Thời sự 22/11/2013 07:47

Xưa dễ dãi cho vay, nay khó khăn đòi nợ!

Áp lực chỉ tiêu tín dụng, thị trường chứng khoán và bất động sản lên cơn sốt cùng với cách làm dễ dãi của nhiều ngân hàng đẩy tăng trưởng tín dụng trong giai đoạn 2004-2010 tăng mạnh, bình quân lên tới trên 30%/năm. Tuy nhiên, khủng hoảng kinh tế xảy ra sau đó khiến nhiều doanh nghiệp, cá nhân lao đao, các ngân hàng khó có thể thu hồi khoản nợ đến hạn. Nhiều vấn đề trong quá trình cho vay cũng bắt đầu bộc lộ.

Vay dễ thì tiêu cũng dễ

 

Điển hình trong chuyện dễ dãi từ khâu xét duyệt hồ sơ, thẩm định dự án, định giá tài sản bảo đảm phải kể đến việc các ngân hàng (NH) cho doanh nghiệp nhà nước (DNNN) vay vì có Nhà nước đứng sau bảo lãnh hoặc các bên đinh ninh là vậy.

 

Chính vì thế, cả bên cho vay là các NH lẫn các DNNN đi vay vốn đều không quan tâm, kiểm soát chặt chẽ các thủ tục theo đúng quy định. Với quan điểm và cách làm cố hữu trên, trong nhiều năm qua, khâu cho vay và sử dụng vốn vay tại nhiều DNNN đã gây thất thoát, thiệt hại hàng chục nghìn tỉ đồng. Hàng loạt vụ việc đang bị phanh phui cũng có nguồn gốc từ quá trình làm việc dễ dãi này.

 

Đó là sự việc Ngân hàng Nhà Hà Nội (Habubank) đã phải sáp nhập vào Ngân hàng Sài Gòn - Hà Nội (SHB) nếu không sẽ phải phá sản do đã làm sai nguyên tắc khi cho Vinashin vay vượt cả vốn điều lệ. Tiền vay đó đã bị một số thành phần thoái hóa, biến chất mà đứng đầu là Phạm Thanh Bình sử dụng phung phí, sai mục đích, không hiệu quả, đút túi riêng… để Vinashin thua lỗ, sai phạm lên đến hàng chục nghìn tỉ đồng.

 

 

Mới đây, khi VAMC chính thức bắt tay vào mua nợ xấu thì nhiều số liệu về nợ xấu mới được công khai. Đáng chú ý là nợ xấu của Agribank là hơn 33.500 tỉ đồng, trong khi vốn điều lệ của nhà băng này chỉ 29.605 tỉ đồng. Điều đó cho thấy khâu cho vay, quản lý và thu hồi nợ vay của NH này suốt một thời gian dài đã bị xem nhẹ. NH đã không có biện pháp quản lý an toàn vốn vay khi các tỷ lệ vượt quá mức quy định cho phép.

 

Một trường hợp khác là tại Tập đoàn Sông Đà (nay đã chuyển thành Tổng Công ty Sông Đà), các đợt thanh tra, kiểm tra của các cơ quan chức năng trong năm 2012 cũng cho thấy, tập đoàn kinh tế này đã đầu tư ngoài ngành (bất động sản, chứng khoán...) vượt vốn điều lệ hàng ngàn tỉ đồng, mua sắm máy móc kém chất lượng gây lãng phí hàng chục tỉ đồng, quản lý vốn lỏng lẻo để cá nhân bỏ túi… Việc chấp hành các quy định của pháp luật về quản lý sử dụng vốn, tài sản tại Tập đoàn Sông Đà đã đầu tư vượt vốn điều lệ, vi phạm quy định của Bộ Tài chính trên 2.355 tỉ đồng. Theo Thanh tra Chính phủ, tại thời điểm kiểm tra, Tập đoàn Sông Đà dù đã có nghị quyết thoái vốn nhưng vẫn không thu hồi được, tiềm ẩn nguy cơ mất vốn của Nhà nước.

 

Theo TS Nguyễn Đình Cung, thuộc Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương chỉ ra nguyên nhân việc làm ăn kém hiệu quả và nhiều sai phạm ở tổng công ty, tập đoàn kinh tế nhà nước là do có quá nhiều ưu ái, đặc quyền, thường giao thực hiện nhiều dự án trọng điểm và được Nhà nước bảo lãnh cho các khoản vay. Các NH tiếp cận cho vay các dự án của các đơn vị này thường do “chỉ định từ trên xuống” hoặc trong quá trình xét duyệt hồ sơ có sự thông đồng, móc ngoặc để bỏ qua các điều kiện, yếu tố trọng yếu…

 

Một lĩnh vực khác hiện đang mang lại khá nhiều rủi ro cho các NH khi khâu cho vay quá dễ dàng là tín dụng tiêu dùng. Hiện dịch vụ cho vay tiêu dùng và phát hành thẻ đang nở rộ tại các NH. Điều này mang đến những mặt tích cực nhất định đối với nền kinh tế như kích thích cầu tiêu dùng, giúp tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, mặt trái của nó là nguy cơ rủi ro rất cao, nợ xấu trong lĩnh vực này đang tăng mạnh do nhiều cá nhân khi được cho vay tiêu dùng đã không sử dụng đúng mục đích và không hoàn trả lại NH.

 

Ngoài ra, thu hồi vốn vay khó cũng bắt nguồn từ công tác kiểm tra và thẩm định tài sản bảo đảm cũng bị buông lỏng. Thực tế thời gian qua đã có những vụ việc cùng một tài sản đã được DN đem thế chấp để vay vốn tại nhiều NH khác nhau. Đến khi DN thua lỗ, mất khả năng trả nợ thì các NH mới tá hỏa tranh giành nhau quyền sử lý tài sản thế chấp.

 

Điển hình như trường hợp hồi nợ của 7 NH thương mại gồm: NH Quân đội MB, NH Quốc tế, NH Phương Đông, Agirbank, Maritime Bank, Vietinbank và Techcombank tại Công ty TNHH Trường Ngân (Bình Dương). Công ty này đã sử dụng kho cà phê xuất khẩu khoảng 4.500 tấn (tổng giá trị khoảng 200 tỉ đồng) để vay vốn của 7 NH trên với số tiền lên đến gần 1.000 tỉ đồng.

 

Đây chỉ là một trong số những vụ thu hồi nợ mà các NH đều “dính chùm”. Còn nhiều vụ việc khác cho thấy công tác thẩm định và quản lý tài sản thế chấp của các NH đã có vấn đề nghiêm trọng, trong đó không loại trừ khả năng thông đồng giữa cán bộ NH và DN để hợp thức hóa giá trị và tài sản thế chấp.

 

Nhận định về tình trạng cho vay và sử dụng vốn vay quá dễ dãi thời gian qua, nguyên Thống đốc NHNN, TS Cao Sỹ Kiêm nhận định: “Nếu thực hiện cho vay đúng pháp luật, đúng quy định kiểm tra DN thỏa mãn được tất cả các điều kiện đó thì NH mới cho vay, nếu không thì NH sẽ không duyệt hồ sơ đó. Nếu làm nghiêm túc, tôi nghĩ việc DN thế chấp bằng hàng hóa hay bất kỳ tài sản nào cũng sẽ không vấn đề gì. Một khi NH làm theo các nguyên tắc đó, khả năng thu nợ cũng sẽ rất tốt. Tuy nhiên, rủi ro xảy ra chỉ là ý thức chấp hành pháp luật của các bên còn chưa tốt mà thôi”.

 

Nỗi khổ “thả gà ra đuổi”

 

Khi hay tin Công ty TNHH Trường Ngân nêu trên mất khả năng trả nợ, giữa các NH và công ty đã có nhiều buổi làm việc để tìm hướng giải quyết nhưng vẫn chưa đạt được kết quả. Tuy nhiên, khi NH Quân đội MB đưa nhân viên và phương tiện đến để lấy số hàng trong kho, 6 ngân hàng còn lại vội vã đưa lực lượng đến ngăn chặn và điện báo công an địa phương. Vụ tranh chấp, lộn xộn xảy ra tại đây và chắc chắn toàn bộ số hàng thế chấp không thể bù đắp số vốn mà các NH này đã cho vay ra.

 

Với tín dụng tiêu dùng, hiện nhiều NH đang tập trung chạy theo chỉ tiêu tăng trưởng số lượng phát hành thẻ bằng cách áp chỉ tiêu phát hành thẻ tín dụng làm cơ sở tính lương cho từng nhân viên. Với áp lực như thế thì tất nhiên sẽ tạo ra cuộc chạy đua số lượng, công tác phát hành lỏng lẻo, dễ dàng, thậm trí là bừa bãi để đủ chỉ tiêu. Việc phát hành thẻ mới căn cứ vào công việc và mức lương hiện tại của người vay chứ không xét đến các yếu tố khác. Hậu quả là những thẻ tín chấp này mất khả năng hoàn trả NH nếu người sử dụng mất việc hay giảm thu nhập trong tương lai. Nhiều trường hợp rủi ro đã xảy ra khi một người sở hữu vài ba thẻ tín dụng tại các NH khác nhau bỗng mất việc, chuyển chỗ ở và NH không thể liên lạc được.

 

Thống kê mới nhất cho thấy, tốc độ tăng trưởng tín dụng toàn ngành NH tính đến cuối tháng 10/2013 mới đạt 7,89% (so với mục tiêu cả năm là 12%), trong khi nợ xấu toàn ngành vẫn duy trì ở mức cao (trên dưới 5% dư nợ). Theo tính toán, hiện có khoảng 70-80% DN không đáp ứng các điều kiện cho vay nên để có thể tăng trưởng tín dụng, nhiều NH đã phải tính đến cách hạ thấp tiêu chuẩn tín dụng, thậm chí còn cạnh tranh với đơn vị khác bằng việc mua lại nợ để kéo khách hàng về. Rõ ràng là sức ép về hạ thấp tiêu chuẩn tín dụng có thể đẩy NH vào rủi ro. Nếu tiếp tục cố cho vay, NH sẽ còn tiếp tục phải khổ sở khi thu hồi các khoản nợ xấu.

 

Theo Thành Trung
Năng lượng mới

Chuyên mục: Thời sự

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *