Thời sự 26/01/2014 20:12

Vụ siêu lừa Huyền Như: Chờ đợi gì ở bản án lịch sử?

FICA - Vụ lừa đảo lớn nhất trong lịch sử ngành ngân hàng sắp đến giờ phán quyết. Không riêng gì các bị cáo, những cá nhân, tổ chức có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, những ai quan tâm đến vụ án này đều có những lý do riêng để… hồi hộp.

Ngày mai 27/1, sau 5 ngày nghị án, phiên sơ thẩm vụ án Huyền Như và đồng bọn đã đến hồi kết với bản án lịch sử được mong chờ.   Ngay từ ngày 6/1, phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án do Huỳnh Thị Huyền Như cùng 22 đồng phạm lừa đảo gần 4.000 tỷ đồng của các cá nhân, tổ chức, ngân hàng được tiến hành. Phiên tòa đã căng thẳng ngay từ ngày khai mạc bởi những yêu cầu của luật sư bảo vệ cho bị cáo lẫn bị hại. Trong đó, đáng chú ý là yêu cầu của luật sư đại diện cho Ngân hàng Thương mại cổ phần Á Châu – ACB khi cho rằng cần phải triệu tập bầu Kiên, ông Trần Xuân Giá để làm rõ vấn đề về số tiền hơn 700 tỷ đồng ACB đã gửi vào Vietinbank, triệu tập một số lãnh đạo chủ chốt đương nhiệm của Vietinbank… Luật sư của Ngân hàng Navibank thì cho rằng thân chủ của mình không bị thiệt hại trong vụ án này nên rất bất ngờ khi được triệu tập đến tòa với tư cách là nguyên đơn dân sự.

Phiên tòa còn nhiều tình tiết “lạ” khi các bị hại là cá nhân hay tổ chức như Công ty bảo hiểm Toàn cầu, Công ty SBBS, ngân hàng Navibank… đều đồng loạt không thừa nhận Ngân hàng thương mại cổ phần công thương Việt Nam – Vietinbank tại tòa với tư cách người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan. Các bị hại đều từ chối cáo buộc của Viện kiểm sát là bị cáo Huỳnh Thị Huyền Như có trách nhiệm trả số tiền gần 4.000 tỷ đồng đã chiếm đoạt.

Các bị hại cho rằng, khi giao dịch gửi tiền, họ gửi vào Vietinbank thông qua Huỳnh Thị Huyền Như chứ không phải giao dịch với tư cách cá nhân của Huyền Như. Hơn nữa, Huyền Như với chức vụ là quyền Trưởng phòng Giao dịch Điện Biên Phủ - Chi nhánh Vietinbank TPHCM nên họ hoàn toàn tin tưởng khi giao tiền, sổ tiết kiệm. Do đó, khi xảy ra sai phạm thì Vietinbank phải có trách nhiệm bồi thường số tiền mà Huyền Như đã chiếm đoạt.

Trong khi đó, tại phần trình bày quan điểm trước tòa, đại diện VKS vẫn khẳng định quan điểm truy tố các bị cáo và việc Huyền Như phải có trách nhiệm bồi thường số tiền gần 4.000 tỷ đồng chứ không phải trách nhiệm của Vietinbank.

Bên cạnh yêu cầu xác định lại tư cách của Vietinbank trong vụ án và Vietinbank có trách nhiệm hoàn trả số tiền Huyền Như đã chiếm đoạt, các luật sư cũng yêu cầu nên xem xét lại tội danh đối với bị cáo Huyền Như. Luật sư cho rằng, với vị trí, chức vụ, quyền hạn ngay thời điểm xảy ra vụ án thì Huyền Như cần phải bị truy tố về tội “Tham ô tài sản” với khung hình phạt lên đến tử hình chứ không phải tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức” với mức án cao nhất là chung thân.

Trong suốt quá trình xét xử, các bị cáo là đồng phạm của Huyền Như trong vụ án này đều đồng loạt cho rằng mình phạm tội vì quá tin tưởng vào Huyền Như. Các bị cáo bị truy tố tội “Cho vay nặng lãi”, “Vi phạm các quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng” cho rằng khi giao dịch, vì hoàn toàn tin tưởng vào Huyền Như nên chủ quan không kiểm tra, kiểm soát. Các bị cáo từng là đồng nghiệp của Huyền Như tại Phòng giao dịch Vietinbank Điện Biên Phủ, Vietinbank chi nhánh Nhà Bè, Phòng giao dịch Đinh Tiên Hoàng, Phòng giao dịch Võ Văn Tần… hay như các đồng nghiệp từ ACB, VIB đều cho rằng mình hoàn toàn tin tưởng vào Huyền Như. Đơn giản, Huyền Như là một cán bộ có chức có quyền, có uy tín không chỉ trong Vietinbank mà cả hệ thống ngân hàng. Một số đồng nghiệp là cán bộ cấp dưới thì bị phụ thuộc, bị chỉ đạo bởi sếp Huyền Như. Một số cán bộ khác thì vì muốn có khách hàng cho tổ chức, không muốn mất mối lớn mà Huyền Như đưa về nên “sếp bảo sao thì làm vậy”, bỏ qua các công đoạn phê duyệt hồ sơ, thẩm định… Chính vì vậy, những sổ tiết kiệm thiếu chữ ký của chủ sổ, những lệnh chi giả… đều lần lượt bị Huyền Như qua mặt mà không ai hay.

Phiên tòa còn khiến nhiều người “nhảy dựng” khi đại diện VKSND giữ quyền công tố tại tòa đề nghị cơ quan chức năng xem xét trách nhiệm hình sự đối với một số cán bộ lãnh đạo một số ngân hàng có liên quan trong vụ án này mà chưa bị khởi tố để không lọt người, lọt tội.

Phiên tòa “lịch sử” trong ngành ngân hàng còn bất ngờ chứng kiến sự hiện diện của ông Nguyễn Bá Thanh – Trưởng Ban Nội chính Trung ương. Ông Thanh dành một ngày để đến TAND TPHCM, ngồi theo dõi trực tiếp diễn biến phiên tòa qua màn hình. Sự xuất hiện của ông Nguyễn Bá Thanh khiến nhiều người vừa bất ngờ, vừa có niềm tin vào cuộc chiến chống tham nhũng mà Đảng và Nhà nước đang vào cuộc mạnh mẽ.

Phiên tòa ban đầu dự kiến kéo dài từ ngày 6/1 đến hết ngày 25/1. Trước khi diễn ra, nhiều người không tin rằng phiên tòa sẽ “ngốn” hết khoảng thời gian dài như thế. Tuy nhiên, diễn biến gay cấn, căng thẳng và nhiều tình tiết bất ngờ khiến vụ án kéo dài hơn dự kiến. Đến ngày 27/1 mới có phán quyết cuối cùng về đại án tham nhũng này.

Chừng đó cũng đủ thấy vì sao vụ án này thu hút sự quan tâm của dư lận và vì sao không chỉ bị cáo, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan mà những người quan tâm đến vụ án “có một không hai” này đều hồi hộp trước giờ tuyên án.

Công Quang

Chuyên mục: Thời sự

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *