Xuất siêu 1 tỷ USD quý I "dựa hơi" doanh nghiệp ngoại

FICA - Ba tháng đầu năm, trong khi khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt thành tích xuất siêu 3,9 tỷ USD thì khu vực kinh tế trong nước lại nhập siêu tới 2,9 tỷ USD.

 

Mặt hàng điện thoại và linh kiện đang ngày càng đóng vai trò quan trọng trong cán cân thương mại của Việt Nam,

Tổng cục Thống kê ngày hôm nay (28/3) cho biết, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu trong tháng ước tính đạt 12 tỷ USD, tăng 25,8% so với tháng trước và tăng 14,6% so với cùng kỳ năm trước.

Tính chung 3 tháng đầu năm, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu ước tính đạt 33,3 tỷ USD, tăng 14,1% so với cùng kỳ năm trước (nếu loại trừ yếu tố giá, tăng 13,2%). Đáng chú ý, nếu như khu vực kinh tế trong nước chỉ xuất được 10,9 tỷ USD, tăng 9,8% thì khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất được gấp đôi, đạt 22,4 tỷ USD, tăng 16,3%.

Tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài chiếm 67,4% tổng kim ngạch xuất khẩu và đóng góp 10,8 điểm phần trăm vào mức tăng chung, khu vực trong nước chiếm 32,6% và đóng góp 3,3 điểm phần trăm.

Nhờ có hoạt động của Samsung, điện thoại các loại và linh kiện đã trở thành một trong những mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam. Xuất khẩu mặt hàng này trong quý I đạt 5,4 tỷ USD, tăng 22,7% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, xuất khẩu giày dép đạt 2,2 tỷ USD tăng 25,9%; thủy sản đạt 1,6 tỷ USD, tăng 35,3%.

Ở chiều ngược lại, một số mặt hàng xuất khẩu giảm so với cùng kỳ là: Điện tử, máy tính và linh kiện đạt 2,2 tỷ USD, giảm 5,5%; dầu thô đạt 1,7 tỷ USD, giảm 8,3%; gạo đạt 626 triệu USD, giảm 8,9%.

Trong quý I năm nay, Hoa Kỳ là thị trường lớn nhất với kim ngạch ước đạt 5,9 tỷ USD, tăng 22,9% so với cùng kỳ 2013. Tiếp theo là thị trường EU đạt 5,9 tỷ USD, tăng 7,5%; ASEAN đạt 4,7 tỷ USD, tăng 6,4%; Trung Quốc 3,8 tỷ USD, tăng 30,2%; Nhật Bản 3,6 tỷ USD, tăng 17,8%; Hàn Quốc 1,5 tỷ USD, giảm 8,9%.

Tháng 3 nhập siêu, 3 tháng xuất siêu


Số liệu của Tổng cục Thống kê cũng cho thấy, kim ngạch hàng hóa nhập khẩu tháng Ba ước tính đạt 12,3 tỷ USD, tăng 21,9% so với tháng trước và tăng 12,2% so với cùng kỳ năm trước đã đưa kim ngạch hàng hóa nhập khẩu quý I lên 32,3 tỷ USD, tăng 12,4% so với cùng kỳ năm trước (nếu loại trừ yếu tố giá, tăng 15,5%).

Nhập khẩu của khu vực kinh tế trong nước đạt 13,8 tỷ USD, chiếm 42,6% tổng kim ngạch hàng hóa nhập khẩu và tăng 9,7%, đóng góp 4,2 điểm phần trăm trong mức tăng chung; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 18,5 tỷ USD, chiếm 57,4%, tăng 14,6% và đóng góp 8,2 điểm phần trăm trong mức tăng chung.

Kim ngạch nhập khẩu quý I năm nay tăng do đóng góp của một số mặt hàng thuộc nhóm hàng phục vụ gia công lắp ráp hàng xuất khẩu và nhóm hàng nguyên nhiên liệu dùng cho sản xuất như máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác đạt 4,9 tỷ USD, tăng 28,7% so với cùng kỳ năm trước.

Trong quý đầu tiên, Việt Nam đã chi tới 2,1 tỷ USD để nhập điện thoại các loại và linh kiện, tăng 23,9%; trong khi đó, nhập khẩu xăng dầu 2 tỷ USD, tăng 21,6%; nhập khẩu ô tô nguyên chiếc 180 triệu USD, tăng 32,2%.

Việt Nam nhập khẩu từ Trung Quốc mạnh nhất, kim ngạch nhập khẩu quý I ở mức 8,3 tỷ USD, tăng 11,8% so với cùng kỳ năm 2013. Tiếp đến là Hàn Quốc đạt 5,7 tỷ USD, tăng 21,5%; ASEAN đạt 5,1 tỷ USD, tăng 2,1%; Nhật Bản đạt 2,9 tỷ USD, tăng 12,1%; EU đạt 2,1 tỷ USD, tăng 0,8%; Hoa Kỳ đạt 1,5 tỷ USD, tăng 17,8%.

Như vậy, với việc hai tháng đầu năm xuất siêu 1,3 tỷ USD, tháng Ba nhập siêu 300 triệu USD nên tính chung 3 tháng đầu năm, xuất siêu 1 tỷ USD, bằng 3% tổng kim ngạch hàng hóa xuất khẩu.

Trong tổng xuất siêu 3 tháng, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài xuất siêu 3,9 tỷ USD; khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 2,9 tỷ USD. Điều này cho thấy, xuất siêu vẫn thuộc về khu vực có vốn đầu tư nước ngoài với các mặt hàng gia công, lắp ráp luôn chiếm ưu thế như: điện thoại các loại và linh kiện, điện tử, máy tính và linh kiện, hàng dệt may… và dự báo đây vẫn là xu hướng của hoạt động xuất, nhập khẩu trong năm 2014.

Mới đây, tờ Wall Street Journal dẫn lời bà Devika Mehndiratta, chuyên gia kinh tế đến từ ngân hàng ANZ cho rằng, “Việt Nam đang gặp thời đối với phân khúc đồ điện tử. Trong 5, 6 năm qua, nền công nghiệp này đã đi từ con số 0 phát triển lên mạnh mẽ”.

Bích Diệp

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *