Tiền và Hàng 12/04/2015 21:37

“Mổ xẻ” nguyên nhân dưa hấu ùn tắc cửa khẩu

FICA – Theo đánh giá, nguyên nhân chính do dưa hấu vào vụ thu hoạch chính, các doanh nghiệp, thương nhân thu mua, vận chuyển lên cửa khẩu với số lượng lớn, không tuân thủ khuyến cáo của các cơ quan chức năng. Dưa hấu chủ yếu được xuất thô, không phân loại, đóng gói.

Ngày 11/4, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng dẫn đầu đoàn công tác Bộ Công Thương đã có buổi làm việc, kiểm tra tình hình xuất khẩu nông sản tại Lạng Sơn và tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn, giải phóng hàng hóa.

Theo báo cáo của ông Phùng Quang Hội – Chi Cục trưởng Hải quan Tân Thanh, tình trạng ách tắc xuất phát từ nguyên nhân do dưa hấu vào vụ thu hoạch chính, các doanh nghiệp, thương nhân thu mua, vận chuyển lên cửa khẩu với số lượng lớn, không tuân thủ khuyến cáo của các cơ quan chức năng. Dưa hấu chủ yếu được xuất thô, không phân loại, đóng gói.

Trong khi đó, phía Trung Quốc áp dụng chính sách hạn chế doanh nghiệp hoạt động nhập khẩu dưa hấu, chỉ cho phép khoảng 10 doanh nghiệp nhập khẩu qua của khẩu Pò Chài. Đồng thời, công tác kiểm tra, kiểm dịch, phân loại và đóng gói được thực hiện nghiêm ngặt. Trung bình mất khoảng 4-6 giờ để giải phóng 1 xe, trong khi khu vực bãi kiểm nghiệm, đóng gói phía Trung Quốc rất hạn chế.

Đặc biệt, năm nay, giá dưa hấu không ổn định, có ngày giảm mạnh nên các doanh nghiệp, thương nhân chưa đưa xe hàng vào khu vực kiểm hóa của Trung Quốc mà chờ đàm phán giá, nên tình trạng ùn ứ càng gay gắt.

Mặc dù các cơ quan chức năng của tỉnh Lạng Sơn đã rất nỗ lực trong điều hành, giải tỏa hàng hóa nông sản; tuy nhiên, do lượng xe, hàng dồn về khu vực cửa khẩu vẫn có chiều hướng tăng, nên lượng xe ùn ứ vẫn ở mức cao, khoảng 500 xe/ngày.

Tại cuộc họp, ông Vi Văn Thành kiến nghị Bộ Công Thương tiếp tục chỉ đạo UBND các tỉnh có dưa hấu và loại nông sản, trái cây xuất khẩu chủ động quy hoạch, có kế hoạch trồng, thu hoạch và bảo quản sau thu hoạch. Đồng thời, phối hợp giữa các địa phương trong việc điều tiết lượng hàng hóa đưa lên khu vực cửa khẩu Lạng Sơn, tránh tình trạng tranh mua, tranh bán, gây ùn ứ và thiệt hại cho doanh nghiệp và nông dân.

Ông Thành cũng đề nghị các hiệp hội, ngành hàng, doanh nghiệp cần thực hiện nghiêm túc các cam kết trong hợp đồng mua bán hàng hóa ngoại thương, đặc biệt chú trọng các điều khoản về chất lượng, chủng loại, đóng gói và thời gian giao hàng.

Cũng theo ông Vi Văn Thành, về lâu dài, Bộ Công Thương sớm có kiến nghị Chính phủ bố trí nguồn vốn hỗ trợ để tỉnh Lạng Sơn đầu tư hạ tầng khu kinh tế cửa khẩu, đặc biệt là đầu tư xây dựng khu trung chuyển hàng hóa, khu chế xuất để bảo quản và chủ động điều tiết lượng hàng hóa nông sản xuất khẩu tại khu vực cửa khẩu của tỉnh.

Cụ thể, đề nghị Chính phủ sớm phê duyệt Đề án xây dựng Khu hợp tác kinh tế qua biên giới Đồng Đăng (Việt Nam) và Bằng Tường (Trung Quốc), sớm xem xét đầu tư cải tạo, nâng cấp tuyến đường Hà Nội – Lạng Sơn để tạo điều kiện thông thương hàng hóa thuận lợi hơn trong thời gian tới.

Bích Diệp

Chuyên mục: Tiền và Hàng

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *