Thời sự 08/12/2013 07:34

‘Ngã ngựa’ chạy đua tín dụng cuối năm

Sau hơn 1 tháng được Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) bật đèn xanh cho phép các ngân hàng thương mại triển khai tín dụng và cấp vốn với doanh nghiệp (DN) đang có nợ xấu nếu xét thấy dự án đầu tư, sản xuất, kinh doanh khả thi (Công văn 7558/NHNN-TD ngày 14/10/2013), lãnh đạo nhiều ngân hàng cho biết, không thể trao vốn cho DN đang có nợ xấu, dù đơn vị đó có dự án kinh doanh khả thi.

 

Tín dụng của Eximbank mới đạt khoảng 8%, dự kiến cả năm nay tăng trên 10%, trong khi chỉ tiêu là 15%.

 

“Trao vốn cho khách hàng trong trường hợp này, ngân hàng rất khó kiểm soát mục đích sử dụng vốn của DN. Thay vì đầu tư vào dự án sản xuất, kinh doanh mới, DN lại mang đi trả nợ cũ, thì người chết đầu tiên là ngân hàng”, ông Lê Hùng Dũng, Chủ tịch HĐQT Eximbank lo ngại.

Nợ xấu tăng luôn là nỗi lo đối với ngân hàng, nhất là trong những tháng đầu năm nay, nhóm nợ có khả năng mất vốn (nhóm 5) tăng cao, khiến các ngân hàng tỏ ra thận trọng hơn.

Ông Trần Ngô Phúc Vũ, Tổng giám đốc NamA Bank cho rằng, mặc dù nợ xấu đã phần nào được kiểm soát, nhưng để trao vốn cho DN đang có nợ xấu, điểm mấu chốt là phải xem xét lịch sử quan hệ tín dụng của khách hàng và khả năng trả nợ, chứ không thể chỉ căn cứ vào việc DN đó có dự án khả thi.

Trao đổi với phóng viên, ông Phan Huy Khang, Tổng giám đốc Sacombank cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, trước hết vẫn phải kiểm soát chất lượng khoản vay. Vì thế, bên cạnh tài sản thế chấp và các điều kiện tín dụng, yếu tố quan trọng để quyết định cho vay chính là dự án sản xuất, kinh doanh của DN có khả thi hay không.

“Để hạn chế nợ khó đòi và nợ xấu, ngân hàng luôn xem xét kỹ yếu tố trả nợ của người vay”, ông Khang nhấn mạnh, nhưng cũng thừa nhận, trong bối cảnh thị trường hiện nay, khi nợ xấu vẫn là mối đe dọa lớn trong phát triển tín dụng, buộc ngân hàng phải sàng lọc DN vay vốn. Vì thế, tín dụng của Sacombank đến cuối năm nay ước chỉ tăng trưởng xấp xỉ 15% (mục tiêu là 20%).

Trong khi đó, ông Lê Hùng Dũng cho biết, hết tháng 10/2013, tín dụng của Eximbank mới đạt khoảng 8% và dự kiến cả năm nay tăng trên 10% (chỉ tiêu là 15%). Mặc dù tín dụng tăng trưởng thấp, không đạt mức kỳ vọng, nhưng theo ông Dũng, Eximbank không dám trao vốn cho DN có nợ xấu và quan điểm xuyên suốt của Eximbank là không hạ chuẩn tín dụng.

Phó giám đốc NHNN Chi nhánh TP.HCM, ông Nguyễn Hoàng Minh nhận xét, nợ xấu của các ngân hàng trên địa bàn Thành phố đến thời điểm này vẫn ở mức 6,2%, không giảm so với thời điểm đầu năm. Vì thế, khi đẩy tín dụng, ngân hàng phải kiểm soát chặt chất lượng tín dụng. Do đó, kỳ vọng dư nợ tín dụng tăng nhanh trong tháng còn lại của năm, theo ông Minh, là không dễ và mục tiêu dư nợ tín dụng tăng 12% trong năm nay là rất khó khả thi.

Tín dụng năm sau được kỳ vọng sẽ cải thiện tốt hơn, với mục tiêu tăng trưởng dự kiến 14 - 15%. Tuy nhiên, theo nhận định của các chuyên gia kinh tế - tài chính, để đẩy mạnh tăng trưởng dư nợ, đòi hỏi trước hết phải giải quyết được tồn kho, cải thiện sức mua và xử lý nợ xấu. Nhưng để xử lý nợ xấu, nếu chỉ dựa vào Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) như khẳng định của chuyên gia kinh tế Lê Xuân Nghĩa, là rất khó.

Theo Thùy Vinh
Đầu tư

Chuyên mục: Thời sự

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *