Việt Nam yếu vì nền kinh tế gia công toàn diện!

Đã có nhiều chứng minh cho rằng nền kinh tế của VN ta là nền kinh tế gia công toàn diện.

FDI: Tất cả mục tiêu đều không đạt

 

Chuyên gia kinh tế Bùi Trinh cho biết, đã có nhiều chứng minh cho rằng nền kinh tế của VN ta là nền kinh tế gia công toàn diện. Khu vực FDI hay khu vực trong nước cũng đều là gia công.

Theo nghiên cứu của nhóm Fulbright nhận định, chỉ có khu vực FDI là hoạt động tốt do không bị ảnh hưởng nhiều bởi thể chế trong nước và còn được ưu đãi đủ thứ.

Tất cả khu vực FDI hay khu vực trong nước cũng đều là gia công
Tất cả khu vực FDI hay khu vực trong nước cũng đều là gia công

 

Ngược lại phía VN được gì? Thực chất VN kỳ vọng vào luồng tiền và chuyển giao công nghệ, kỹ năng quản lý, thu hút lao động... tất cả các mục tiêu này đều không đạt được.

 

TS Đỗ Thiên Anh Tuấn - giảng viên Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright chỉ rõ, các doanh nghiệp FDI cũng như các doanh nghiệp nội không thấy được lợi ích từ việc chuyển giao công nghệ mặc dù một trong những mục tiêu thu hút FDI mà Việt Nam đã đặt ra chính là mong muốn nhận được những công nghệ tiên tiến hơn.

Lý giải nguyên nhân khiến việc chuyển giao công nghệ giữa các doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp nội đã không diễn ra như kỳ vọng về cả số lượng lẫn chất lượng, TS Anh Tuấn cho rằng: "chính sách và môi trường thu hút FDI của chúng ta không được thiết kế để khuyến khích và thúc đẩy các hoạt động chuyển giao công nghệ".

 

Để thu hút được dòng vốn nước ngoài, chúng ta đưa ra rất nhiều biệt đãi chẳng hạn như ưu đãi thuế hay chính sách thuê đất nhưng không kèm theo những ràng buộc. Do không có ràng buộc phù hợp nên nhiều doanh nghiệp FDI đến Việt Nam chỉ để tận dụng các biệt đãi này mà hầu như không phải thực hiện cam kết nào, và một khi các ưu đãi này không còn họ sẽ tìm kiếm các ưu đãi khác hoặc rút đi khi môi trường không còn thuận lợi so với các nước khác.

 

Việc chuyển giao công nghệ xét cho cùng cũng xuất phát từ vấn đề lợi ích và chi phí. Khi các doanh nghiệp FDI không nhìn thấy các lợi ích ròng có tính chất dài hạn rõ ràng từ việc chuyển giao công nghệ thì họ không có động cơ gì để phải chia sẻ hiểu biết và chuyển giao công nghệ. Trong trường hợp này, các quy định có tính chất gây áp lực buộc chuyển giao công nghệ mang tính hành chính sẽ không thể giải quyết được vấn đề.

 

Chúng ta không nên trông chờ các doanh nghiệp FDI sẽ chuyển giao công nghệ cho chúng ta, càng không nên hy vọng đó là công nghệ hiện đại. Không ai sẵn lòng chia sẻ cái tốt nhất, bí kíp công nghệ mà họ có cho người khác trừ khi nó giúp tối đa hóa lợi nhuận cho họ.

 

Phân tích thêm, chuyên gia Bùi Trinh cho biết, về luồng tiền, thì chi trả sở hữu thuần (net, property income) ngày càng nhiều, chi trả sở hữu thuần năm 2012 so với 2000 tăng 26 lần (tất nhiên có một phần trả lãi), thuế má cũng không thu được nhiều do chuyển giá.

 

Theo một số tính toán thì chỉ tiêu năng suất nhân tố tổng hợp của khu vực này thậm chí âm. Bản chất của khu vực này là làm gia công, nên phần giá trị tăng thêm thu được cũng cơ bản là sức lao động rẻ mạt mà điển hình là công nhân các khu công nghiệp Bình Dương, Đồng Nai, Hà Tĩnh.

 

Như vậy cả kinh tế trong nước và FDI đều là gia công cả, một câu hỏi đặt ra thế tại sao lại ưu ái FDI so với các doanh nghiệp nội nhiều như thế?

 

Không nên nhìn GDP là một thành tích

 

Chuyên gia Bùi Trinh phân tích, cái mà một số người có ý kiến về vấn đề này là đỏi hỏi một sân chơi bằng phẳng giữa các khu vực sở hữu (nhà nước, dân doanh và FDI) chứ không phải ghét bỏ gì FDI.

 

FDI tăng trưởng có thể làm tăng GDP nhưng GDP là một chỉ tiêu rất hời hợt! Cái cuối cùng mà một Quốc gia thực sự có là Tổng thu nhập Quốc gia (GNI), Thu nhập Quốc gia khả dụng (NDI) và để dành thuần (saving).

Khi FDI có lợi nhuận phần nó chuyển về nước sẽ làm giảm Thu nhập Quốc gia và để dành thuần. Các nhà hoạch định chính sách cần nhìn vào thực chất của nền kinh tế không nên nhìn vào chỉ tiêu ít ý nghĩa và phù phiếm như GDP để đánh giá thành tích.

 

Khi có sự cố giữa VN và một nước nào đó VN sẽ ảnh hưởng ở các yếu tố (1) lượng FDI của nước đó (2) xuất khẩu của nước đó, xuất khẩu giảm sẽ kéo theo đầu ra giảm (output) giảm và từ đó kéo theo thu nhập (income) giảm (3) nhập khẩu nguyên vật liệu cho sản xuất.

Ông Trinh cho rằng, thách thức này cũng là dịp nhìn lại nền kinh tế một cách nghiêm túc để tái cơ cấu về cấu trúc chi phí (input structure change) và cấu trúc về sở hữu.

 

Đi vào cụ thể với Trung Quốc, theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH&ĐT), dòng vốn FDI từ Trung Quốc vào Việt Nam đã tăng mạnh trong lĩnh vực BĐS, gấp 7 lần so với 2012.

 

Giữa lúc BĐS đang thua lỗ nặng, các đại gia phải chuyển vốn sang cả nông sản để cố sống sót, hiện tượng dòng vốn FDI Trung Quốc lại tăng vốn vào đúng lĩnh vực này.

 

Chuyên gia Bùi Kiến Thành phân tích: "Vấn đề thứ nhất là tình hình bất động sản đóng băng, đại gia kẹt tiền, ngân hàng cũng kẹt vào nợ xấu, có thể bán tháo một số dự án, tài sản bất động sản, ai có tiền, người ta vào người ta mua. Trung Quốc có rất nhiều tiền, họ tìm thấy cơ hội mua bất động sản với giá bèo.

 

Nhưng vấn đề khác cần phải xem xét là Trung Quốc có ý gì khác ngoài kinh tế hay không? Ở khu vực miền núi phía Bắc, người Trung Quốc qua thuê mấy trăm nghìn hecta đất làm kinh tế.

 

Ở nhiều nơi, Trung Quốc đã thuê đất ở các địa phương với thời hạn lên đến 70 năm, rồi xây tường bảo vệ dài đến 15-17 km.

 

Hiện nay Trung Quốc có hơn 4.000 tỷ USD dự trữ ngoại hối, Trung Quốc có thể bỏ ra 500-1.000 tỷ USD đầu tư vào Việt Nam thuê đất của Việt Nam từ 50-70 năm… rồi sau đó sẽ tính!

 

Vì vậy, cần phải suy nghĩ và dè chừng việc Trung Quốc đầu tư về kinh tế, bằng số tiền mà họ có trong tay, không nên quá háo hức trải thảm đỏ kêu gọi và rước FDI từ Trung Quốc".

 

Theo Hiếu Lam

Đất Việt

Chuyên mục: Vĩ Mô

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *