Tiền và Hàng 15/02/2015 15:46

Chi gần 300tỷ bình ổn, giá cả vẫn leo thang chóng mặt

Mặc dù đã đầu tư nguồn vốn 276,75 tỷ đồng để bình ổn giá các mặt hàng phục vụ cho Tết nguyên đán 2015, nhưng giá cả vẫn leo thang.

Tất cả các mặt hàng đều tăng

 

Tại một số chợ trên địa bàn thành phố Hà Nội, những ngày qua, như chợ Hàng Bè, Hàng Da, chợ Hôm, chợ Cầu Giấy, chợ Đại Từ... giá thịt bò, thịt gà, thịt lợn đều tăng mạnh so với vài ngày trước.

 

Cụ thể, giá thịt lợn tăng dao động 20.000đ-100.000đ/kg. Giá thịt bò cũng có xu hướng tăng mạnh nhất, từ 50.000đ-250.000đ/kg.

 

Lý giải cho việc giá thịt bò tăng trong những ngày này, nhiều tiểu thương của các chợ của Hà Nội cho rằng, các bà nội chợ thường “săn” thịt bò lõi rùa, thịt bò bắp để chế biến các món ăn cho các bữa tiệc trong dịp Tết.

Giá một số mặt hàng thủy hải sản như tôm, mực cũng tăng mạnh, thịt gà cũng là mặt hàng tăng phi mã. Theo khảo sát tại các chợ của Hà Nội, giá thịt gà ta đã tăng từ 120.000đồng/kg lên 180.000 đồng/kg.

Không chỉ vậy, tất cả các mặt hàng đồ khô như măng, mộc nhĩ, nấm hương, miến tăng đột biến. Bên cạnh đó, mặt hàng thiết yếu là rau xanh, giá cả cũng bị đội lên cao suốt thời gian vừa qua.

 

Trong những ngày này, các loại hoa quả tươi đều tăng giá. Chị Hồng Hải (Khâm Thiên) chia sẻ, gần Tết, hàng loạt mặt hàng hoa quả đều rủ nhau tăng giá gấp đôi. Ví dụ, chuối xanh tuần trước mua 40.000 đồng/nải giờ tăng lên 110.000 đồng/nải. Quả phật thủ tăng từ 60.000 đồng lên 120.000 đồng/quả.

Nửa triệu 1kg thịt bò chợ ngày Tết

Nửa triệu 1kg thịt bò chợ ngày Tết

 

Bà Trần Thị Thái Thanh, Phó Trưởng ban quản lý chợ Phạm Văn Hai cho biết: "Hiện nay sức mua tăng 20%-30% so với ngày thường, tập trung ở các ngành hàng như bánh mứt, chạp phô, bia nước ngọt… Ngành hàng quần áo kết thúc cao điểm mua sắm cách đây nửa tháng.

 

Còn ở một số siêu thị, bánh mứt, nước ngọt, hóa mỹ phẩm, mì gói… là các mặt hàng chủ yếu có mặt trong giỏ hàng của người đi mua sắm.

 

Chi mạnh cho bình ổn giá

 

Điều đáng nói là trước đó, Hà Nội đã chi rất nhiều tiền cho việc bình ổn giá, ngoài số tiền 276,75 tỷ đồng được tạm ứng từ quỹ dự trữ tài chính của thành phố, bản thân các DN đã phải tự chủ động gấp đôi nguồn hàng dự trữ hàng hóa lên đến hơn 500 tỷ đồng.

 

Các trung tâm thương mại, siêu thị trên địa bàn dự trữ bán ra các loại hàng thiết yếu phục vụ Tết với tổng số tiền hàng khoảng 2.500 tỷ đồng.

 

Các hộ kinh doanh thương mại nhỏ lẻ trên địa bàn dự kiến lượng hàng hóa phục vụ Tết trên 150 tỷ đồng.

 

Mặt hàng rau xanh cũng tăng giá mạnh

Mặt hàng rau xanh cũng tăng giá mạnh

 

TP. Hà Nội dự kiến triển khai khoảng 100 chuyến bán hàng lưu động để phục vụ nhu cầu mua sắm của nhân dân của 18 huyện, thị xã. Cùng với đó, thành phố triển khai bán hàng bình ổn giá tại trên 600 điểm bán hàng cố định và hơn 1.600 điểm bán hàng là đại lý, cửa hàng, các bếp ăn khu công nghiệp, khu chế xuất, trường học.

 

Phó Chủ tịch UBND TP.Hà Nội, ông Nguyễn Ngọc Tuấn cũng đã chỉ đạo yêu cầu: Các sở, ngành liên quan, các doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn giá cần thực hiện tốt nhiệm vụ được giao. Sở Công thương, căn cứ vào dự báo nhu cầu tiêu dùng, chỉ đạo các doanh nghiệp tham gia chuẩn bị đầy đủ hàng hóa, phục vụ tốt nhu cầu của nhân dân trong dịp cuối năm, đặc biệt không được để tăng giá.

Đồng thời thành lập các đoàn kiểm tra chống hành vi đầu cơ, găm hàng tăng giá, đưa tin thất thiệt về cung- cầu, tăng giá nhằm thu lợi bất chính.

Thế nhưng, cho đến thời điểm cận Tết, những ngày qua, giá cả các mặt hàng vẫn đang ngày càng leo thang.

 

Theo Ngân Giang

Đất Việt

Chuyên mục: Tiền và Hàng

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *