Thời sự 21/05/2015 14:47

Xử lý nợ xấu, cố gắng của ngành ngân hàng là chưa đủ

Về việc thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về chất vấn và trả lời chất vấn được Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Văn Bình chia sẻ cho thấy, kết quả thu được là không nhỏ, nhưng chặng đường phía trước còn nhiều chông gai…

Chưa phải sử dụng ngoại tệ để can thiệp bình ổn thị trường vàng

Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho biết, với các biện pháp quyết liệt triển khai từ cuối năm 2011 đến nay, thị trường vàng đã được sắp xếp lại một cách cơ bản; trật tự, kỷ cương trên thị trường được xác lập; quyền và lợi ích hợp pháp của người dân được đảm bảo.

Cụ thể, NHNN đã thiết lập được một mạng lưới mua bán vàng miếng mới, có tổ chức, có quản lý trên cả nước. Đến nay, có 38 tổ chức tín dụng (TCTD) và DN được NHNN cấp phép kinh doanh mua bán vàng miếng tại gần 2.500 điểm giao dịch ở tất cả 63 tỉnh, thành phố trong cả nước.

Bên cạnh đó, vai trò quản lý nhà nước đối với thị trường vàng đã được nâng cao; toàn bộ quan hệ huy động, cho vay vốn bằng vàng đã chuyển sang quan hệ mua bán. Tình trạng “vàng hóa” trong nền kinh tế từng bước vững vàng làm phương tiện thanh toán về cơ bản đã chấm dứt, sức hấp dẫn của vàng miếng giảm đáng kể.

Cung cầu vàng miếng chuyển dịch từ trạng thái thiếu hụt nguồn cung sang xu hướng cân bằng, một phần nguồn vốn nhàn rỗi bằng vàng trong nền kinh tế đã được chuyển hóa thành tiền.

“Trong năm 2013, NHNN tổ chức đấu thầu bán vàng miếng nhằm tăng cung, thu hẹp sự mất cân đối về cung cầu vàng miếng, đồng thời hỗ trợ các TCTD tất toán số dư huy động vốn bằng vàng. Nhưng từ đầu năm 2014 đến nay, NHNN chưa phải sử dụng ngoại tệ để can thiệp bình ổn thị trường vàng”, Thống đốc NHNN nói.

Trong thời gian tới, NHNN sẽ tiếp tục thực hiện các giải pháp đồng bộ để đảm bảo thị trường vàng duy trì ổn định, sử dụng nguồn lực bằng vàng trong nước để tự cân đối. Đồng thời, NHNN phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng có liên quan nhằm thực hiện mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng và nâng cao lòng tin của người dân vào giá trị đồng Việt Nam. 

Tái cơ cấu chủ yếu bằng nguồn lực của khu vực tư nhân

Về hoạt động mua bán, sáp nhập, hợp nhất các TCTD, Thống đốc Bình cho hay, thông qua sáp nhập, hợp nhất, giải thể, số lượng TCTD đã giảm đi 7 tổ chức. Đặc biệt, sở hữu chéo, đầu tư chéo trong lĩnh vực ngân hàng được xử lý từng bước thông qua nhiều giải pháp đồng bộ, đặc biệt là thông qua công tác thanh tra, giám sát.

Tính đến cuối năm 2014 chỉ còn 3 cặp ngân hàng TMCP có sở hữu cổ phần trực tiếp lẫn nhau (giảm 3 cặp so với năm 2012); sở hữu cổ phần trực tiếp lẫn nhau giữa ngân hàng và DN chiếm tỷ lệ rất nhỏ so với tổng vốn điều lệ của hệ thống.

Mặc dù gặp rất nhiều khó khăn, nhưng các TCTD vẫn nỗ lực cải thiện năng lực tài chính và tăng vốn điều lệ để tạo điều kiện mở rộng hoạt động và nâng cao khả năng đối phó với các rủi ro trong hoạt động. Trong đó, vốn điều lệ của hệ thống các TCTD đến cuối tháng 12/2014 là 435.600 tỷ đồng, tăng 3,29% so với tháng 12/2013; còn đến cuối tháng 2/2015, vốn điều lệ là 436.300 tỷ đồng, tăng 0,16% so với tháng 12/2014. Tổng tài sản đến cuối tháng 12/2014 là 6.514.900 tỷ đồng, tăng 12,2% so với tháng 12/2013.

“Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, việc cơ cấu lại các TCTD yếu kém chủ yếu bằng nguồn lực của khu vực tư nhân, hệ thống ngân hàng vừa bảo đảm giữ vững an toàn, không giảm đầu tư và làm gián đoạn cung cấp dịch vụ ngân hàng cho nền kinh tế cho thấy sự cố gắng rất lớn của hệ thống ngân hàng trong thời gian qua”, Thống đốc chia sẻ. 

Xử lý nợ xấu: câu chuyện không riêng ngành ngân hàng

Sau 3 năm thực hiện (2012 - 2014), Thống đốc cho biết, tổng các khoản nợ xấu được xử lý ước đạt 311.100 tỷ đồng, tương đương 67% tổng số nợ xấu ước tính tại thời điểm tháng 9/2012 đã được NHNN báo cáo với Bộ Chính trị và Chính phủ khi xây dựng Đề án xử lý nợ xấu. Riêng 2 tháng đầu năm 2015, số nợ xấu được xử lý là 7.900 tỷ đồng. Tính đến ngày 17/4/2015, VAMC đã mua 13.708 tỷ đồng nợ xấu với giá 13.408 tỷ đồng. Lũy kế từ khi thành lập và hoạt động đến nay, công ty này đã mua được 147.263 tỷ đồng nợ xấu, với giá 122.060 tỷ đồng.

Theo báo cáo của các TCTD, đến cuối tháng 12/2014, tỷ lệ nợ xấu chiếm 3,25% tổng dư nợ (cuối tháng 12/2013 là 3,61%). Tỷ lệ nợ xấu giảm liên tiếp và được phản ánh chính xác, minh bạch hơn. Chất lượng tín dụng được cải thiện với những nỗ lực của từng TCTD nói riêng và hệ thống ngân hàng cũng như toàn nền kinh tế nói chung.

2 tháng đầu năm 2015, nợ xấu có chiều hướng tăng nhẹ (tỷ lệ nợ xấu là 3,59%), nhưng theo Thống đốc, đây là diễn biến mang tính quy luật khi nợ xấu thường tăng vào các tháng đầu năm và giảm vào các tháng cuối năm.

NHNN tiếp tục tăng cường chỉ đạo và triển khai các giải pháp xử lý nợ xấu với việc ban hành Chỉ thị số 02/CT-NHNN ngày 27/1/2015 về tăng cường xử lý nợ xấu của TCTD và các văn bản chỉ đạo các NHTM về việc xây dựng kế hoạch xử lý nợ xấu năm 2015.

“Phải bảo đảm đến ngày 30/6/2015 xử lý được tối thiểu 60% tổng số nợ xấu phải xử lý theo kế hoạch năm 2015, trong đó chỉ tiêu bán nợ xấu cho VAMC phải đạt ít nhất 75% tổng số nợ xấu dự kiến bán cho VAMC cả năm 2015. Đây là tiền đề để ngành ngân hàng phấn đấu đạt mục tiêu đưa tỷ lệ nợ xấu về mức dưới 3% vào cuối năm”, Thống đốc nhấn mạnh.

Thực tế cho thấy, kết quả xử lý nợ xấu đạt được đến nay là sự cố gắng của hệ thống các TCTD, nhất là trong điều kiện không có sự hỗ trợ tài chính từ ngân sách nhà nước; cơ chế, chính sách còn có những điểm hạn chế, bất cập và nền kinh tế còn nhiều khó khăn. Điều này cũng thể hiện các giải pháp xử lý nợ xấu được ngành ngân hàng triển khai quyết liệt, có hiệu quả...

Thống đốc Bình chia sẻ: “Những cố gắng của ngành ngân hàng trong xử lý nợ xấu là chưa đủ, bởi vì nợ xấu là vấn đề của nền kinh tế, đòi hỏi cần có sự tham gia, hỗ trợ tích cực của các cơ quan, bộ, ngành, địa phương và DN. Nếu không, việc xử lý nợ xấu sẽ không triệt để và đạt kết quả như mong muốn”.

Theo Nhuệ Mẫn

ĐTCK

Chuyên mục: Thời sự

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *