Xử lý 46 người đứng đầu vì để xảy ra tham nhũng

FICA - Năm 2014 đã có 46 người đứng đầu bị xử lý vì để xảy ra hành vi tham nhũng, trong đó 1 người bị xử lý hình sự, 35 người bị xử lý kỷ luật hành chính và 10 người đang xem xét hình thức xử lý kỷ luật.

Theo báo cáo tổng kết công tác năm 2014 của Thanh tra Chính phủ, toàn ngành đã triển khai 7.072 cuộc thanh tra hành chính và 233.811 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành; phát hiện nhiều vi phạm về kinh tế, đã kiến nghị thu hồi về ngân sách nhà nước 51.583 tỷ đồng, 1.682,6 ha đất; xuất toán, loại khỏi giá trị quyết toán và đề nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý 13.777 tỷ đồng, 1.355,9 ha đất. Ngoài ra, xử phạt vi phạm hành chính với số tiền trên 3.280  tỷ đồng, kiến nghị xử lý kỷ luật hành chính đối với 2.073 tập thể, 15.449 cá nhân; chuyển cơ quan điều tra xử lý 55 vụ việc.

 

Thanh tra Chính phủ cho biết trong năm 2014 các cơ quan chức năng đã xử lý 46 người đứng đầu thiếu trách nhiệm để xảy ra hành vi tham nhũng, trong đó 1 người đã bị xử lý hình sự, 35 người bị xử lý kỷ luật hành chính (bằng các hình thức như cảnh cáo, khiển trách) và 10 người đang xem xét hình thức xử lý kỷ luật. Cụ thể, Lạng Sơn có 3 người, Điện Biên 1 người, Yên Bái 1 người, Phú Yên 2 người, Quảng Nam 6 người, Quảng Ngãi 2 người, Quảng Trị 3 người,  Bình Định 2 người, Bình  Thuận 7 người, Cần Thơ 2 người, Đồng Nai 1 người, Hậu Giang 6 người, Tiền Giang 2 người, Bộ Tư Pháp 4 người và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam 4 người. Qua công tác thanh tra, kiểm tra và giải quyết khiếu nại, tố cáo đã phát hiện 93 vụ, 108 người có hành vi liên quan đến tham nhũng.

 

Xử lý 46 người đứng đầu vì để xảy ra tham nhũng
Theo Thanh tra Chính phủ, năm 2014 chỉ có 1 người đứng đầu bị xử lý hình sự vì để xảy ra tham nhũng (Ảnh minh họa).

 

Tổng hợp kết quả minh bạch tài sản, thu nhập năm 2013 cho thấy có hơn 944.000 người kê khai tài sản, thu nhập (đạt 99,2%, tăng 0,7% so với năm 2012). Trong đó đã công khai hơn 914.000 bản kê khai tài sản.

 

Qua xác minh tài sản, thu nhập, cơ quan chức năng đã xử lý kỷ luật 1 người bằng hình thức cảnh cáo do kê khai không trung thực, 6 người do vi phạm thời hạn (chậm tổ chức việc kê khai và chậm kê khai). Trong số này có phó Giám đốc Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất huyện Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng (do chậm kê khai), 4 người tại Tổng công ty Vận tải thủy, Bộ Giao thông vận tải do chậm kê khai và chậm tổ chức việc kê khai tài sản, thu nhập (Dân trí đã phản ánh), Chủ tịch Hội Y học cổ truyền tỉnh Hà Tĩnh bị phê bình vì chậm tổ chức việc kê khai tài sản, thu nhập.

 

Thanh tra Chính phủ cũng thừa nhận trong năm 2014 ngành thanh tra còn nhiều hạn chế, tồn tại, như: Một số đơn vị xây dựng kế hoạch chưa sát với tình hình thực tế, số cuộc thanh tra đột xuất còn chiếm tỷ lệ khá cao, chất lượng một số kết luận thanh tra còn thấp; không ít cuộc thanh tra còn chậm kết luận do thời gian xây dựng báo cáo và kết luận thanh tra kéo dài; quyết định xử lý về thanh tra ở một số đơn vị chưa được quan tâm đúng mức nên tỷ lệ thu hồi tài sản, đất đai chưa đạt chỉ tiêu phấn đấu.

 

Bên cạnh đó, thủ trưởng một số địa phương, bộ, ngành chưa thực hiện nghiêm túc việc tiếp công dân theo quy định; hiện tượng chồng chéo, sai sót trong công tác xử lý đơn thư vẫn còn; nhiều vụ việc giải quyết chưa đảm bảo quy trình, quy định; việc giải quyết một số vụ việc khiếu nại, tố cáo tồn đọng, phức tạp, kéo dài còn chậm.

Thế Kha

Chuyên mục: Vĩ Mô

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *