Tiền và Hàng 10/04/2018 15:26

Bỏ thuế, ô tô "made in ASEAN" nào sẽ là lính mới ở Việt Nam?

Sau khi đưa một số loại xe lạ như Honda Jazz vào thị trường Việt Nam để thử thị trường, sắp tới rất có thể nhiều mẫu xe mới của Toyota, Honda, Ford có đại bản doanh tại Thái Lan, Indonesia và Malaysia sẽ cập bến tại Việt Nam.

Kia Morning và Hyundai i10 sẽ có thêm nhiều đối thủ

Đầu tiên và rõ ràng nhất là Toyota Wigo, dòng xe nhỏ được nhập từ Indonesia được bàn tán đã đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe để nhập vào Việt Nam. Hiện chiếc xe này bán tại Indonesia có giá dưới 300 triệu đồng.

Tuy nhiên, hiện Toyota chưa có bất kỳ thông tin hé lộ về chiếc xe giá rẻ này có thể được nhập về Việt Nam hay không. Theo thông số của hãng sản xuất tại Indonesia, loại xe này có dung tích xy lanh 1.0L và 1.2L nên sẽ chịu mức thuế Tiêu thụ đặc biệt chỉ 35% - mức thuế thấp nhất đối với xe dưới 9 chỗ ngồi ở Việt Nam.

Ngoài ra, các dòng xe xuất xứ từ Indonesia nữa là Toyota Agya phiên bản nội địa của Indonesia, có giá bán 126 triệu Rupiah (trên 200 triệu đồng). Đáng chú ý, hai mẫu xe này đều là bản hatchback có tỷ lệ nội địa hóa từ 75% đến 85% với các tính năng tương đương các dòng xe Kia Morning và Hyundai i10 sản xuất, lắp ráp trong nước.

Cũng với phân khúc xe nhỏ, Honda Thái Lan lâu nay có dòng xe giá rẻ Brio đang xuất lượng lớn sang thị trường Indonesia. Dòng xe này tại Thái Lan có giá bán khoảng 281.000 Baht/chiếc (tương đương 200 triệu đồng); trong khi đó giá bán dòng xe này tại Indonesia vào khoảng 132,5 triệu Rupiah (tương đương 215 triệu đồng).

Hiện, tại Maylaysia và Indonesia, hai thị trường nhập xe lớn nhất từ Thái Lan, xe Brino cũng đã xuất hiện, dù không nhiều và chịu sự cạnh tranh quyết liệt từ các dòng xe được Malaysia, Indonesia nội địa thông qua liên doanh với Honda và Toyota.

Tại Việt Nam, hiện 3 dòng xe cỡ nhỏ là Toyota Agya và Honda Brio chưa có thông tin được nhập về. Tuy nhiên, nếu trường hợp doanh số bán xe Jazz thành công, chắc chắn phân khúc xe nhỏ, nhiều khách hàng chọn lựa và rất tiềm năng ở các vùng quê sẽ được các liên doanh xe nhập tính đến.

Chắc chắn khi những chiếc xe siêu rẻ nhập về Việt Nam thành công, cạnh tranh về giá phân khúc xe hạng A sẽ ngày càng quyết liệt hơn so với hiện nay khi nhu cầu của số đông được đáp ứng và mặt hàng ngày càng đa dạng thay vì chỉ có số ít dòng xe hiện nay.

Honda HR-V và Toyota Rush "đối thủ" của CRV và CX5

Tại Việt Nam, phân khúc crossover ăn khách nhất hiện nay chính là bộ ba Honda CRV - Mazda CX5 và Hyundai SantaFe.

Về doanh số bán xe, CRV và CX5 nhỉnh hơn Santa Fe và đây là hai đối thủ của nhau và được người tiêu dùng Việt rất ưa chuộng vì tính đa dụng của nó. Tuy nhiên, sắp tới đây, nếu sự thử nghiệm một số xe nhập thành công thì một số dòng xe nhập khẩu phân khúc Crossover sẽ xâm nhập Việt Nam.

Đơn cử như dòng xe Honda HR-V, vốn được hứa hẹn rất lớn tại thị trường ASEAN năm 2016 và 2017 khi ra đời các mẫu xe mới giá rẻ, có thể cạnh tranh đối thủ cùng phân khúc như Hyundai Tucson hay Mazda CX5 tại Việt Nam. Mức giá bán của dòng xe HR-V phiên bản 2018 ở Thái Lan vào khoảng 999.000 Baht đến khoảng 1 triệu Baht (tương đương khoảng 700 đến 800 triệu đồng).

Hiện dòng xe cỡ nhỏ này được kỳ vọng là đàn em của CRV, bổ sung cho những người không có khả năng mua được các dòng xe của CRV, sẵn sàng tiếp cận mẫu crossover loại nhỏ.

Trong khi đó, tại Indonesia, dòng xe Toyota Rush năm 2018 có ngôn ngữ thiết kế rất bắt mắt, gầm cao, trẻ trung và số chỗ ngồi 5+2... Mẫu xe này có thể là đối thủ cạnh tranh với dòng Innova đời mới tại Việt Nam hiện nay.

Mức giá dòng xe Toyota Rush bán tại Indonesia vào khoảng 278,6 triệu Rupiah (tương đương hơn 454 triệu đồng).

Trên thực tế, rất khó để có thể điểm qua hết các dòng xe, phân khúc xe từ Thái Lan, Indonesia và Maylaysia có thể nhập về Việt Nam. Với Thái Lan, phân khúc xe nhập vẫn chọn lựa là các dòng xe tầm trung, cao cấp và bán tải (pickup) của Honda sau đó mới đến các hãng xe khác như Ford, Mitsubishi.

Trong khi đó, Indonesia có liên doanh lớn nhất là Toyota, các dòng xe nội địa hóa thành công nhất của nước này là cỡ nhỏ hatchback hoặc MPV và Crossover. Tại xứ vạn đảo, phân khúc MPV có đến 10 dòng xe khác nhau, đều là bản 5 chỗ đến 7 chỗ, trong đó có Avanza, Kijing Innova, Sienta, Alphard... đều là những chiếc xe được xuất khẩu khá nhiều sang các thị trường khác nhau của ASEAN, châu Phi và thậm chí cả Nhật Bản, Trung Quốc, Ấn Độ, Bangladesh...

Mặc dù Việt Nam đã mở cửa với xe hơi nguyên chiếc nhập khẩu, tuy nhiên để những chiếc xe miễn thuế từ ASEAN vào được thị trường, cạnh tranh với xe trong nước lại là hai chuyện khác nhau.

Theo một chuyên gia về xe hơi của VAMA cho Dân Trí biết, Toyota, Honda hiện có các nhà máy ở ASEAN và các liên doanh này luôn tuân thủ quy luật là không ảnh hưởng đến sự phát triển của nhau.

Điều này đồng nghĩa, sản xuất của nước này không làm tổn hại nước kia, trừ trường hợp bắt tay xuất khẩu sang thị trường thứ 3 ngoài ASEAN. Chính vì thế, liên đoàn xe hơi Indonesia trong năm 2017 đã đến Hà Nội để hợp tác với các nhà cung ứng Việt Nam, lắp ráp xe tại Việt Nam xuất khẩu sang nước thứ 3.

Nhiều chuyên gia chỉ ra rằng, dù thị trường và người tiêu dùng Việt rất "khát" xe và Việt Nam là một thị trường cực kỳ béo bở; các dòng xe nhỏ của Thái, Indonesia dư sức xâm nhập thành công vào Việt Nam... Tuy nhiên, cách làm của các hãng xe nhập khi Việt Nam bỏ thuế là "mưa dần thấm lâu", xâm nhập bằng từng dòng xe, phân khúc xe để thử dung lượng và phản ứng thị trường.

Dù biết lợi nhuận thị trường lớn, song các hãng sẽ không đổ bộ ào ạt để thanh toán, giết chết đối thủ. Bởi họ hiểu hơn ai hết việc thanh toán đối thủ sẽ tự giết chết chính mình bởi các nước nhập khẩu sẵn sàng giăng sẵn các hàng rào kỹ thuật để bảo vệ thị trường.

Nguyễn Tuyền

Chuyên mục: Tiền và Hàng

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *