Tiền và Hàng 22/05/2018 11:16

Chặn hàng lậu, hàng tạm nhập, tái xuất bị yêu cầu giám sát đến khi ra khỏi Việt Nam

Hàng hóa kinh doanh tạm nhập, tái xuất chịu sự kiểm tra, giám sát của cơ quan hải quan từ khi tạm nhập cho tới khi hàng hóa thực hiện tái xuất ra khỏi Việt Nam.

Đây là quy định mới trong Nghị định 69/2018/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý ngoại thương, trong đó quy định cụ thể về tạm nhập, tái xuất hàng hóa vừa được Chính phủ ban hành.

Theo quy định của Chính phủ, mọi thương nhân Việt Nam được quyền kinh doanh tạm nhập, tái xuất hàng hóa không phụ thuộc vào ngành nghề đăng ký kinh doanh. Tuy nhiên, hàng hóa kinh doanh tạm nhập, tái xuất có điều kiện, thương nhân phải đáp ứng điều kiện theo quy định. 

Các hàng hóa cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu; hàng hóa tạm ngừng xuất khẩu, tạm ngừng nhập khẩu; hàng hóa chưa được phép lưu hành, sử dụng tại Việt Nam; hàng hóa thuộc diện quản lý bằng biện pháp hạn ngạch xuất khẩu, hạn ngạch nhập khẩu, hạn ngạch thuế quan, giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu, trừ trường hợp Giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu tự động, thương nhân phải được Bộ Công Thương cấp Giấy phép kinh doanh tạm nhập, tái xuất. Hồ sơ, thủ tục cấp Giấy phép được quy định tại Điều 19, Điều 20 Nghị định này.

Trường hợp hàng hóa không thuộc quy định tại điểm 1, 2 trên thì thương nhân thực hiện thủ tục tạm nhập, tái xuất tại cơ quan hải quan. Nghị định nêu rõ đối với tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài, chỉ được thực hiện tạm nhập, tái xuất hàng hóa theo quy định tại Điều 15 Nghị định này, không được thực hiện hoạt động kinh doanh tạm nhập, tái xuất hàng hóa.

Hàng hóa kinh doanh tạm nhập, tái xuất chịu sự kiểm tra, giám sát của cơ quan hải quan từ khi tạm nhập cho tới khi hàng hóa thực hiện tái xuất ra khỏi Việt Nam; không chia nhỏ hàng hóa vận chuyển bằng công-ten-nơ trong suốt quá trình vận chuyển hàng hóa từ cửa khẩu tạm nhập đến khu vực chịu sự giám sát của cơ quan hải quan, địa điểm tái xuất thuộc cửa khẩu, lối mở biên giới theo quy định. 

Trường hợp do yêu cầu vận chuyển cần phải thay đổi hoặc chia nhỏ hàng hóa vận chuyển bằng công-ten-nơ để tái xuất thì thực hiện theo quy định của cơ quan hải quan.

Về thời gian tạm nhập, tái xuất, Nghị định của Chính phủ cũng quy định hàng hóa kinh doanh tạm nhập, tái xuất được lưu lại tại Việt Nam không quá 60 ngày, kể từ ngày hoàn thành thủ tục hải quan tạm nhập. 

Trường hợp cần kéo dài thời hạn, thương nhân có văn bản đề nghị gia hạn gửi Chi cục Hải quan nơi thực hiện thủ tục tạm nhập; thời hạn gia hạn mỗi lần không quá 30 ngày và không quá 2 lần gia hạn cho mỗi lô hàng tạm nhập, tái xuất.

Quá thời hạn nêu trên, thương nhân phải tái xuất hàng hóa ra khỏi Việt Nam hoặc tiêu hủy. Trường hợp nhập khẩu vào Việt Nam thì thương nhân phải tuân thủ các quy định về quản lý nhập khẩu hàng hóa và thuế.

Thời gian vừa qua, ngành hải quan đã xảy ra nhiều vụ mất tích một cách đầy bí ẩn số hàng hoá tạm nhập, tái xuất. Cụ thể, hơn 213 container đã bị mất tích tại cảng Cát Lái (TP. HCM) khi tạm nhập vào Việt Nam chờ xuất sang cửa khẩu đi là Campuchia. Tuy nhiên, sau khi hàng vào cảng Việt Nam, hàng không được xuất đi như đã định, đồng thời các dữ liệu hải quan đều mất tích hoặc bị làm sai lệch.

Được biết, số hàng tạm nhập tái xuất về Việt Nam chủ yếu là đồ điện tử đã qua sử dụng của Nhật như tử lạnh, điều hoà, nồi cơm điện.... Sau sự việc, một số cán bộ hải quan đã bị bắt giữ.

Nguyễn Tuyền

Chuyên mục: Tiền và Hàng

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *