Tiền và Hàng 16/03/2014 07:38

Cà phê tăng giá: Chưa vội mừng

Thị trường cà phê thế giới tăng giá kéo dài khiến giá cà phê trong nước cũng lên cao nhất tính từ tháng 5/2013 đến nay. Sản lượng cà phê được dự báo giảm do tác động của thời tiết là nguyên nhân chính khiến giá nông sản tăng vọt.

Mặc dù giá tăng nhưng thực tế xuất khẩu cà phê Việt Nam 2 tháng đầu năm giảm mạnh về lượng so với năm trước

 

Không nên bán ồ ạt

 

Tại một số sàn giao dịch cà phê ở London, New York, giá cà phê Robusta và Arabica giao ngay trong tháng 3 và giao dịch kỳ hạn đều tăng từ 1,302,18%/tấn. Ở Việt Nam, giá cà phê tại nhà máy ở Tây Nguyên và các tỉnh phía nam là 41.300- 42.000 đồng/kg, tăng từ 300-700 đồng/kg, cao nhất trong 10 tháng trở lại đây. Nhận định của trang thông tin giacaphe.com cho thấy lượng hàng giao dịch tại thị trường nội địa đã tăng lên đáng kể.

 

Mặc dù giá tăng nhưng thực tế xuất khẩu cà phê của Việt Nam trong 2 tháng đầu năm (chủ yếu là cà phê Robusta) lại giảm mạnh về lượng so với cùng kỳ, giá bán cũng không cao. Số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công bố cho thấy, tháng 1 xuất khẩu cà phê ước đạt 135.600 tấn, giảm gần 40%; tháng 2 ước đạt 136 nghìn tấn với giá trị kim ngạch đạt 254 triệu USD, giảm 4,92% về lượng và giảm 4,28 % về giá trị so với tháng trước. Lũy kế xuất khẩu cà phê 2 tháng đầu năm ước đạt 279 nghìn tấn và 519 triệu USD, giảm 13,7 % về khối lượng và giảm 23,4 % về giá trị so với năm 2013. Tính bình quân giá cà phê xuất khẩu của Việt Nam từ đầu năm tới nay vẫn giảm nhẹ khoảng 7-8% so với cùng kỳ.

Ông Đỗ Hà Nam:

Vicofa sẽ kiến nghị với Chính phủ có các chính sách hỗ trợ cho người nông dân về lãi suất khi vay vốn trồng và trữ cà phê. Trước mắt, Vicofa sẽ kêu gọi các DN hạ giá thuê kho giữ cà phê cho người nông dân.

 

Hiện tượng cà phê rớt giá thê thảm trong năm 2013 đã khiến người nông dân đẩy mạnh việc bán ra khi giá đang ở mức cao như hiện nay. Tuy nhiên, ông Đỗ Hà Nam - Phó Chủ tịch Hiệp hội Cà phê- Ca cao Việt Nam (Vicofa) - khuyến cáo: Với diễn biến thị trường đang tăng cao như hiện nay, việc “chốt lời” của nông dân là khá đúng thời điểm, nhưng cũng không nên bán ồ ạt làm cho thị trường hỗn loạn.

 

Lo ngại cho niên vụ mới

 

Theo nhận định của Vicofa, những đợt rét lạnh kéo dài vừa qua đã khiến diện tích cà phê ở các tỉnh Sơn La, Đăk Lăk, Lâm Đồng, Gia Lai và Kon Tum bị ảnh hưởng đáng kể. Toàn tỉnh Sơn La có hơn 640 ha cà phê bị cháy lá, buộc phải chặt bỏ một phần thân cây hoặc trồng lại từ đầu; tại một số tỉnh Tây Nguyên, bệnh “cúm cà phê” đã khiến cây rụng lá, hoa không nở hết và gió to đã làm hoa, lá trút đầy gốc. Bên cạnh đó, tình trạng thiếu nước đang diễn ra khá trầm trọng, tại Tây Nguyên hiện chỉ đủ lượng nước tưới cho 60% diện tích trồng cà phê, còn 40% diện tích đang phải chịu nguy cơ thiếu nước. Vicofa dự báo ảnh hưởng của thời tiết sẽ khiến sản lượng cà phê Việt Nam niên vụ 2014/2015 giảm khoảng 10-15% so với niên vụ trước, nhất là với cà phê Robusta.

 

Mặc dù giá cà phê đã tăng những ngày gần đây, nhiều doanh nghiệp vẫn khá dè dặt khi dự báo về giá và sức tiêu thụ của thị trường trong thời gian tới. Chủ tịch Vicofa - ông Lương Văn Tự - cho rằng: Giá cà phê năm 2014 sẽ ít có cơ hội đi lên, ngành cà phê đang trong giai đoạn rất khó khăn khi xuất khẩu sụt giảm và nhiều DN thua lỗ. Ngoài ra, diện tích cà phê cần tái canh rất lớn trong khi doanh nghiệp lại khó tiếp cận vốn. Vicofa đề xuất Chính phủ nên bổ sung cà phê thuộc đối tượng được giãn nợ 36 tháng như đối với một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực khác và cho phép các doanh nghiệp trong lĩnh vực này được xem xét khoanh nợ xấu, có cơ hội tiếp cận nguồn vốn mới để duy trì sản xuất - kinh doanh.

 

Theo Báo Công thương

Chuyên mục: Tiền và Hàng

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *