Tiền và Hàng 14/10/2014 07:55

“Ngành bán lẻ đang mở ra kỷ nguyên mới”

FICA – Trong kỷ nguyên này, đối tượng mua sắm không chỉ là phụ nữ mà còn có sự lấn sân của nam giới, xu hướng thiên về thương mại điện tử và công nghệ hiện đại.

Ngày 13/10/2014, tại Hà Nội, Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam đã tổ chức Diễn đàn bán lẻ Việt Nam 2014 với chủ đề "Ngành bán lẻ trong kỷ nguyên mới: Tầm nhìn và con đường thành công".

Theo đó, năm 2014 được đánh giá là năm thị trường bán lẻ toàn cầu đang có những thay đổi rất cơ bản và mạnh mẽ, tạo ra một môi trường kinh doanh đầy thách thức đối với các nhà bán lẻ, đồng thời cũng tạo ra rất nhiều cơ hội cho những ai thấu hiểu và điều chỉnh thành công chiến lược của mình với bối cảnh chung.

Tại Diễn đàn, các đại biểu đã đựợc nghe các tham luận thiết thực, có ý nghĩa của các chuyên gia, qua đó có thể hiểu rõ hơn bản chất sự chuyển đổi của thị trường bán lẻ toàn cầu, từ đó điều chỉnh định hướng phù hợp với bối cảnh này.

Chia sẻ về ngành dịch vụ bán lẻ Việt Nam, bà Đinh Thị Mỹ Loan, Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam cho biết, trong 9 tháng đầu năm 2014, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ đạt 2,15 triệu tỷ đồng tăng 11,12% so với cùng kỳ năm trước, trong đó, kinh tế Nhà nước chiếm 10,1% tổng số và tăng 8,4% kinh tế ngoài Nhà nước chiếm 86,5 % tăng 11,1%, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài chiếm 3,4% tăng 21,6%.

Dự kiến cả năm 2014, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ sẽ đạt 2,97 triệu tỷ đồng, tăng 11,3% so với năm 2013. Đến cuối năm 2013, cả nước mới có khoảng 724 siêu thị và 132 Trung tâm thương mại các loại, 8.546 chợ các loại, khoảng 1 triệu cửa hàng quy mô nhỏ của hộ gia đình. Đến năm 2020, cả nước sẽ có khoảng 1.200 đến 1.300 siêu thị; 180 Trung tâm thương mại và 157 Trung tâm mua sắm.

Người tiêu dùng Việt Nam đang thay đổi mạnh mẽ theo hướng hiện đại, hội nhập và yêu cầu ngày càng cao và đa dạng hơn, không chỉ mua sắm bình dân, tiết kiệm mà còn mua sắm các mặt hàng cao cấp, xa xỉ. Đối tượng mua sắm không chỉ là phụ nữ mà còn có sự lấn sân của nam giới. Chính vì vậy, ngành dịch vụ bán lẻ ở cấp độ doanh nghiệp và cấp độ quốc gia thực sự cần có một chiến lược cho sự phát triển.

Chia sẻ những kinh nghiệm tại thị trường Hà Nội, bà Đặng Thúy Hà, Giám đốc khách hàng khu vực Miền Bắc cho biết, ngành bán lẻ đang mở ra một kỷ nguyên mới. Xu hướng mua sắm trong thời kỳ kỷ nguyên số thiên về thương mại điện tử và công nghệ hiện đại. Các nhà bán lẻ Việt Nam cần tập trung quản lý ngành hàng và quan tâm đến các hình thức thẻ khách hàng thân thiết để bắt kịp với xu hướng phát triển kênh bán hàng hiện đại trong khu vực.

Đồng thời, nhà bán lẻ Việt nam nên tập trung vào sản phẩm có thể sử dụng để củng cố hình ảnh, thương hiệu và lòng trung thành của khách hàng; các chương trình khuyến mãi giúp nâng cao nhận biết của khách hàng; các sản phẩm ít nhạy cảm về giá cả, ít có sản phẩm thay thế. Bên cạnh đó, gia tăng thị phần và phát triển khách hàng là mục đích thúc đẩy kết quả kinh doanh của nhà sản xuất.

Bích Diệp

Chuyên mục: Tiền và Hàng

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *