Thời sự 23/05/2014 14:10

Xét xử bầu Kiên: "Nảy lửa" phần thẩm vấn vụ ACB mắc mưu Huyền Như

FICA - 8h30 sáng nay 23/5, TAND TP Hà Nội tập trung làm rõ việc 19 nhân viên của ACB ôm tiền gửi vào các Ngân hàng để hưởng chênh lệch lãi suất và “hoa hồng” tiền gửi. Đại diện NHNN được triệu đến để hỏi về luật tín dụng tiền gửi.

Mở đầu, HĐXX cho triệu tập, đại diện Ngân hàng Nhà nước Việt Nam để làm rõ hành vi “Cố ý làm trái quy định Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”, theo cáo buộc của cơ quan công tố, bị cáo Nguyễn Đức Kiên là người cầm đầu.

Tòa hỏi đại diện Ngân hàng Nhà nước về luật tổ chức tín dụng có hiệu lực từ ngày nào?

 

Ngày 01/01/2010, luật tổ chức tín dụng có hiệu lực, những văn bản trái với luật này thì phải dừng và không được thực thi - Vị đại diện Ngân hàng cho biết.

 

Theo vị đại diện Ngân hàng Nhà nước, luật tổ chức tín dụng nêu rõ, mọi tổ chức, cá nhân muốn ủy thác tín dụng phải có văn bản hướng dẫn. Tuy nhiên, thời điểm các bị cáo phạm tội bị cơ quan điều tra khởi tố, bắt tạm giam, thì chưa có văn bản, thông tư nào hướng dẫn về vấn đề này.

 

Tòa tiếp tục thẩm vấn bị cáo Lý Xuân Hải - Nguyên Tổng Giám đốc Ngân hàng ACB. Bị cáo Hải cho biết nói: Biên bản họp Hội đồng quản trị Ngân hàng ACB năm 2010, phân công tôi đảm nhiệm việc giám sát, theo dõi các hoạt động tín dụng của Ngân hàng ACB. Việc thực hiện ủy thác tiền gửi do Kế toán trưởng Ngân hàng ACB Nguyễn Văn Hòa thực hiện.

 

Sau khi Hội đồng quản trị có nghị quyết, Kế toán trưởng Nguyễn Văn Hòa chỉ đạo cho các nhân viện của Ngân hàng ACB thực hiện ủy thác tiền gửi. Khi nghị quyết của Hội đồng quản trị có hiệu lực, Kế toán trưởng Nguyễn Văn Hòa thực hiện chủ trương ủy thác. Tôi là Tổng Giám đốc Ngân hàng ACB, nhưng không kiểm tra, đôn đốc, không nghe báo cáo hàng ngày về chủ trương ủy thác tiền gửi. Bên cạnh đó, Kế toán trưởng không có nghĩa vụ báo cáo tôi, mà báo cáo Hội đồng quản trị Ngân hàng ACB.

 

Nguyễn Văn Hòa nói về việc ủy thác cho nhân viên mang tiền đi gửi. (Ảnh, Tuấn Hợp).
Nguyễn Văn Hòa nói về việc ủy thác cho nhân viên mang tiền đi gửi. (Ảnh, Tuấn Hợp).

 

Về vấn đề này, Kế toán trưởng Nguyễn Văn Hòa cho biết, sau khi Hội đồng quản trị chỉ đạo thực hiện nghị quyết ủy thác tiền gửi, tôi là người trực tiếp ký các hợp đồng ủy thác. Bên cạnh đó, 19 nhân viên của ACB được ủy thác cũng có quyền giao dịch, thỏa thuận và thay mặt cho ngân hàng người ký. Hàng ngày tôi đều có văn bản thống kê số lượng, lãi lời bao nhiêu, phần trăm hòa hồng như thế nào và báo cáo lên Tổng Giám đốc Lý Xuân Hải.

 

Ông Hòa cho biết, người liên hệ trực tiếp với Ngân hàng Công thương Chi ngành Nhà Bè (VietinBank Nhà Bè) là Huỳnh Thị Bảo Ngọc – Phó Phòng quản lý quỹ Ngân hàng ACB. Bản thân ông Hòa là người thực hiện các lệnh của Hội đồng quản trị, sau đó chỉ đạo nhân viên thực hiện ủy thác tiền gửi. Mọi liên hệ với các Ngân hàng về việc giao dịch tiền gửi Huỳnh Thị Bảo Ngọc là người đảm nhiệm.

 

Tại tòa Huỳnh Thị Bảo Ngọc cho biết: Huỳnh Thị Huyền Như là chị gái ruột và bản thân Bảo Ngọc là người liên hệ trực tiếp với Huỳnh Thị Huyền Như để thực hiện giao dịch, thỏa thuận ủy thác tiền gửi, sau khi được anh Hòa giao nhiệm vụ. “Khi tôi gọi điện cho Ngân hàng VietinBank thì tổng đài của ngân hàng này giới thiệu tôi gặp chị Huỳnh Thị Huyền Như. Chính tôi là người gặp và giao dịch lãi suất tiền gửi với chị Huỳnh Thị Huyền Như, còn ký hợp đồng thì chị Huyền Như không ký mà ủy thác người khác”, Bảo Ngọc khai tại tòa.

 

Sau khi thỏa thuận lãi suất với Huỳnh Thị Huyền Như, Huỳnh Thị Bảo Ngọc yêu cầu 19 nhân viên được ACB ủy thác liên hệ VietinBank để cung cấp thông tin mở tài khoản. Sau khi có tài khoản tại VietinBank, Phòng Kế toán Ngân hàng ACB sẽ gửi tiền trực tiếp vào tài khoản đó. Trước khi liên hệ với Huỳnh Thị Huyền Như, cả 19 cá nhân được ủy thác đều không có tài khoản tại VietinBank.

 

Trước lời khai của Huỳnh Thị Bảo Ngọc, Hội đồng xét xử đã đọc bút lục của cơ quan điều tra về việc lấy lời khai của các nhân viên Ngân hàng ACB được ủy thác tiền gửi. Theo đó, các nhân viên này đều khẳng định, chính Huỳnh Thị Bảo Ngọc là người chỉ đạo các nhân viên liên hệ với VietinBank để mở tài khoản và thực hiện các bước của ủy thác tiền gửi.

 

Huyền Như lợi dụng kẽ hở của ACB để chiếm đoạt 718 tỉ đồng. (Ảnh, Tuấn Hợp).
Huyền Như lợi dụng kẽ hở của ACB để chiếm đoạt 718 tỉ đồng. (Ảnh, Tuấn Hợp).

 

Để làm rõ vấn đề này, Hội đồng xét xử yêu cầu một nhân viên thực hiện ủy thác tiền gửi trả lời thẩm vấn. Theo vị đại diện này, Huỳnh Thị Bảo Ngọc là người yêu cầu nhân viên đến gặp Huỳnh Thị Huyền Như để mở tài khoản và thực hiện các bước ủy thác tiền gửi tại Ngân hàng VietinBank. Người được ủy thác là người trực tiếp cung cấp thông tin mở tài khoản và phải đến VietinBank để ký vào hồ sơ tiền gửi.

 

Vợ chồng bầu Kiên trò chuyện khá thân mật tại tòa trong giờ giải lao. (Ảnh, Tuấn Hợp).
Vợ chồng bầu Kiên trò chuyện khá thân mật tại tòa trong giờ giải lao. (Ảnh, Tuấn Hợp).

 

10h10, tòa tạm thời nghỉ giải lao. Trong giờ nghỉ giải lao, vợ chồng bầu Kiên đã gặp gỡ trò chuyện khá thân mật tại tòa.

 

10h25 tòa bắt đầu thẩm vấn Huỳnh Thị Huyền Như, tại tòa Huyền như đã khai rõ mánh khóe và kẽ hở của nhóm chóp bu ACB khiến cô có cơ hội lợi dụng việc này và chiếm đoạt luôn số tiền 718 tỉ mà các nhân viên của ACB gửi vào.

 

14h chiều nay, tòa tiếp tục làm việc.

 

Tuấn Hợp

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *