Tiền và Hàng 27/06/2018 15:34

Chưa truy xuất được mã vạch là do người nông dân?

“Người sản xuất là người nông dân. Nhưng khả năng tiếp cận với công nghệ thông tin chưa cao, mặc dù việc đăng ký và sử dụng mã số mã vạch không phải quá khó trong thời đại hiện nay.”

Đó là nhận định của ông Bùi Bá Chính, phụ trách Trung tâm Mã số mã vạch Quốc gia Việt Nam (GS1) tại hội thảo “Phát triển chợ đầu mối tại Việt Nam” diễn ra sáng nay (27/6) tại Hà Nội.

Cũng theo ông Chính, khó khăn hiện nay trong việc áp dụng mã vạch vào các sản phẩm nông sản là do 2 yếu tố: “Thứ nhất là hiện nay, tất cả các thao tác đều có thể thực hiện trên điện thoại thông minh. Nhưng e ngại với việc áp dụng mã số mã vạch lại nằm ở chỗ nông dân là chính. Những người sản xuất chính các sản phẩm nông sản nhưng lại hầu như chưa tiếp cận được với cộng nghệ hiện đại.”

“Thứ hai nữa là cả nhà sản xuất và người tiêu dùng đều chưa ý thức được việc phải bảo vệ được chính bản thân mình. Trong khi đó, công cụ mã số mã vạch sẽ giúp bảo vệ được nhà sản xuất, nhà phân phối, cũng như người tiêu dùng trong việc xác định được chất lượng, giá trị sản phẩm có đúng như công bố. Khi áp dụng mã số mã vạch, người tiêu dùng sẽ hoàn toàn yên tâm vào các thông tin được cung cấp trên đó”, ông Chính cho biết thêm.

Hiện nay, đã có một số công ty có công nghệ truy xuất nguồn gốc 4.0 thực hiện ở TP. Hồ Chí Minh, tại nhiều chợ đầu mối ở đó cũng đang được sử dụng công nghệ này để quản lý sản phẩm hàng hóa vào chợ. 

Tuy nhiên theo chia sẻ của ông Chính: “Các công ty này chưa làm theo tiểu chuẩn truy xuất nguồn gốc toàn cầu. Họ mới chỉ tự làm theo tư duy, suy nghĩ của họ.” 

“Thế nhưng sắp tới đây, Trung tâm Mã số mã vạch quốc gia (GS1) của Việt Nam sẽ xây dựng tiêu chuẩn về truy xuất nguồn gốc. Lúc đó, tất cả các công ty ở Việt Nam sẽ làm cùng một tiêu chuẩn. 

Và các giải pháp, cơ sở dữ liệu mà các công ty này xây dựng sẽ kết nối được với nhau. Khi đó giá trị sẽ lớn và tạo được hiệu quả mang tính chất quốc gia cũng như quốc tế”, ông Bùi Bá Chính chia sẻ.

Cũng tại hội thảo, ông Nguyễn Văn Hội, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương đã chỉ ra rất nhiều hạn chế của các chợ đầu mối ở Việt Nam hiện nay. 

Đặc biệt trong đó, chính là việc, đa số chợ đầu mối vẫn áp dụng phương pháp giao dịch truyền thống (giao ngay) là chủ yếu, mua bán qua hợp đồng còn ít, không có chứng nhận xuất xứ hàng hóa, chủ yếu các thương mại gom hàng từ các hộ nông dân sản xuất nhỏ lẻ hoặc trang trại.

“Các dịch vụ hỗ trợ mua bán như dịch vụ ngân hàng, dịch vụ bảo hiểm, dịch vụ giám định và kiểm tra chất lượng hàng hóa lưu; dịch vụ tư vấn, cung cấp thông tin thị trường… hầu như chưa được tổ chức và cung ứng tại các chợ, kể cả những chợ đầu mối nông sản quy mô lớn…”, ông Hội khẳng định.

Thời gian tới, ngoài khắc phục những hạn chế về cơ chế chính sách, hệ thống cơ sở hạ tầng, giám sát thực thi các tiêu chuẩn, ông Đào Hà Trung, Chủ tịch Hội Công nghệ cao TP.HCM đặc biệt nhấn mạnh vào vấn đề cần truy xuất nguồn gốc.

Theo ông Trung: “Truy xuất nguồn gốc không phải việc dán tem đơn thuần mà là quản lý toàn bộ từ khâu sản xuất đến cung ứng sản phẩm. Truy xuất nguồn gốc còn phải hỗ trợ được giao thương, xuất nhập khẩu và buôn bán. Đồng thời tạo hàng rào kỹ thuật để bảo vệ thị trường trong nước, đảm bảo cạnh tranh lành mạnh.”

“Bên cạnh đó, nó sẽ hỗ trợ quản lý Nhà nước trong chống hàng giả, hàng lậu, kém chất lượng. Và một điều quan trọng chúng ta đang thiếu đó là truy xuất nguồn gốc còn hỗ trợ quản lý Nhà nước nắm được thông tin trong nước, cân bằng cung cầu để giải cứu nông sản”, ông Trung cho biết thêm.

Ngoài ra, nhiều diễn giả có mặt cũng cho rằng, cần phải thắt chặt quản lý hàng giả, hàng nhái, kém chất lượng ngay từ các chợ đầu mối để hạn chế lan rộng ra thị trường.

Chuyên mục: Tiền và Hàng

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *