Thời sự 23/05/2014 09:03

Xét xử vụ bầu Kiên: Ai là người chỉ đạo vụ cố ý làm trái?

FICA - Để được hưởng lãi suất và “hoa hồng” từ các chương trình khuyến mãi của các ngân hàng, nhóm chóp bu Ngân hàng ACB chỉ đạo các thuộc cấp của mình ôm tiền đi gửi tại các Ngân hàng. Vậy ai là người chủ mưu?

Sẽ làm rõ kẻ chủ mưu trong vụ cố ý làm trái của nhóm bầu Kiên. (Ảnh: Tuấn Hợp)
Sẽ làm rõ kẻ chủ mưu trong vụ "cố ý làm trái" của nhóm bầu Kiên. (Ảnh: Tuấn Hợp)
 
Câu hỏi đó sẽ được HĐXX TAND TP Hà Nội làm rõ trong phần xét hỏi công khai trước tòa sáng nay 23/5.
 
Đáng chú ý trong vụ án này có cựu Bộ trưởng Trần Xuân Giá, tuy nhiên ông Giá được tạm đình chỉ vụ án vì lý do sức khỏe và việc ông Giá không có mặt tại tòa cũng không làm ảnh hưởng tới việc làm rõ tội danh “cố ý làm trái các quy định của nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng”.
 
Theo cáo buộc của cơ quan tố tụng, vào tháng 3/2010, lúc này Ngân hàng ACB đang để tồn đọng một lượng tiền lớn mà không biết kinh doanh vào đâu. Thường trực HĐQT phải triệu tập một cuộc họp gấp có sự tham gia của ông Trần Mộng Hùng và Nguyễn Đức Kiên (bầu Kiên), với vai trò là Chủ tịch và Phó Chủ tịch Hội đồng tín dụng, Hội đồng đầu tư, Hội đồng sáng lập Ngân hàng ACB.
 
Tại cuộc họp này, để giảm áp lực bị lỗ khi nhận tiền tiết kiệm nhưng không cho vay được. Ông Trần Mộng Hùng đã đưa ra phương án giảm lãi suất huy động tiền gửi. Lúc này bầu Kiên lên tiếng và có ý kiến chỉ đạo, không được giảm tổng tài sản của Ngân hàng ACB, đồng nghĩa với việc không được giảm lãi suất huy động tiền gửi. Nắm bắt được ý “ông Bầu”, Lý Xuân Hải, Tổng Giám đốc, thành viên HĐQT bày “mưu lược”: đề xuất phương án ủy thác cho nhân viên của Ngân hàng ACB “ôm” tiền đi gửi tại các Ngân hàng để vừa nhận được lãi suất tiền gửi, vừa được hưởng “hoa hồng” từ các chương trình khuyến mại theo quy định từng ngân hàng. Thấy “mưu” của Lý Xuân Hải hay, bầu Kiên là người đầu tiên tán thưởng đồng ý.
 
Sau đó các thành viên HĐQT là ông Trần Xuân Giá, Trịnh Kim Quang, Phạm Trung Cang, Lê Vũ Kỳ, Lý Xuân Hải đã thống nhất nội dung và kí biên bản.
 
Với mục đích “gửi tiền tại các Ngân hàng khác ngoài việc lãi suất để còn được hưởng, “hoa hồng” từ các chương trình khuyến mại hấp dẫn” và được thống nhất của Thường tực HĐQT, Hội đồng đầu tư và sáng lập của Ngân hàng ACB, từ ngày 27/6/2011 đến 5/9/2011, Lý Xuân Hải đã chỉ đạo cho Kế toán trưởng Nguyễn Văn Hòa ủy thác số tiền gần 718 tỉ đồng tính chẵn, cho 19 nhân viên của mình “ôm” tiền đi gửi tiết kiệm tại Ngân hàng Vietinbank Chi nhánh Nhà Bè và Vietinbank chi nhánh TPHCM. Thời hạn tiền gửi từ 3-6 tháng. Với lãi suất 14%/năm; lãi suất thỏa thuận ngoài Hợp đồng từ 3,7%- 13%/năm.
 
Sau khi nhận ủy thác, 17 nhân viên Ngân hàng ACB đã “vác” 668 tỉ đồng (tính chẵn) gửi vào Vietinbank Chi nhánh TPHCM. 2 nhân viên khác còn lại ôm nốt số tiền 50 tỉ đồng gửi vào Vietinbank chi nhánh Nhà Bè.
 
Lúc này Huỳnh Thị Huyền Như đang nắm quyền Trưởng phòng giao dịch Điện Biên Phủ thuộc Vietinbank Chi nhánh TPHCM, thản nhiên “nẫng” luôn toàn bộ số tiền mà bên Ngân hàng ACB gửi vào thông qua nhiều thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt. Vụ “nẫng” tiền của Huyền Như đã gây thiệt hại nặng cho Ngân hàng ACB.
 
Dân trí tiếp tục cập nhật thông tin mới nhất về diễn biến vụ việc này.
 
Tuấn Hợp

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *