Thời sự 11/05/2014 11:27

Xu hướng Đông Bắc Á trong thu hút vốn ngoại

Hiện không ít nhà băng nội đang trong giai đoạn tìm hiểu các tập đoàn tài chính nước ngoài đến từ Nhật Bản, Anh Quốc, Mỹ… nhằm đi đến “hôn nhân”, trong đó, các ứng viên đến từ Nhật Bản được để ý nhiều nhất.

 

Nhà đầu tư Nhật lọt vào “mắt xanh” ngân hàng Việt

 

Trước đây, khi có ý định bán cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài, không ít ngân hàng Việt Nam đã tiếp xúc, trao đổi và đàm phán với các nhà đầu tư đến từ Mỹ và châu Âu. Điều này là dễ hiểu, bởi đây là những thị trường sẵn có các tập đoàn tài chính lớn mạnh, giàu kinh nghiệm và công nghệ hiện đại, những thứ mà các ngân hàng trong nước đang có nhu cầu hấp thu.

 

Và thực tế đã có không ít trường hợp bén duyên. Đơn cử như OCB đã “xe duyên” thành công với Tập đoàn BNP Paribas (Pháp), sau khi bán cho đối tác này 20% cổ phần, đồng thời, hai bên cam kết là đối tác chiến lược của nhau, trong đó, BNP Paribas sẽ hỗ trợ OCB ứng dụng công nghệ ngân hàng hiện đại. Tương tự, Standard Chartered (Anh) đã được ACB sang tay 10% cổ phần và trở thành cổ đông chiến lược của nhà băng này kể từ năm 2006.

 

Thế nhưng, kể từ khi khủng hoảng tài chính xảy ra ở Mỹ và châu Âu năm 2008 đến nay, hầu như chưa có thêm ngân hàng nào của Việt Nam “kết hôn” với các đối tác ở thị trường này. Nguyên nhân là các tập đoàn tài chính nơi đây phải tập trung chống đỡ và khắc phục hậu quả khủng hoảng. Còn theo tổng giám đốc một NHTM ở TP. HCM, có thể các đối tác tiềm năng Việt - Mỹ hay Việt - Âu chưa ưng ý nhau lắm ở khía cạnh văn hóa doanh nghiệp, văn hóa kinh doanh.

 

Dường như ý kiến của vị tổng giám đốc nói trên đã đúng khi các ngân hàng Việt Nam có nhu cầu giao duyên với đối tác phát triển đã và đang chuyển hướng tìm kiếm sang khu vực Đông Bắc Á, trong đó, Nhật Bản là tâm điểm.

 

Thực tế cho thấy, trong số các ngân hàng Việt Nam đã bán cổ phần cho đối tác chiến lược nước ngoài, tính đến thời điểm này, thì hơn một nửa đã kết duyên với nhà đầu tư Nhật Bản. Và làn sóng hợp tác Việt - Nhật trong lĩnh vực ngân hàng vẫn đang tiếp diễn, theo nhận định của nhiều người trong cuộc. Cũng theo những người này, sự tâm đồng về văn hóa và hợp ý về tầm nhìn đã hấp dẫn cả hai đến với nhau.

 

Các ngân hàng Nhật Bản cũng thiên về chiến lược bán lẻ và điều này phù hợp với chiến lược mà ngân hàng Việt Nam đang đặt ra, một lãnh đạo cao cấp của Sacombank cho biết. Cũng theo vị lãnh đạo này, Sacombank đang xúc tiến lựa chọn các đối tác nước ngoài phù hợp để thực hiện tăng vốn giai đoạn 2, dự kiến hoàn tất trong quý IV/2014. HĐQT Sacombank đã xác nhận về mặt chủ trương việc bán cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài với cổ đông tại kỳ ĐHCĐ thường niên năm qua và tại kỳ đại hội mới đây, với tỷ lệ chuyển nhượng tối đa lên đến 20% vốn điều lệ.

 

Kết hoạch gọi vốn ngoại của Sacombank như nói trên có thể khép lại nếu Ngân hàng sáp nhập thành công Southern Bank, đơn vị đang chia sẻ 20% cổ phần cho Tập đoàn UOB, quốc tịch Singapore.

 

Trong khi đó, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình cho biết, trong số 9 TCTD tái cơ cấu đợt 1 thì chỉ còn GPBank đang trong quá trình hoàn tất thương vụ bán toàn bộ cổ phần cho một đối tác nước ngoài, mà theo nguồn tin thân cận thì đây chính là UOB.

 

Trên thực tế, các đối tác Đông Bắc Á không chỉ là đối tượng tìm hiểu của các TCTD trong diện buộc phải tái cơ cấu, họ (đặc biệt là các tập đoàn Nhật Bản) cũng được các ngân hàng mạnh ở Việt Nam để mắt và xe duyên. Cuối năm 2012, VietinBank đã bán 12,79% cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược nước ngoài là Bank of Tokyo Mitsubishi UFJ Ltd (BTMU). VietinBank sau đó còn nâng “room” nhà đầu tư nước ngoài từ 12,79% lên 30%. Vietcombank cũng đã bán 15% cổ phần cho Mizuho, hay Eximbank bán 20% cổ phần cho Sumitomo Mitsui Banking Corporation (SMBC).

 

Và hứa hẹn những “hôn ước” đẹp, xuyên biên giới

 

Quá trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng Việt Nam vẫn đang diễn ra và nhiều ngân hàng, cả tự nguyện lẫn bị thúc ép, đang xúc tiến tìm kiếm, tiếp xúc và đàm phán với các nhà đầu tư nước ngoài để bán vốn. Hầu hết đều đưa ra tỷ lệ chào bán tối đa được phép hiện nay là 20% và khu vực tìm kiếm tập trung ở xứ sở hoa Anh Đào.

 

HDBank dự kiến sẽ sớm thu hút vốn ngoại sau khi sáp nhập DaiA Bank và mua lại 100% vốn của Société Générale Viet Finance (SGVF). HDBank đã thuê tư vấn để triển khai việc tìm đối tác chiến lược nước ngoài. Cho đến nay, Ngân hàng đã tiếp xúc và làm việc với các nhà đầu tư đến từ Nhật Bản, Anh quốc. Một nguồn tin thân cận cho hay, đối tác chiến lược nước ngoài của HDBank nhiều khả năng sẽ là một tập đoàn tài chính Nhật Bản.

 

Trong khi đó, theo ông Trần Phương Bình, Tổng giám đốc DongA Bank, chủ trương tìm kiếm cổ đông chiến lược nước ngoài đã được Ngân hàng xác định từ năm 2006. DongA Bank từng có ý định hợp tác với Citigroup - có thế mạnh bán lẻ, nhưng Ngân hàng sau đó đã quyết định rút lui để chờ thời điểm thích hợp hơn. Ông Bình tiết lộ, hiện có không ít đối tác là các định chế tài chính nước ngoài bày tỏ ý định hợp tác với DongA Bank dưới hình thức sở hữu một tỷ lệ cổ phần được pháp luật Việt Nam cho phép, tối đa là 20%. Tuy nhiên, do thị trường không thuận lợi, giá cổ phiếu ngân hàng giảm nên DongA Bank sẽ lựa chọn thời điểm thích hợp hơn để đảm bảo quyền lợi cổ đông.

 

Trả lời thắc mắc của cổ đông về kế hoạch thu hút vốn ngoại, HĐQT DongA Bank cho biết, Ngân hàng sẽ ưu tiên hoàn tất việc tăng vốn điều lệ lên 6.000 tỷ đồng trong năm nay, trước khi đi đến quyết định bán cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài.

 

Cùng với các động thái của hai ngân hàng trên, VPBank, sau khi chia tay cổ đông chiến lược nước ngoài OCBC (Singapore), cũng đang có kế hoạch tìm kiếm cổ đông chiến lược nước ngoài mới để nâng cao năng lực cạnh tranh.

 

Tổng giám đốc SCB, ông Võ Tấn Hoàng Văn, cho hay, sau khi hoàn tất việc tái cơ cấu, Ngân hàng cũng sẽ lên kế hoạch bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược nước ngoài.

 

Và trong kế hoạch tăng vốn từ 3.000 tỷ đồng lên 4.000 tỷ đồng năm nay, NamA Bank đã công khai ý định thu hút thêm vốn nước ngoài…

 

Trên thực tế, không chỉ các ngân hàng Việt Nam muốn kết hợp với các định chế tài chính lớn nước ngoài để củng cố tài chính và nhận chuyển giao công nghệ, quản trị, nhằm tăng năng lực cạnh tranh, mà phía nước ngoài, đặc biệt là Nhật Bản, cũng có ý định đầu tư vào Việt Nam, do họ nhận thấy tiềm năng của thị trường này.

 

Các định chế tài chính nước ngoài thường lựa chọn đối tác là các ngân hàng Việt Nam dựa trên các yếu tố như: có quy mô đủ lớn, có chiến lược phát triển để có thể trở thành một ngân hàng hàng đầu; có quan tâm đến chiến lược phát triển dịch vụ ngân hàng bán lẻ…

 

Khi hai bên đều có mong muốn kết hợp cùng nhau, trên cơ sở cả hai cùng có lợi, không lý gì những “hôn ước” đẹp lại không trở thành hiện thực, nhất là khi nhận được sự ủng hộ, tác thành từ phía các cơ quan quản lý!

 

Theo Thùy Vinh
ĐTCK

Chuyên mục: Thời sự

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *