Thời sự 17/05/2020 16:28

Xăng vừa “đứt” mạch giảm, BOT đã kiến nghị được tăng phí

Tuần qua đánh dấu kết thúc chuỗi giảm liên tục của giá xăng: E5 RON 92 tăng 578 đồng/lít; RON 95 tăng 604 đồng/lít. Trong khi đó, với 58/60 dự án BOT “thất thu”, Bộ GTVT kiến nghị Chính phủ tăng phí.

Hàng triệu khách hàng đã được giảm hơn 1.739 tỷ đồng tiền điện

Xăng vừa “đứt” mạch giảm, BOT đã kiến nghị được tăng phí - 1

Đây là số liệu báo cáo của Bộ Công Thương về công tác giám sát giảm giá điện, giảm tiền điện do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Tính đến ngày 12/5 đã có 12,4 triệu khách hàng (chiếm tỷ trọng 43,94% khách hàng) được giảm giá điện, giảm tiền điện với tổng số tiền giảm là 1.739,3 tỷ đồng.

Trong đó, khách hàng ngoài sinh hoạt gồm 1,35 triệu khách hàng (chiếm 52,8% khách hàng ngoài sinh hoạt) có tổng số tiền giảm lớn nhất là 1.316,05 tỷ đồng.

Khách hàng sinh hoạt với số lượng 11,06 triệu khách hàng (chiếm tỷ lệ 43,04% khách hàng sinh hoạt) với tổng số tiền giảm là 391,67 tỷ đồng. Khách hàng thuộc đối tượng cơ sở lưu trú du dịch với 2.680 khách hàng, với tổng số tiền được giảm là 26,98 tỷ đồng.

​Còn cơ sở điều trị bệnh nhân nghi nhiễm hoặc đã nhiễm virus Covid-19 với 439 khách hàng với tổng số tiền giảm là 4,59 tỷ đồng.

Bộ Công Thương khẳng định, việc giá điện, tiền điện vừa qua được triển khai “đúng đối tượng, đúng thời gian theo quy định”.

Dân ùn ùn đổ xăng trước giờ tăng giá, nhiều nơi xếp hàng đông nghẹt

Theo ghi nhận của Dân trí, chiều tối ngày 12/5, nhiều cây xăng đông nghẹt người, nhiều nơi xếp hàng dài . Lãnh đạo một doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu tại Hà Nội cho biết, họ ghi nhận doanh thu tăng đột biến vào chiều 12/5.

“Nhân viên bán hàng không ngơi tay, các trụ bơm hoạt động hết công suất”, vị này cho biết.

Còn các khách hàng cho biết, dù tiết kiệm không được nhiều tuy nhiên vẫn muốn tranh thủ tận dụng nốt thời điểm xăng giá rẻ kỷ lục suốt hơn cả thập kỷ qua.

Đến chiều chiều 13/5, Liên Bộ Công Thương - Tài chính đã thực hiện điều chỉnh giá các loại mặt hàng xăng dầu.

Theo đó, giá xăng được điều chỉnh tăng, còn giá dầu được điều chỉnh giảm. Cụ thể, giá xăng E5 RON 92 tăng 578 đồng/lít; xăng RON 95 tăng 604 đồng/lít. Trong khi đó, giá dầu diesel giảm 84 đồng/lít; Dầu hỏa giảm 83 đồng/lít; Dầu mazut giảm 125 đồng/kg.

Sau điều chỉnh, xăng E5 RON 92 có giá bán tối đa là 11.520 đồng/lít; Xăng RON 95 là 12.235 đồng/lít; Dầu diesel 9.857 đồng/lít; Dầu hỏa 7.882 đồng/lít; Dầu mazut 8.545 đồng/kg.

Xăng vừa “đứt” mạch giảm, BOT đã kiến nghị được tăng phí - 2

Giá xăng bật tăng sau chuỗi giảm liên tiếp 8 phiên

58/60 dự án BOT “thất thu”, Bộ Giao thông kiến nghị Chính phủ tăng phí

Bộ Giao thông vận tải (GTVT) vừa có văn bản kiến nghị Chính phủ hỗ trợ doanh nghiệp dự án BOT đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Theo rà soát số liệu đến hết năm 2019, có 45 dự án doanh thu thực tế thấp hơn so với dự báo trong phương án tài chính của hợp đồng BOT. Trong đó, có 2 dự án doanh thu chỉ đạt 13 - 15% và 3 dự án chưa được thu, đang tạm dừng thu.

58/60 dự án doanh thu thực tế thấp hơn so với doanh thu dự báo trong phương án tài chính của hợp đồng BOT, trong đó 17 dự án doanh thu thực tế chưa đạt 50% so với dự báo

Bộ GTVT đề nghị phương án: Cho phép tăng phí dịch vụ sử dụng đường bộ theo hợp đồng dự án; giao Bộ GTVT lựa chọn thời điểm phù hợp để hạn chế tối đa ảnh hưởng đến chi phí vận tải; đồng thời chỉ đạo các địa phương bố trí lực lượng chức năng đảm bảo an ninh trật tự tại trạm thu phí (khi cần thiết).

Khủng hoảng giá thịt lợn: Ai đang hưởng lợi?

Ông Nguyễn Xuân Lộc, Trưởng ban quản lý chợ đầu mối giá súc, gia cầm Hà Nam cho biết, giá lợn hơi ngày 13/5 tới 95.000-96.000đồng/kg. Số lượng lợn hơi giao dịch tại chợ chỉ còn 200-300 con mỗi ngày, giảm hơn một nửa so với trước đây. Lợn từ miền Nam gần như không còn ra miền Bắc nữa, vì giá lợn tương đương như ở miền Bắc. “Tình hình này, giá lợn hơi chạm mốc 100.000 đồng/kg không còn xa”, ông Lộc nhận định.

Ông Nguyễn Công Bắc, chủ hệ thống trang trại hơn 1.100 con lợn nái, khoảng 6.000 đầu lợn thịt (lớn nhất nhì ở Sơn La) cho biết, giá lợn hơi ở Sơn La xuất chuồng khoảng 92.000-93.000 đồng/kg. Theo ông Bắc, việc can thiệp của Chính phủ về giá là cần thiết, nhưng thịt lợn cũng như hàng hóa khác, phải theo quy luật cung cầu. Cần tập trung tăng đàn lợn nái mới có nguồn cung cấp con giống để nông dân vào đàn. Ông Bắc cũng nhận định, giá thịt lợn từ nay đến hết năm 2020 “khó được mức bình dân" vì nguồn cung vẫn thiếu.

“Nếu tiến độ tốt nhất, từ nay hết năm 2020  có thể về 70 nghìn đồng/kg. Bây giờ tới 3 triệu/con giống, giá bán 60 nghìn đồng/kg, nông dân lại lỗ, mà lỗ thì nông dân lại không nuôi nữa. Phải tới quý 1, 2/2021, nếu tái đàn lợn nái và kiểm soát dịch tốt, lúc đó mới xuống 60.000 đồng/kg hơi”.

Ông Đỗ Quốc Gia, chủ trang trại lợn thịt ở Văn Giang (Hưng Yên) cho rằng, với những trang trại chủ động được con giống, đặc biệt doanh nghiệp lớn làm khép kín từ giống đến giết mổ có thể lãi tới 4-5 triệu đồng/con lợn là bình thường. “Tuy nhiên, trong điều kiện dịch vẫn còn rình rập, giá lợn chưa biết về đâu, nên để chắc ăn, đành phải bán. Lãi lớn nên bảo lúc này các DN này… “nhả” lợn giống ra ngoài là chuyện rất khó. Đây mới là những ông ăn dày nhất ”, ông Gia nói.

“Xù” gạo dự trữ vẫn có tên trong danh sách đấu thầu bán gạo đợt 2

Theo thông tin của cơ quan dự trữ nhà nước, ngày 12/5, các cục dự trữ Nhà nước trên cả nước đã mở thầu đợt 2, mua bù số gạo bị doanh nghiệp xù bán gạo lần 1 ngày 12/3. Kết quả, Cục Dự trữ Nhà nước khu vực Hà Nội đã tiếp nhận 23 bộ hồ sơ của 10 nhà thầu tham gia bán số gạo 9.000 tấn cho cơ quan dự trữ.

Đáng chú ý, có 3/10 doanh nghiệp tham gia thầu lần này từng có “tiền án” trúng thầu bán gạo cho dự trữ nhà nước nhưng sau đó không ký hợp đồng bán gạo. Cụ thể, là các Công ty TNHH thương mại Chương Tho, Công ty C thương mại Minh Khai, Công ty TNHH Thủy Long Hà Nam.

Trả lời câu hỏi của phóng viên Dân Trí, lãnh đạo của Tổng cục Dự trữ Nhà nước cho biết: Về nguyên tắc, doanh nghiệp đấu thầu gạo, khi trúng thầu và chưa ký hợp đồng; vì nhiều lý do khác nhau mà không bán gạo cho dự trữ Nhà nước, sẽ chỉ bị tịch thu tiền bảo đảm thầu. 

Tuy nhiên, theo vị này: “Trong Luật Đấu thầu cũng quy định, trường hợp doanh trúng thầu bán gạo, đã ký hợp đồng, nhưng sau đó lại không giao gạo cho dự trữ Nhà nước sẽ bị cấm tham gia đấu thầu tiếp theo”.

Khi được hỏi nếu doanh nghiệp trúng thầu, chưa ký hợp đồng, không giao gạo tiếp tục được đấu thầu, trúng thầu và lại không ký hợp đồng giao gạo lần thứ 2, sẽ bị xử lý ra sao, lãnh đạo Tổng cục Dự trữ Nhà nước nói: “Nếu trường hợp vậy, phải kiến nghị cấp cao xem xét quyết định, thậm chí phải sửa luật bởi đây là hành vi cố tình phá kế hoạch của Nhà nước”.

Từ vụ giết cháu vợ để lấy tiền bảo hiểm: Chưa từng có tiền lệ ở Việt Nam

Bí thư xã giết cháu vợ và tạo hiện trường giả nhằm trục lợi bảo hiểm (18 tỷ) là câu chuyện gây bức xúc dư luận trong những ngày gần đây.

Đại tá Hồ Văn Mười, Giám đốc Công an tỉnh Đắk Nông đánh giá, đây là lần đầu tiên tại Việt Nam xảy ra vụ án giết người để trục lợi bảo hiểm, dù trên thế giới đã xảy ra nhiều. Đối tượng Minh đã lên kế hoạch tỉ mỉ với mục đích sau khi mình giả chết, món nợ 10 tỷ đồng sẽ được xóa, còn số tiền bảo hiểm sẽ cho vợ con hưởng.

Nhìn nhận về vấn đề này, một chuyên gia trong ngành thừa nhận, do sự hiểu biết về bảo hiểm của người dân còn nhiều hạn chế nên dẫn tới những sự việc đáng tiếc như trong thời gian vừa qua.

Theo vị chuyên gia này, nhìn từ việc Bí thư xã giả chết hay vụ tự hủy hoại bản thân nhằm trục lợi bảo hiểm cho thấy, kiến thức bảo hiểm nhân thọ của những cá nhân này còn hạn chế. Việc này đã thể hiện sự thiếu hiểu biết về vấn đề bảo hiểm nhân thọ của người Việt Nam. Chính vì lẽ đó tỷ lệ tham gia bảo hiểm nhân thọ của Việt Nam luôn lẹt đẹt, nằm gần như chót thế giới.

"Đặc biệt, việc giết người dùng kế "ve sầu lột xác" định lấy tiền bảo hiểm nhân thọ chẳng khác nào hành động "tự sát" bởi vì muốn được chi trả tiền đền bù, công ty bảo hiểm cần điều tra kỹ tai nạn trước khi chi trả. Tôi cũng xin nhắc lại, ngân hàng có thể phá sản, tổ chức tài chính nào đó có thể sập nhưng bảo hiểm nhân thọ tồn tại trên 400 năm qua mà vẫn không bị vấn đề gì thì chúng ta biết sự vận hành gắt gao và kiểm soát chặt chẽ đến dường nào của bảo hiểm nhân thọ", vị chuyên gia này khẳng định.

Mai Chi (tổng hợp)

Chuyên mục: Thời sự

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *