Việt Nam lần đầu xuất siêu sang khu vực Nam Á

FICA - Chênh lệch thương mại giữa Việt Nam và khu vực Nam Á đã từng bước được thu hẹp và đến năm 2014, Việt Nam trở thành nước xuất siêu sang toàn khu vực với tổng kim ngạch xuất khẩu lên tới trên 3,6 tỷ USD, tăng gần 6 lần so với năm 2009.

Xuất khẩu của Việt Nam sang Ấn Độ ngày càng tăng mạnh

Theo nhận định của Vụ Thị trường châu Phi, Tây Á, Nam Á (Bộ Công Thương), với dân số trên 1,6 tỷ người với nhiều phân khúc thị trường khác nhau, Nam Á được xem như một khu vực thị trường tiêu thụ tiềm năng và rộng lớn.

Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, năm 2014, kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam sang các nước khu vực Nam Á (Ấn Độ, Pakistan, Nepal, Bangladesh, SriLanka, Maldives, Afghanistan) đạt 7,02 tỷ USD, tăng 12,62% so với năm 2013.

Trong mối quan hệ ngoại thương với Nam Á, từ năm 2009-2013, Việt Nam luôn ở thế xuất siêu đối với các nước trong khu vực, ngoại trừ Ấn Độ - thị trường lớn nhất của Việt Nam tại khu vực này. Mức nhập siêu trung bình của Việt Nam từ Ấn Độ trong giai đoạn này vào khoảng 700 triệu USD/năm. Điều này khiến cho Việt Nam trở thành nước nhập siêu với toàn khu vực Nam Á.

Tuy nhiên, chênh lệch thương mại giữa Việt Nam và khu vực Nam Á đã từng bước được thu hẹp và đến năm 2014, Việt Nam trở thành nước xuất siêu sang toàn khu vực với tổng kim ngạch xuất khẩu lên tới trên 3,6 tỷ USD, tăng gần 6 lần so với năm 2009. Điều này có được là do kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Ấn Độ tăng đáng kể, đặc biệt là kể từ khi Hiệp định Thương mại tự do FTA ASEAN - Ấn Độ có hiệu lực năm 2010.

Doanh nghiệp Việt Nam và Ấn Độ đã tận dụng được những ưu đãi về thuế trong lộ trình cam kết của Việt Nam và Ấn Độ, tích cực đẩy mạnh việc trao đổi thương mại hàng hóa giữa hai nước.

Trong số các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam sang thị trường Nam Á, các mặt hàng có giá trị gia tăng cao như điện thoại di động và linh kiện, máy móc thiết bị và dụng cụ phụ tùng, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện… là những sản phẩm có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất với mức tăng trưởng tốt. Ngoài ra, do nhu cầu đẩy mạnh xây dựng cơ sở hạ tầng tại các nước như Bangladesh, Sri Lanka… nên kim ngạch xuất khẩu clanhke, vật liệu xây dựng… sang thị trường Nam Á cũng tăng trưởng đột biến trong năm 2013, 2014.

Đáng chú ý trong năm 2014, xuất khẩu mặt hàng hạt tiêu của Việt Nam tăng trưởng mạnh, đạt kim ngạch 117,51 triệu USD, tăng 85,82% so với năm 2013 (trong đó, xuất khẩu sang Ấn Độ đạt 77,42 triệu USD, chiếm 65,88% và sang Pakistan đạt 34,12 triệu USD, chiếm 29,04%). Với chất lượng tốt, giá thành cạnh tranh, mặt hàng tiêu Việt Nam đã có được được vị trí của mình tại thị trường khu vực.

Về nhập khẩu các sản phẩm chính Việt Nam mua từ các nước Nam Á năm 2014 bao gồm: hàng hải sản, tân dược, máy móc thiết bị, dụng cụ và phụ tùng, bông các loại, ngô hạt, sắt thép các loại, nguyên phụ liệu dệt may, da và giày…

Kim ngạch nhập khẩu hàng hải sản của Việt Nam từ khu vực Nam Á năm 2014 đạt 362,86 triệu USD, tăng gấp 2 lần so với năm 2013 do nhu cầu xuất khẩu của Việt Nam tăng cao, trong khi nguồn cung nguyên liệu trong nước không đáp ứng đủ nhu cầu.

Nhập khẩu nguyên phụ liệu dệt may cũng tăng mạnh do nhu cầu sản xuất hàng dệt may của Việt Nam tăng cao. Ấn Độ, Bangladesh là các quốc gia Nam Á có ngành dệt may phát triển mạnh với lợi thế nguồn nguyên liệu dồi dào và giá cả cạnh tranh, tham gia sâu và có hiệu quả vào chuỗi giá trị toàn cầu. Trong khi đó Việt Nam có nhu cầu đa dạng hóa nguồn nguyên liệu và hiện đại hóa ngành dệt may.

Trong chuyến thăm Ấn Độ hồi tháng 10/2014 của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Chính phủ Ấn Độ đã cam kết dành cho Việt Nam gói tín dụng 300 triệu USD để thúc đẩy thương mại và hợp tác dệt may giữa hai nước. Gói tín dụng này sau khi được triển khai sẽ là cơ hội tốt cho doanh nghiệp Việt Nam tận dụng những ưu đãi từ phía Ấn Độ để mở rộng đầu tư, nâng cao khả năng sản xuất và cung ứng các mặt hàng của mình ra thị trường.

Thanh Nga

Chuyên mục: Vĩ Mô

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *