“Thế giới bao la, thiên hạ mở… sao phải chui vào 1 chỗ”

FICA - Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Phùng Quốc Hiển bày tỏ quan điểm về “lối thoát cho nền kinh tế” để không bị lệ thuộc quá lớn vào bất kỳ nước nào, đặc biệt là với Trung Quốc.

Trao đổi về các giải pháp phát triển kinh tế, đặc biệt trước những diễn biến trên Biển Đông hiện nay, bên lề hành lang Quốc hội ngày 24/5, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho biết:

Chúng ta luôn luôn là nền kinh tế độc lập, đừng bao giờ quá tin cái gì đó, thị trường là thế. Hôm nay là bạn hàng, nhưng ngày mai không phải bạn hàng nữa, theo lợi ích thôi. Đó là chuyện bình thường. Trong cơ chế kinh tế bình thường thì chuyện bạn hàng cũng chỉ là vì lợi ích là chính. Chúng ta không nên nghĩ chỉ duy nhất xuất hàng hóa sang Trung Quốc mà có thể tìm thị trường khác.

 

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Phùng Quốc Hiển.
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Phùng Quốc Hiển.

Hiện nay, nhiều mặt hàng chúng ta đã sản xuất được nhưng vẫn tràn ngập hàng Trung Quốc, như quần áo, hoa quả. Một số chuyên gia đề xuất Việt Nam cần có chiến lược, hàng rào kỹ thuật… để ngăn chặn tình trạng này. Ý kiến ông thì sao?

Việt Nam đã tham gia WTO, sắp tới là TPP… nên phải chấp nhận nền kinh tế mở, thương mại tự do, không rào cản nên phải rất hạn chế việc xử lý hành chính, chỉ có thể sử dụng những công cụ như thuế. Nhưng thuế cũng phải theo quy định chung của WTO chứ không phải tự do. Hàng rào kỹ thuật cần thiết nhưng chỉ ở mức độ nhất định, lúc nào cũng tạo hàng rào thì họ cũng làm vậy. Trong khi đó, mình mới vào kinh tế thị trường, cái gì cũng yếu hơn. Chỉ khi mạnh chúng ta mới áp đặt được các hàng rào kỹ thuật.

Trong nền kinh tế thị trường, không phải cái gì cũng làm, cái nào có lợi thế thì làm. Làm tất cả các thứ chưa chắc đã hiệu quả, phải theo phân công lao động xã hội. Bây giờ, phân công lao động xã hội không chỉ trong một nước mà giờ là trên toàn thế giới. Việc tự làm hết là nền kinh tế tự cung, tự cấp… đã qua thời đó rồi. Ngày hôm nay, chặn chỗ này chúng ta đi chỗ khác. Thế giới bao la, thiên hạ mở… sao phải chui vào 1 chỗ.

Vậy theo ông, chính sách kinh tế hiện nay có nên đặt trong trạng thái động không?

Nền kinh tế là phải độc lập, chủ quyền, nhưng phải hội nhập, đan xen, các nước cũng lệ thuộc lẫn nhau. Trong một chuỗi giá trị thì mỗi anh ở một khâu nào đó, khi một anh ảnh hưởng, tất cả đều ảnh hưởng, không thể đứng một mình được. Nhưng chúng ta vẫn phải có chủ quyền độc lập của ta, để nếu khi gặp khó khăn chúng ta vẫn đảm bảo xử lý, hoạt động ổn định. Tất nhiên nếu bế quan toả cảng thì tất cả đều khó khăn.

Thực ra các nước, không riêng gì Trung Quốc, đều có chiến lược của họ, đón đầu, đi tắt… Quan trọng nhất là chúng ta phải có chiến lược của chính mình. Điều đáng tiếc với Việt Nam là liên tiếp gặp phải bài học cũ, mà không rút ra được cái gì mới. Ví dụ như dưa hấu, tại sao bao nhiêu năm cứ đến mùa lại xếp hàng, ứ đọng, mà chẳng có cách gì mới.

Đến thời điểm này, chúng ta cần có những kịch bản như thế nào cho nền kinh tế trước tình hình Biển Đông?

Chúng ta luôn luôn phải có nhiều phương án và đều đã có phương án, không ai ngồi khoanh tay nhìn.

Kinh tế luôn phải gắn với quốc phòng an ninh, chỉ khi chúng ta đảm bảo được chủ quyền quốc gia, đất nước, an ninh quốc phòng thì kinh tế mới phát triển được. Trong điều kiện hiện nay, phải có biện pháp hỗ trợ ngư dân. Đó là những cột mốc chủ quyền sống của chúng ta. Trong bối cảnh hiện nay, có thể có những chính sách rộng hơn, tạo mọi điều kiện cho người dân để họ vừa làm kinh tế trên biển vừa bảo vệ chủ quyền đất nước.

Xin cảm ơn ông!

Đại biểu Trần Văn Minh (đoàn Quảng Ninh): Huy động sức dân vào sản xuất, kinh doanh

Tôi rất hoan nghênh phương án ứng phó của Đảng, Nhà nước, Chính phủ thời qua để bảo vệ chủ quyền biển đảo và ổn định sản xuất, giảm thiểu thiệt hại.

Trước mắt, chúng ta phải củng cố tạo niềm tin cho nhà đầu tư; phải tăng sự độc lập, tự chủ về kinh tế; phải đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế, tăng sức mạnh của khối doanh nghiệp trong nước bằng những chính sách ưu tiên hợp lý, hỗ trợ, tạo cơ chế chính sách cho doanh nghiệp trong nước có cơ hội cạnh tranh lành mạnh. Tạo đầu ra cho khối doanh nghiệp trong nước qua thúc đẩy người Việt dùng hàng Việt và đặc biệt là phải huy động sức dân vì nguồn lực trong dân rất lớn chưa được huy động vào sản xuất kinh doanh.

Đại biểu Lê Hữu Đức (đoàn Khánh Hòa): Tăng cường đẩy mạnh người Việt ưu tiên dùng hàng Việt

Sự việc ở Bình Dương, Hà Tĩnh thời gian qua chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới nguồn đầu tư trực tiếp vào nước ta. Bởi vậy, biện pháp hiện nay là phải tiếp tục trấn an, khôi phục lại lòng tin của nhà đầu tư, rà soát lại thiệt hại và thống nhất phương án khắc phục.

Thời gian qua, tăng trưởng kinh tế bị hạn chế, tốc độ tăng GDP 3 năm gần đây đã chững lại, một phần nguyên nhân do năng suất lao động thấp, tái cơ cấu còn chậm. Đây là vấn đề cần tập trung nghiên cứu trong dài hạn.

Hiện doanh nghiệp trong nước chủ yếu xuất khẩu thô, xuất khẩu của Việt Nam vẫn phải phụ thuộc lớn vào doanh nghiệp FDI. Bởi vậy, trong điều kiện khó khăn hiện nay, chúng ta phải tăng cường đẩy mạnh người Việt ưu tiên dùng hàng Việt để kích thích doanh nghiệp trong nước phát triển, giảm lệ thuộc vào nước ngoài.

Đại biểu Nguyễn Ngọc Hòa (đoàn TPHCM), Chủ tịch HĐQT Saigon Co.op Mart: Giảm lệ thuộc những mặt hàng mà chúng ta có năng lực sản xuất

Nếu làm tốt, đồng bộ công tác quản lý thị trường, ngăn chặn hàng nhái, hàng giả, hàng nhập lậu… sẽ vừa thúc đẩy sản xuất trong nước và giảm sự lệ thuộc đối với những mặt hàng mà chúng ta có năng lực sản xuất.

Chúng ta để hàng Trung Quốc nhập tràn lan như hiện nay thì không có nhà sản xuất nào đầu tư nghiên cứu để cải tiến mẫu mã, sản xuất sản phẩm. Hệ quả là chúng ta sẽ bị lệ thuộc suốt. Việc nhập khẩu sẽ phải có chọn lọc về tiêu chuẩn kỹ thuật, mẫu mã, an toàn, vệ sinh…

Hiện tại, doanh nghiệp Việt Nam hoàn toàn sản xuất được rất nhiều mặt hàng, ví dụ như bánh kẹo, thực phẩm chế biến, các loại trái cây. Hiện chúng tôi hoàn toàn không bán các loại trái cây không có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng và đặc biệt không kinh doanh trái cây của Trung Quốc. Vì vừa qua trái cây và hàng nông sản của Trung Quốc nhập khẩu qua đường biên mậu hoàn toàn không bảo đảm điều kiện vệ sinh thực phẩm.

 

Nguyễn Hiền

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *