Tiền và Hàng 06/03/2015 11:21

"Xuống tiền" mua sắm: Người tiêu dùng Việt không nhìn giá đầu tiên

FICA - Khác với kết quả khảo sát của các nước Châu Á – Thái Bình Dương khác, giá cả chỉ xếp thứ ba tại Việt Nam về độ quan trọng, xếp sau yếu tố về sự sạch sẽ và an ninh.

Hãng tư vấn dịch vụ bất động sản CBRE vừa công bố kết quả khảo sát và phỏng vấn người tiêu dùng trên 11 thành phố lớn thuộc khu vực Châu Á - Thái Bình Dương (APAC), trong đó bao gồm cả Việt Nam với mục đích tìm hiểu phương thức và địa điểm mua sắm các mặt hàng phi thực phẩm như quần áo, giày dép, phụ kiện, sản phẩm chăm sóc da và hàng điện tử...
 

Giá cả chỉ xếp thứ ba tại Việt Nam về độ quan trọng

Theo kết quả khảo sát, người tiêu dùng Đông Nam Á, bao gồm Malaysia, Singapore và Việt Nam, nhìn chung chú trọng đến trải nghiệm tổng thể khi đi mua sắm. Trong ba năm qua, những đối tượng được khảo sát trong khu vực này đều nhận thấy những cải thiện rõ rệt trong các trung tâm thương mại lớn, nhỏ và các nhà phố thương mại. Theo CBRE, điều tối quan trọng là các chủ đầu tư và chủ toà nhà phải thích nghi và làm mới các trung tâm bán lẻ của mình sao cho phù hợp với xu hướng người tiêu dùng, bắt đầu từ giai đoạn lên ý tưởng. 

Cuộc khảo sát cũng cho thấy người mua sắm thuộc khu vực Châu Á – Thái Bình Dương thuộc các độ tuổi có cùng xu hướng chọn lựa – khả năng chi trả, sự sạch sẽ và an ninh là các yếu tố được đánh giá quan trọng hàng đầu theo thứ tự liệt kê khi họ chọn địa điểm mua sắm. Đối với các đơn vị quản lý trung tâm thương mại, các yếu tố này là cơ bản và thiết yếu để thoả mãn được yêu cầu của người tiêu dùng.


Tuy nhiên, khác với kết quả khảo sát của các nước Châu Á – Thái Bình Dương khác, giá cả chỉ xếp thứ ba tại Việt Nam về độ quan trọng. Mặc dù người Việt Nam đánh giá cao sự đa dạng của các thương hiệu bán lẻ trong một trung tâm mua sắm, sự hiện diện cụ thể của một thương hiệu bán lẻ hoặc trung tâm thương mại tổng hợp hoặc nhãn hiệu nước ngoài lại ít được xem trọng.


Trái với nhận định chung, các tiện ích giải trí được xem là ít quan trọng hơn so với các “thành phần cơ bản” như giá cả, sự sạch sẽ và an ninh. Khi mà các trung tâm thương mại hiện nay tập trung phát triển ngày càng nhiều vào dịch vụ ăn uống, dịch vụ vui chơi giải trí và tổ chức sự kiện nhằm tạo ra những trải nghiệm hấp dẫn cho người đến mua sắm, kết quả khảo sát này có thể khá thất vọng. 


Khi phân tích kết quả khảo sát một cách chi tiết, CBRE thấy rằng hơn 50% khách hàng trong độ tuổi từ 18- 34 đánh giá rằng những tiện ích như vậy tương đối hoặc rất quan trọng trong quyết định lựa chọn địa điểm mua sắm của họ. Sự tăng trưởng của số lượng người tiêu dùng trẻ nhấn mạnh tầm quan trọng của những tiện ích vui chơi và giải trí (bao gồm ngành hàng ăn uống) trong việc cung cấp một trải nghiệm tổng thể đồng thời đảm bảo tính cạnh tranh dài hạn cũng như tăng giá trị của bất động sản bán lẻ.

Người tiêu dùng có thu nhập cao (với thu nhập bình quân mỗi hộ hàng tháng trên 20 triệu đồng) có yêu cầu cao hơn và đánh giá cao trải nghiệm mua sắm tổng thể trong khi đại bộ phận người tiêu dùng nói chung chú trọng chủ yếu vào các yếu tố cơ bản và thực dụng. Người tiêu dùng có thu nhập cao đặc biệt quan tâm đến sự hiện diện của các nhà hàng có chất lượng tốt, bãi giữ xe miễn phí và các bảng chỉ dẫn thông tin rõ ràng, trung tâm thương mại có điều hoà hay không, có sự hiện diện của đại siêu thị/ siêu thị, sự đa dạng của các dịch vụ và sự kiện được tổ chức. Không có nhiều sự khác biệt giữa sở thích và hành vi mua hàng của người tiêu dùng có thu nhập trung bình và thấp. 

Một nửa số người tiêu dùng mua sắm qua mạng

Nhìn chung, hơn 90% người Việt Nam di chuyển bằng phương tiện riêng khi đi mua sắm, do đó, hướng tiếp cận thuận lợi đóng vai trò quan trọng trong quyết định chọn nơi mua sắm của người tiêu dùng. 78% số người được khảo sát có thể dành ra đến 30 phút để di chuyển, trong đó 45% có thể dành ra hơn 16 phút để đến được trung tâm thương mại họ yêu thích. Kết quả này tương đồng với các nước Hàn Quốc, Singapore, Malaysia, Nhật Bản, Ấn Độ, Hồng Kông và Trung Quốc.


Sự hoàn thành của tuyến Metro trong thời gian tới sẽ rút ngắn khoảng thời gian di chuyển và theo đó, thời gian mà người tiêu dùng sẵn sàng bỏ ra để đến được trung tâm mua sắm cũng sẽ giảm xuống Như dự kiến, người tiêu dùng trẻ tuổi chấp nhận dành nhiều thời gian di chuyển hơn để đến được trung tâm mua sắm. Đáng ngạc nhiên là thời gian sẵng sàng bỏ ra để di chuyển đến trung tâm mua sắm ưa thích giữa các nhóm thu nhập không khác nhau nhiều.

Theo CBRE, 25% số người được khảo sát dự định sẽ mua sắm ít hơn tại cửa hàng thực tế, trong khi 45% - 50% số người được hỏi cho rằng họ sẽ mua sắm trực tuyến thông qua máy tính bàn/máy tính xách tay hay điện thoại thông minh/máy tính bảng thường xuyên hơn trong hai năm tới. Tỷ lệ này còn cao hơn nữa ở người tiêu dùng trong độ tuổi từ 55 đến 64 với 69% cho rằng sẽ mua sắm các mặt hàng phi thực phẩm thường xuyên hơn bằng điện thoại thông minh/máy tính bảng.


Ngày càng nhiều người tiêu dùng mua sắm trực tuyến tại khu vực Châu Á – Thái Bình Dương với hơn 85% người khảo sát cho biết song song với hình thức mua sắm truyền thống, họ cũng sẽ thực hiện mua sắm trực tuyến. Do đó, chủ sở hữu các bất động sản bán lẻ cần thay đổi chiến lược và kết hợp loại hình này nhằm thu hút khách hàng và bắt kịp xu hướng.Người tiêu dùng ở độ tuổi từ 18-24 tuổi có xu hướng mua sắm trực tuyến nhiều hơn những đối tượng khác. Tại Việt Nam hiện nay, số lượng người sử dụng thường xuyên thiết bị cá nhân công nghệ cao ngày càng tăng, khoảng 87% số người được hỏi sở hữu ít nhất một điện thoại thông minh. 


Theo CBRE, các nhà bán lẻ và chủ toà nhà cần tận dụng xu hướng này để triển khai việc bán hàng trên mạng thường xuyên hơn cũng như quảng cáo thông qua các kênh xã hội và thiết kế các trang web theo mô hình thương mại điện tử giữa công ty và người tiêu dùng (Business to Customer - B2C). Thêm nữa, CBRE đề xuất các chủ toà nhà nên áp dụng chiến lược đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử song hành cùng với thương mại truyền thống, tận dụng nguồn dữ liệu thu được từ các giao dịch thương mại điện tử để theo dõi mức độ tham gia của người tiêu dùng, thực hiện chiến lược tiếp cận từ Trực tuyến đến Ngoại tuyến (Online to Offline - O2O), nhằm tạo ra các ứng dụng đơn giản và hiệu quả để người tiêu dùng có thể dễ dàng mua sắm trên điện thoại/máy tính bảng.

Đây có thể là một lợi thế cạnh tranh cho các trung tâm thương mại áp dụng thành công chiến lược này vì gần hai phần ba đáp viên trong khảo sát sử dụng ứng dụng điện thoại di động được thiết kế đặc biệt cho mua sắm tại các trung tâm thương mại.

Phương Dung

Chuyên mục: Tiền và Hàng

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *