Xuất khẩu tiểu ngạch: Chưa thể bỏ?

Phương thức xuất khẩu qua đường tiểu ngạch đang tiềm ẩn nhiều rủi ro song theo đánh giá của Bộ Công Thương, thương mại biên giới vẫn là thành phần tất yếu trong giao dịch, giao thương giữa Việt Nam - Trung Quốc.

Trung Quốc vẫn là thị trường xuất khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam. Ảnh: P.Thu
 

Ùn ứ do xuất tiểu ngạch

Tiếp theo mặt hàng dưa hấu, đến lượt mặt hàng gạo ùn ứ tại cửa khẩu Lào Cai. Chia sẻ về tình trạng ùn tắc mặt hàng gạo tại cửa khẩu Lào Cai, ông Lê Biên Cương, Phó Vụ trưởng Vụ Thương mại biên giới và Miền núi (Bộ Công Thương) cho biết, hiện nay, các sản phẩm của Việt Nam xuất khẩu qua đường tiểu ngạch sang Trung Quốc không tránh khỏi những rủi ro.

Cụ thể, nếu xuất khẩu qua cửa khẩu chính thì thuế suất của mặt hàng gạo là 17%, ngoài ra còn bị kiểm soát chặt chẽ từ tiêu chuẩn, chất lượng, vệ sinh chính. Vì vậy, các doanh nghiệp Việt Nam đã xuất khẩu qua đường tiểu ngạch với các chính sách biên mậu, đã dẫn đến tình trạng hàng hóa xuất khẩu qua cửa khẩu chính không có, xuất qua cửa phụ lại bị ùn ứ.

Có cái nhìn tổng quát hơn, ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho rằng, hiện xuất khẩu nông sản của Việt Nam về cơ bản vẫn được tiến hành thông qua con đường chính ngạch với số lượng hợp đồng lớn, giao hàng qua đường biển chiếm 2/3 sản lượng xuất khẩu, chỉ có 1/3 hàng hóa nông sản xuất khẩu qua đường tiểu ngạch.

Dù chỉ 1/3 lượng hàng hóa được xuất qua đường tiểu ngạch nhưng phương thức này lại tiềm ẩn nhiều rủi ro từ việc thay đổi chính sách trong kiểm dịch, tiêu thụ… không được thông báo trước, hoặc do năng lực giao nhận, hạ tầng tại những lối mở không phát triển kịp làm giảm năng lực thông quan dẫn đến ùn tắc.

Hiện tại, tình trạng ùn tắc xuất khẩu gạo đã cơ bản được giải quyết, chỉ còn vài chục xe nên tình trạng ùn ứ không còn ở mức căng thẳng. Bộ Công Thương đã có những chỉ đạo bằng văn bản đến với địa phương, Hiệp hội lương thực Việt Nam, các doanh nghiệp đầu mối xuất khẩu gạo trong việc thống nhất để thông quan toàn bộ số gạo trước khi xem xét những đơn hàng xuất khẩu gạo tiếp theo.

Cần có biện pháp mang tính chiến lược

Trước những rủi ro và khó kiểm soát của xuất khẩu tiểu ngạch, một số ý kiến cho rằng, nên xem xét lại chính sách xuất nhập khẩu tiểu ngạch bằng việc hạn chế dần, tiến tới xoá bỏ hoàn toàn cơ chế tiểu ngạch.

Tuy nhiên, theo đánh giá của Bộ Công Thương, do đặc thù của Việt Nam và Trung Quốc là hai nước có chung đường biên giới, hoạt động thương mại qua biên giới sẽ là thành phần tất yếu trong giao dịch, giao thương giữa hai nước.

“Trong quan hệ giao thương giữa Việt Nam và Trung Quốc, việc tận dụng lợi thế của thương mại biên giới vẫn là điều chúng ta nên làm. Trong quá trình giao thương cũng nảy sinh những vấn đề bất cập, nhưng qua những lần như vậy, Bộ Công Thương cũng như các địa phương cũng đã rút ra các bài học để triển khai tốt hơn trong thời gian tới” ông Hải đánh giá.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết, thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tích cực rút kinh nghiệm và tổ chức các hội nghị sơ kết với Bộ NN&PTNT để làm việc với các địa phương, tiến hành tổ chức thực hiện xuất khẩu nông sản qua biên giới từ nay đến cuối năm và trong các năm tiếp theo.

Về lâu dài, Chính phủ cần có biện pháp mang tính chiến lược, bắt buộc thực hiện cơ cấu lại nông nghiệp để gắn kết giữa khâu tiêu thụ, lưu thông và xuất khẩu với khâu sản xuất của người nông dân.

Theo Phan Thu
Chuyên mục: Vĩ Mô

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *