không sát với giá thế giới, 2 bộ sẽ có thể “đá bóng” trách nhiệm cho nhau. 
Theo phản ánh của nhiều đầu mối và đại lý xăng dầu, Nghị định 83 còn chưa quy định cụ thể về kho bãi, tạo thêm khó khăn cho doanh nghiệp. 

Doanh nghiệp nước ngoài sẽ thâu tóm?

Theo quy định mới sắp có hiệu lực, biên độ điều chỉnh giá bán lẻ dựa trên giá cơ sở được chia 3 mức: khi các yếu tố cấu thành biến động làm cho giá cơ sở tăng 3%, từ trên 3% đến 7% và trên 7%. Trong đó, doanh nghiệp được tự quyết điều chỉnh giá ở mức đầu tiên. 

Theo ông Phan Thế Ruệ, mức tăng đến 3% là tiệm cận với giá thị trường và tránh được việc tăng, giảm giá “giật cục”. “Nếu không có sự can thiệp của Nhà nước thì trong tương lai, thị trường xăng dầu sẽ có nhiều giá, tạo ra sự cạnh tranh và người tiêu dùng sẽ hưởng lợi” - Chủ tịch Vinpa nói.
Tuy nhiên, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh lại cho rằng, gốc vấn đề là thị trường xăng dầu cạnh tranh chưa được hình thành. Vì vậy, Nghị định 83 vẫn không thể thoát được tư duy điều hành phi thị trường.

Chủ tịch Vinpa cho biết, thương nhân nước ngoài vào Việt Nam  rất quan tâm đến hệ thống bán lẻ. “Họ hỏi mỗi cửa hàng xây dựng tốn bao nhiêu tiền. Mình làm mà không tốt, khi nước ngoài vào, họ sẵn sàng mua cả cửa hàng. Lúc đó, an ninh năng lượng bị đe dọa”- Ông Phan Thế Ruệ phân tích.
Theo vị chuyên gia này, nếu doanh nghiệp xây dựng cửa hàng… mất khoảng 1 triệu USD, doanh nghiệp nước ngoài vào trả 1,2 triệu USD thì nhà đầu tư trong nước sẽ bán vì có lãi. “Nếu thị trường xăng dầu cứ như thế này, không quan tâm đến hội nhập, hệ thống bán lẻ… thì sẽ bị các doanh nghiệp nước ngoài thâu tóm” - ông Phan Thế Ruệ cảnh báo.   

Theo Hà Linh

ANTĐ

Chuyên mục: Tiền và Hàng

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *