Tiền và Hàng 19/02/2014 11:02

Buôn lậu thuốc lá thu siêu lợi nhuận

FICA - Việc nhập lậu thuốc lá vào Việt Nam cũng gây nhiều thiệt hại đến nền kinh tế, làm thất thu ngân sách 4.300 tỷ đồng/năm; gây ảnh hưởng tới doanh nghiệp và công nhân trong ngành thuốc lá.

Theo ông Vũ Văn Cường – Chủ tịch HĐTV Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam, ngành thuốc lá có thuế tiêu thụ đặc biệt cao, cùng với các quy định quản lý chặt chẽ, dẫn đến thuốc lá nhập lậu khi được bán vào thị trường Việt Nam sẽ có mức siêu lợi nhuận. Tình hình thuốc lá nhập lậu vào Việt Nam ngày càng phức tạp và có xu hướng tăng.

Năm 2013, thuốc lá lậu vào Việt Nam là 18,6 tỷ điếu (tương đương 930 triệu bao), chiếm 22,2% thị phần nội địa. Hiện tại có khoảng 100 nhãn thuốc lá lậu tại Việt Nam, trong đó chủ yếu là thuốc lá JET và HERO (90% số thuốc lá lậu). Thuốc lá nhập lậu chủ yếu qua đường biên giới Tây Nam. Tổng lượng thuốc lá nhập lậu bị bắt chỉ chiếm 3%, số còn lại vẫn trót lọt an toàn ngoài thị trường.

Việc nhập lậu thuốc lá vào Việt Nam gây nhiều thiệt hại đến nền kinh tế, làm thất thu ngân sách 4.300 tỷ đồng/năm (theo tài liệu của Tổ chức kinh tế học Anh Quốc, năm 2012 Việt Nam thất thu thuế 6.455 tỷ đồng – tương đương với 309 triệu USD); gây ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng vì không thể kiểm soát được như các loại thực phẩm khác đang tràn vào nước ta. Bên cạnh đó, vấn nạn này cũng làm mất sản lượng trồng thuốc lá 10.000ha, tương đương với 5 triệu công lao động của nông dân trồng thuốc lá và làm mất việc làm của ngành công nghiệp sản xuất thuốc lá 600.000 công lao động/năm.

Ông Cường cho biết, Hiệp hội Thuốc lá đã kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ sớm phê duyệt Đề án chống buôn lậu thuốc lá do Bộ Công Thương trình. Theo đó, cần chỉ đạo các Bộ ngành, địa phương phối hợp, triển khai quyết liệt Đề án, có biện pháp và chế tài xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Cần có biện pháp quyết liệt cả đầu vào và đầu ra đối với thuốc lậu, đầu vào là thuốc lá thẩm lậu công khai dọc biên giới, đầu ra là các điểm bán lẻ công khai tại tất cả các tỉnh và thành phố (nhiều nhất là tại các tỉnh miền tây và TP HCM).

Bên cạnh đó, Chính phủ xem xét đàm phán với các nước có chung đường biên giới nhằm ngăn chặn việc thuốc lá nhập lậu. Tăng cường tuyên truyền, vận động người dân không sử dụng thuốc lá nhập lậu.

"Có một thực tế là hiện nay lực lượng Quản lý thị trường của chúng ta còn rất mỏng. Khi đi bắt thuốc lá lậu thì cán bộ Quản lý thị trường phải mặc quân phục, đeo quân hàm, đi theo từng đoàn. Nếu làm như vậy thì hiệu quả rất thấp. Chúng tôi có kiến nghị với các cơ quan chức năng xem xét về việc tăng biên chế và công cụ hỗ trợ, tạo điều kiện cho lực lượng Quản lý thị trường được phép mặc thường phục khi đi chống buôn lậu trong những trường hợp cần bí mật. Như vậy chắc chắn hiệu quả sẽ tăng lên rất nhiều", ông Cường nói.

Tăng thuế tiêu thụ đăc biệt sẽ khuyến khích tăng nhập lậu

Trong bài phát biểu tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2014 của ngành Công Thương ông có nêu kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính về việc xem xét cân nhắc chưa nên tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá trong điều kiện hiện nay.

Về vấn đề này, ông Cường cho rằng, về xu thế lâu dài để tăng thu ngân sách và để hạn chế việc tiêu thụ thuốc lá thì việc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt là đúng. Nhưng hiện nay, do tình hình thuốc lá nhập lậu ngày càng gia tăng, dự báo 2014 -2015, thuốc lá lậu sẽ chiếm hơn 25% thị phần, cộng với tác động của Luật Phòng chống tác hại thuốc lá, nhất là in cảnh báo sức khỏe trên bao bì thuốc lá, người tiêu dùng sẽ chuyển sang sử dụng thuốc lá lậu.

Bên cạnh đó, tình hình tài chính của các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn khi áp lực tăng giá của đầu vào như: nguyên liệu, phụ liệu, xăng dầu, giá thành in cảnh báo sức khỏe, giá thành sợi thuốc lá nhập khẩu, tiền công lao động… do đó giá thành sản phẩm tăng cao.

"Nếu chúng ta tăng thuế tiêu thụ đặc biệt vào thời điểm này thì vô tình lại là cách gián tiếp khuyến khích buôn lậu thuốc lá. Tăng thuế tiêu thụ đặc biệt cũng đồng thời làm cho lợi nhuận của buôn lậu thuốc lá tăng lên và chắc chắn việc buôn lậu thuốc lá sẽ phát triển. Buôn lậu thuốc lá phát triển thì sản xuất trong nước sẽ bị thu hẹp", ông Cường cho biết.

Ông Cường cho rằng, sau khi hạn chế được thuốc lá nhập lậu mới nên xem xét tăng thuế tiêu thụ đặc biệt. Khi việc chống buôn lậu thuốc lá đã có hiệu quả và kiểm soát được thì doanh nghiệp thuốc lá hoàn toàn ủng hộ việc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt.

Phương Dung

Chuyên mục: Tiền và Hàng

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *