Thời sự 26/04/2020 06:48

Xuất khẩu gạo: Bất thường dữ liệu tờ khai và lo ngại rủi ro đạo đức (!?)

Trong khi Bộ Công Thương báo cáo Thủ tướng lí do không tiếp thu góp ý của Bộ Tài chính vì lo ngại “rủi ro đạo đức”, “lợi ích nhóm” thì Bộ Tài chính cũng đã đề nghị Bộ Công an vào cuộc xác minh.

Nghiêm khắc phê bình Bộ Công Thương, Tài chính về xuất khẩu gạo

Tại cuộc họp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp xuất khẩu gạo chiều 20/4, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhận xét, quá trình điều hành xuất khẩu gạo vừa qua có nhiều vấn đề cần phải khắc phục. Đây là nguyên nhân chính khiến dư luận, báo chí, cộng đồng doanh nghiệp phản ánh gay gắt. Theo Phó Thủ tướng, trách nhiệm chính thuộc về Bộ Công Thương, Tài chính và các cơ quan liên quan.

Đặc biệt, Phó Thủ tướng phê bình nghiêm khắc : “Sự phối hợp trong quá trình thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng giữa Bộ Tài Chính và Bộ Công Thương là chưa chặt chẽ, hài hoà. Điều này ảnh hưởng lớn đến nỗ lực của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong việc vừa phòng chống dịch vừa tập trung phát triển sản xuất, đảm bảo an ninh lương thực, đảm bảo đời sống của người dân.

Bên cạnh đó, việc mua dự trữ gạo không đạt mục tiêu và tiến hành rất chậm. Tôi yêu cầu Bộ Công Thương và Bộ Tài Chính nghiêm túc rút kinh nghiệm về việc phối hợp triển khai nhiệm vụ được Chính phủ giao” .

Chiều cùng ngày, truyền đạt ý kiến của lãnh đạo Chính phủ, Văn phòng Chính phủ có văn bản gửi Thanh tra Chính phủ, Bộ Công Thương đề nghị Thanh tra Chính phủ tiến hành thanh tra đột xuất việc chấp hành các quy định của pháp luật trong công tác quản lý Nhà nước về xuất khẩu gạo thời gian qua.

Văn phòng Chính phủ yêu cầu Thanh tra Chính phủ làm rõ việc có hay không dấu hiệu trục lợi, tiêu cực để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Đồng thời, yêu cầu cơ quan này làm rõ thông tin báo chí phản ánh về việc công khai, minh bạch, liên quan đến việc làm thủ tục hải quan và việc đăng ký mở tờ khai hải quan xuất khẩu gạo, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 6/2020.

Xuất khẩu gạo: Bất thường dữ liệu tờ khai và lo ngại rủi ro đạo đức (!?) - 1

Thủ tướng vừa yêu cầu thanh tra, làm rõ dấu hiệu trục lợi trong xuất khẩu gạo

Bộ Công Thương báo cáo Thủ tướng lý do không tiếp thu ý kiến Bộ Tài chính

Trong báo cáo vừa được gửi tới Thủ tướng, Bộ Công Thương đưa ra một số lý giải cụ thể vì sao "không tiếp thu" ý kiến của Bộ Tài chính. Trước đó, Bộ Tài chính cho biết họ đã 2 lần góp ý với Bộ Công Thương về điều hành xuất khẩu gạo nhưng không được Bộ Công Thương tiếp thu.

Theo ông Trần Quốc Khánh, Thứ trưởng Bộ Công Thương, việc cấm xuất khẩu gạo để buộc người dân, doanh nghiệp phải bán gạo cho dự trữ quốc gia là việc không nên làm, nhất là trong bối cảnh người dân, doanh nghiệp đang phải chịu rất nhiều tác động tiêu cực do dịch bệnh gây ra.

Đề xuất dừng xuất khẩu trên cơ sở phân biệt gạo tẻ và các loại gạo khác có thể sẽ dẫn đến rủi ro về đạo đức và là mảnh đất màu mỡ cho lợi ích nhóm và tham nhũng phát triển bởi bằng mắt thường, rất khó phân biệt giữa gạo tẻ (loại cấm xuất khẩu) và gạo thơm (loại được phép xuất khẩu).

Bởi xuất phát từ đây, để giảm thiểu rủi ro, cơ quan Hải quan sẽ buộc phải kiểm tra và trưng cầu giám định chủng loại gạo cho từng lô gạo xuất khẩu.

Ngoài ra Bộ Công Thương lo ngại “chi phí tăng thêm về thời gian và tiền bạc là rất lớn và bất hợp lý trong bối cảnh người dân và doanh nghiệp đã đồng tình hạn chế xuất khẩu gạo để chung tay cùng Chính phủ bảo đảm an ninh lương thực”.

Bộ Tài chính "nhờ" Bộ Công an xác minh tiêu cực trong xuất khẩu gạo

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng vừa ký liên tiếp 2 văn bản gửi Bộ Công an và Tổng cục Hải quan (đơn vị trực thuộc Bộ) đề nghị điều tra, làm rõ vi phạm trong xuất khẩu gạo gây xôn xao dư luận.

Văn bản số 4764/BTC-VP của Bộ trưởng Bộ Tài chính yêu cầu Tổng cục trưởng, Tổng cục Hải quan làm rõ các vấn đề liên quan đến nghi vấn của báo chí, dư luận và doanh nghiệp về việc mở hệ thống tờ khai xuất khẩu gạo lúc 0 giờ ngày 12/4 cho hạn ngạch 400.000 tấn gạo.

Còn trong văn bản số 4663/BTC-VP của Bộ trưởng Bộ Tài chính gửi Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm, ông Dũng đề nghị cơ quan này vào cuộc để sự việc được điều tra khách quan nhất .

“Bộ Tài chính kính đề nghị Bộ trưởng Công an chỉ đạo các cơ quan chức năng xem xét điều tra, xác minh làm rõ các nội dung nêu trên nhằm xử lý nghiêm mọi hành vi vi phạm pháp luật của các tổ chức cá nhân trong hoạt động xuất khẩu gạo; cũng như xử lý trách nhiệm các tổ chức cá nhân, trong trường hợp đưa thông tin xuyên tác và sai sự thật”, Bộ trưởng Dũng viết.

Xuất khẩu gạo: Bất thường dữ liệu tờ khai và lo ngại rủi ro đạo đức (!?) - 2

Bộ Tài chính mời Bộ Công an vào điều tra, làm rõ những dấu hiệu vi phạm trong xuất khẩu gạo

Trung Quốc chi đậm tiền mua gạo Việt, lượng mua cao gấp 4 lần năm trước

Theo số liệu của Hải quan Việt Nam, tổng lượng gạo Việt Nam xuất sang Trung Quốc trong 3 tháng đầu năm đạt mức 162.000 tấn, chiếm 11% lượng xuất đi của Việt Nam.

Giá gạo mà Trung Quốc nhập của Việt Nam bình quân đạt 12,7 triệu đồng/tấn, tăng hơn 1,7 triệu đồng/tấn so với giá gạo bình quân nước này nhập của Việt Nam hồi năm trước.

Trong khi đó, giá gạo xuất của Việt Nam bình quân 3 tháng đầu năm hơn 10,7 triệu đồng/tấn. Như vậy, bình quân, giá gạo Trung Quốc nhập từ Việt Nam cao hơn 2,7 triệu đồng/tấn so với giá gạo mà Việt Nam bán cho nước khác.

Việc Trung Quốc tăng mua gạo của Việt Nam trong mùa dịch Covid-19 nhằm đáp ứng nhu cầu thiếu hụt tiềm năng lương thực của nước này. Việc Trung Quốc tăng cường nhập nhập gạo của Việt Nam cũng đặt ra cho Việt Nam bài toán cân đối xuất khẩu và điều hành thị trường.

Điều đáng chú ý là giá gạo mà Trung Quốc nhập của Việt Nam hiện cao hơn rất nhiều so với “bạn hàng” gạo số 1 của Việt Nam là Philippines.

Ngành Thuế nói gì về nghi vấn Đường Nhuệ lập “công ty ma” làm ăn phi pháp?

Chi cục Thuế TP. Thái Bình, thuộc Cục Thuế Thái Bình đã cho biết, Công ty TNHH Đường Dương do bà Nguyễn Thị Dương đứng tên lập từ năm 2015 luôn khai báo doanh thu, lợi nhuận 0 đồng, đồng nghĩa không nộp các nghĩa thuế .

Theo ông Trần Văn Tùng, Cục trưởng, Cục Thuế tỉnh Thái Bình: “Hoạt động của nhóm đối tượng Đường Dương chủ yếu lấy danh nghĩa cá nhân, không mang danh nghĩa công ty trong các hoạt động đấu thầu đất đai. Chính vì vậy ngành thuế không kiểm tra được”.

Cục trưởng Cục thuế tỉnh Thái Bình nói: “Các hoạt động đấu giá đất, cơ quan thuế không được tham gia, chỉ khi cơ quan của Sở Tài nguyên và Môi trường thông báo có giấy nộp tiền thì cơ quan thuế mới làm theo chức năng”.

“Ngành Thuế có nghi vấn, đặt nhiều câu hỏi song không thể kiểm tra, rà soát vì quy định pháp luật không cho phép”, ông Tùng nói.

Bị tố chây ì, nhiều cựu cán bộ liên hệ Bộ Xây dựng xin trả lại nhà công vụ

Ngày 21/4, lãnh đạo Bộ Xây dựng cho biết, một số cựu cán bộ lãnh đạo một số bộ, ngành Trung ương đã liên hệ, làm thủ tục để trả lại nhà công vụ .

Trước đó, Bộ này đã dự kiến gửi thông cáo báo chí trong chiều cùng ngày về việc Bộ này đã có thông báo gửi 12 cựu cán bộ yêu cầu trả lại nhà công vụ của Chính phủ tại chung cư CT1-CT2, khu đô thị Yên Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội. 

Tuy nhiên, chính vì có việc nhiều cựu cán bộ trong số này ngay trong ngày đã liên hệ xin trả lại nhà nên Bộ Xây dựng đã hủy kế hoạch phát hành thông cáo báo chí trên.

Các cựu quan chức cấp cao này được Chính phủ giao nhà ở công vụ khi đang đương chức. Theo quy định, sau khi nghỉ hưu phải trả lại nhà công vụ cho nhà nước. Theo Bộ Xây dựng, thông báo yêu cầu trả nhà công vụ đã được Bộ này gửi 12 vị cựu quan chức trên nhiều lần nhưng việc trả nhà vẫn chưa được thực hiện.

Trong số các quan chức này, nhiều người cho biết họ không có ý chiếm dụng nhà công vụ. Mỗi người đều có những lý do khác nhau, một số người đang làm thủ tục trả lại nhà, có người thì chờ hoàn thiện nhà mới. Thậm chí có người cho biết không nhận được thông báo lần 1…

Mai Chi

Tổng hợp

Chuyên mục: Thời sự

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *