Thời sự 15/07/2015 20:48

Vụ Sabeco bị truy thu 408 tỷ đồng thuế: "Đừng để quýt làm cam chịu!"

Đó là quan điểm của các chuyên gia về kiến nghị truy thu 408 tỷ đồng tiền thuế tiêu thụ đặc biệt đối với Tổng công ty Cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) của Kiểm toán Nhà nước.

Vụ Sabeco bị truy thu 408 tỷ đồng thuế: Lỗ hổng pháp luật không thể bắt doanh nghiệp chịu
Lãnh đạo Kiểm toán Nhà nước khẳng định, Bộ Tài chính thống nhất cao quan điểm với Kiểm toán Nhà nước về việc truy thu 408 tỷ đồng tiền thuế tiêu thụ đặc biệt của Sabeco.
 
Lập luận của Kiểm toán Nhà nước 

Trong kiến nghị gửi Bộ Tài chính, Kiểm toán Nhà nước cho biết, theo quy định, trường hợp cơ sở sản xuất hàng hoá chịu thuế tiêu thụ đặc biệt bán hàng qua cơ sở kinh doanh thương mại thì giá làm căn cứ tính thuế tiêu thụ đặc biệt là giá bán của có sở sản xuất nhưng không thấp hơn 10% giá bình quân của cơ sở thương mại đó bán ra. 

Tuy nhiên, một số doanh nghiệp đã thành lập các công ty con là các cơ sở kinh doanh thương mại để thực hiện bán hàng và kê khai thuế tiêu thụ đặc biệt theo giá bán của cơ sở sản xuất bán cho các công ty con và không thấp hơn 10% so với giá các công ty con bán ra, làm giảm số thuế tiêu thụ đặc biệt phải nộp ngân sách Nhà nước.

Cụ thể, với trường hợp Bia Sài Gòn, đơn vị sở hữu thương hiệu Bia Sài Gòn, gồm 2 nhà máy hạch toán phụ thuộc, các công ty con và liên kết. Các đơn vị sản xuất bán sản phẩm bia Sài Gòn cho công ty TNHNN MTV Thương mại Bia Sài Gòn (công ty con 100% vốn của Tổng công ty). Công ty này lại tiếp tục bán sản phẩm cho 10 công ty cổ phần thương mại khu vực có vốn góp từ 90-94,92%. Các công ty thương mại khu vực sau đó mới bán tiếp sản phẩm cho đại lý cấp 1, là các cơ sở kinh doanh thương mại độc lập.

Theo đó, Kiểm toán Nhà nước cho rằng, cơ sở sản xuất thực hiện tính, kê khai và nộp thuế tiêu thụ đặc biệt theo giá bán tai công ty TNHH MTV Bia Sài Gòn, thuộc cùng hệ thống sản xuất - tiêu thụ của Tổng công ty, không phải cơ sở kinh doanh thương mại độc lập với cơ sở sản xuất. Kiểm toán xác định với mô hình tổ chức sản xuất và tiêu thụ sản phẩm của Tổng công ty thì giá tính thuế phải là giá bán ra của các công ty thương mại khu vực, qua đó xác định tăng thuế tiêu thụ đặc biệt 408 tỷ đồng.  

Tại buổi họp báo mới đây, lãnh đạo Kiểm toán Nhà nước cũng thừa nhận có “lỗ hổng” trong quy định về thuế tiêu thụ đặc biệt. Tuy nhiên, đại diện cơ quan này cũng khẳng định, Bộ Tài chính thống nhất cao quan điểm với Kiểm toán Nhà nước trong vấn đề này và chắc chắn Sabeco sẽ phải thực hiện nghĩa vụ thuế. 

Sabeco “kêu cứu”

Trong “tâm thư” gửi tới các cơ quan truyền thông, phía Sabeco cho rằng, kết luận Sabeco “lách thuế”, “trốn thuế”, “chuyển giá” là thiếu căn cứ. Sabeco thực hiện nộp thuế tiêu thụ đặc biệt theo hướng dẫn từ cơ quan thuế.

Về kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước, Sabeco cho rằng, việc tính thuế tiêu thụ đặc biệt đến các công ty thương mại khu vực (do công ty con của Sabeco là công ty TNHH MTV Thương mại Bia Sài Gòn sở hữu hơn 90% vốn điều lệ) xảy ra hiện tượng thuế chồng thuế, chưa có cơ sở và làm sai lệch bản chất của luật thuế tiêu thụ đặc biệt.

Sabeco cũng lo ngại, tất cả các khoản thu, Bia Sài Gòn đã nộp vào ngân sách nhà nước hàng năm. Nếu tuân thủ theo kết luận truy thu của Kiểm toán Nhà nước, Bia Sài Gòn sử dụng nguồn quỹ dự phòng hoặc nguồn lợi nhuận chưa phân phối thì bản chất vẫn là tiền nhà nước, có nghĩa là Sabeco lại phải xin tiền nhà nước để nộp vào ngân sách nhà nước?

"Lãnh đạo Kiểm toán nhà nước khẳng định có lỗ hổng pháp luật. Vậy lỗ hổng đó do ai tạo ra? Nhất quyết không phải do Bia Sài Gòn tạo ra được! Và nếu có điều đó, thì các cơ quan nhà nước cần phối hợp để xây dựng các văn bản quy phạm để điều chỉnh, hướng dẫn các doanh nghiệp thực hiện chứ không thể truy thu trước, sửa lỗ hổng pháp luật sau được”, phía Sabeco phản pháo.

Lỗ hổng chính sách do ai tạo ra?

Dưới góc độ chuyên gia, ông Nguyễn Đình Cung - Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM) cho hay, đây là một trường hợp điển hình về môi trường kinh doanh ở Việt Nam với hệ thống thuế không đảm bảo được tính chắn chắc, ổn định và chỉ một thay đổi nhỏ có thể khiến một doanh nghiệp “đi cả cơ nghiệp”.

Ông Cung cho rằng: “Hệ thống pháp luật nào cũng tồn tại những kẽ hở nhưng không thể có kẽ hở mà bắt người dân và doanh nghiệp gánh chịu. Hoàn thiện pháp luật, bịt kẽ hở là chức năng của cơ quan nhà nước. Sabeco là một ông tương đối lớn của Nhà nước mới nói được thế này, người dân bình thường gặp trường hợp này thì kêu ai?”

Đồng quan điểm, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Sỹ Cương cũng cho rằng, không nên dùng từ lách luật, lách thuế bởi đó không phải hành vi vi phạm pháp luật. Lỗ hổng pháp luật thì hệ thống nước nào cũng có, trách nhiệm của nhà làm luật là làm thế nào để lỗ hổng càng nhỏ càng tốt. 

Tuy không khẳng định bên nào đúng nhưng ông Cương cho rằng, vấn đề đặt ra ở đây là doanh nghiệp không thể tự khai thuế hay muốn khai thế nào thì khai, nộp bao nhiêu thì nộp mà phải được sự chấp thuận của cơ quan thuế. Trước đó, Kiểm toán Nhà nước đã khẳng định kết quả kiểm toán không có vấn đề gì, sau đó lại phát hiện sai thì trách nhiệm của Kiểm toán đến đâu? Tương tự, nếu kiểm toán đúng thì trách nhiệm của cơ quan thuế, cơ quan thanh tra như thế nào? 

Về phía đại diện Bộ Công thương, ông Phan Chí Dũng - Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nhẹ thì cho rằng, căn cứ tính thuế của Sabeco nói riêng và các doanh nghiệp rượu bia, thuốc lá khác không có gì sai so với quy định hiện hành của Nhà nước. Nếu cơ quan quản lý thừa nhận quy định chưa chuẩn mực thì nên quy định lại.

“Nếu chúng ta quy định như thế, áp dụng như thế mà cho rằng đấy là kẽ hở rồi truy thu thì giống như nhiều chuyên gia khác, tôi cho rằng không thể truy thu được. Hơn nữa, với các công ty cổ phần, việc truy thu cũng rất phức tạp. Rồi không chỉ mình Sabeco mà cả một hệ thống nữa. Như vậy rất bất hợp lý”, ông Dũng nói.

 Phương Dung

Chuyên mục: Thời sự

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *