Thời sự 13/12/2022 16:53

Việt Nam có thể hưởng lợi nhờ các nhà sản xuất chip rời khỏi Trung Quốc

Theo các chuyên gia, việc Mỹ hạn chế xuất khẩu chip sang Trung Quốc là động thái mới nhất thúc đẩy các công ty xem xét chuyển một số năng lực sản xuất sang Việt Nam và Ấn Độ.

Dẫu vậy, chuyên gia cũng cho rằng việc chính quyền Biden hạn chế xuất khẩu chất bán dẫn sang Trung Quốc sẽ không có làm lung lay vị thế toàn cầu của các nhà sản xuất chip chiếm ưu thế.

Walter Kuijpers - luật sư tại Singapore của KMPG, công ty cung cấp các dịch vụ kiểm toán, thuế, tư vấn và pháp lý - cho biết gần đây số lượng yêu cầu gửi đến KPMG về việc mở rộng năng lực sản xuất chip trên khắp Đông Nam Á đã tăng 30-40% so với trước đại dịch.

Theo hãng tư vấn này, những diễn biến địa chính trị gần đây đã đẩy nhanh việc tách các chuỗi cung ứng thay vì dựa vào một địa điểm duy nhất.

Hồi tháng 10, Mỹ bắt đầu yêu cầu các công ty phải có giấy phép mới được xuất khẩu các chất bán dẫn tiên tiến hoặc các thiết bị sản xuất liên quan đến Trung Quốc. Những công ty đó cũng cần được Washington chấp nhận nếu muốn sử dụng thiết bị của Mỹ để sản xuất các loại chip cao cấp bán cho Trung Quốc.

Đây là diễn biến mới nhất trong loạt biến động gần đây của ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu trị giá 600 tỷ USD.

Việt Nam có thể hưởng lợi nhờ các nhà sản xuất chip rời khỏi Trung Quốc - 1

Đông Nam Á đang là lựa chọn cho các nhà máy sản xuất chip muốn chuyển sản xuất ra khỏi Trung Quốc (Ảnh: Getty).

Những năm gần đây, các nhà sản xuất chip, từng bị thu hút bởi khả năng cạnh tranh của Trung Quốc trong sản xuất chip, đã phải chật vật đối phó với tình trạng chi phí lao động tăng nhanh, chuỗi cung ứng gián đoạn do các hạn chế đại dịch và rủi ro địa chính trị gia tăng. Vì vậy, hiện họ đang tìm cách thúc đẩy việc chuyển sản xuất sang nơi khác.

Ông Jan Nicholas, giám đốc điều hành tập trung vào lĩnh vực bán dẫn tại Deloitte, cho biết họ muốn chuyển đến một nơi gần hơn để sản xuất và lợi suất đạt hiệu quả cao nhất có thể.

Ông cho rằng Đông Nam Á đang là lựa chọn cho các nhà máy sản xuất chip muốn chuyển sản xuất ra khỏi Trung Quốc.

Đông Nam Á cũng được coi là hấp dẫn hơn so với các cường quốc sản xuất chip như Hàn Quốc và Đài Loan do khu vực này trung lập trong bối cảnh căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc.

"Việt Nam, Ấn Độ và Singapore đang định vị mình là bên thứ ba, là cầu nối trung lập giữa hai gã khổng lồ (Mỹ - Trung)", Sarah Kreps, giám đốc của phòng chính sách công nghệ, Đại học Cornell nói với CNBC.

Việt Nam đang nổi lên như một cơ sở sản xuất cho các nhà sản xuất chất bán dẫn toàn cầu thay thế Trung Quốc. Theo CNBC, đất nước này đã đầu tư hàng tỷ USD để thành lập các trung tâm nghiên cứu và giáo dục, thu hút các nhà sản xuất chip lớn.

Nhà sản xuất chip lớn nhất thế giới Samsung đã cam kết đầu tư thêm 3,3 tỷ USD vào Việt Nam trong năm nay và đặt mục tiêu sản xuất linh kiện chip vào tháng 7/2023.

Theo ông Kuijpers từ KPMG, Ấn Độ cũng đang nổi lên như một cơ sở sản xuất cho các nhà sản xuất chip nhờ nguồn lao động dồi dào và chi phí thấp. Nhưng việc thiếu năng lực sản xuất đang làm giảm sức hấp dẫn của nước này.

Tuy nhiên, bất chấp sức hấp dẫn ngày càng tăng từ các nước châu Á khác, các chuyên gia cho rằng Trung Quốc vẫn duy trì vị trí dẫn đầu về khả năng cạnh tranh trong lĩnh vực sản xuất chip. Trung Quốc hiện là nhà sản xuất chip bán dẫn lớn thứ 3, chiếm khoảng 16% công suất sản xuất chất bán dẫn toàn cầu, lớn hơn cả Mỹ, chỉ sau Hàn Quốc và Đài Loan.

Nhật Linh

Theo CNBC

Chuyên mục: Thời sự

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *