Việt Nam là điểm đến của dòng vốn nước ngoài

Việt Nam đã đi qua một con đường gập ghềnh trong những năm qua, nhưng chứng khoán đã quay trở lại tăng trưởng mạnh trong tháng 3/2014.

Đây là phát biểu của ông  Don Lam, Tổng giám đốc VinaCapital, tại Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2014 (VIF 2014) chiều ngày 19/6.

Có thể, với các nhà đầu tư Mỹ vẫn còn đó những băn khoan về tình hình căng thẳng Biển Đông hiện nay, nhưng với các nhà đầu tư châu Á vẫn tin rằng, đó chỉ là khó khăn trong ngắn hạn và niềm tin của họ vào Việt Nam vẫn rất lớn.

Ông  Don Lam, Tổng giám đốc VinaCapital

Ông Don Lam, Tổng giám đốc VinaCapital

Thực tế cũng cho thấy, trước những căng thẳng của Biển Đông vừa qua, các nhà đầu tư trong nước đã bán ra, nhưng ngược lại nhà đầu tư nước ngoài vẫn mua ròng.

Tuy nhiên, tình hình này đã sớm qua đi và thị trường chứng khoán đã sớm ổn định trở lại. Qua đó, có thể thấy, với các nhà đầu tư nước ngoài vẫn luôn tin tưởng vào sự tăng trưởng của tình hình kinh tế Việt Nam.

Mặt khác, với những cam kết của Chính phủ Việt Nam đối với các nhà đầu tư nước ngoài (FDI) nên chính là điểm đến tin cậy của các doanh nghiệp FDI trong số các nước ASEAN.

Cũng theo đánh giá của ông Don Lam, giá trị thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn rất thấp so với các quốc gia ASEAN khác khoảng 24%. Chỉ số P/E tiếp tục tăng lên do ngoại hối tăng trưởng mạnh. Đồng thời, sự hồi phục của thị trường bất động sản đang từng bước kích cầu được tín dụng của ngân hàng vào lĩnh vực này. Từ đó, có thể thúc đẩy tăng trưởng của các lĩnh vực, ngành nghề khác và tác động tích cực đến tăng trưởng kinh tế (GDP).

 

Năm 2014, kỳ vọng GDP tăng trưởng 5,5%, lạm phát kiểm soát ở mức kỳ vọng 6%. Đây chính là những yếu tố cơ bản để thúc đẩy tăng trưởng của các kênh đầu tư. Trong đó, với chứng khoán, VN - Index được kỳ vọng sẽ đạt 640 điểm, tăng 10% so với tháng 2/2014 và 27% so với tháng 12/2013. Tuy nhiên, điều khiến các nhà đầu tư nước ngoài lo ngại nhất hiện nay, theo ông Don Lam, đó chính là tái cấu trúc ngành ngân hàng và xử lý nợ xấu. Vì nợ xấu vẫn là gánh nặng lớn, do đó cần thiết để mở cửa cho nhà đầu tư nước ngoài mua nợ.

 

Trong nhóm các cổ phiếu thuộc các ngành nghề hiện nay thì cổ phiếu thuộc lĩnh vưc tiêu dùng, thực phẩm vẫn được xem là tiềm năng nhất trong bất cứ bối cảnh nào. Bởi đó chính là nhu yếu phẩm của người tiêu dùng nên không thể thiếu nhu cầu thực phẩm. Ngoài ra, với các doanh nghiệp nhà nước đang chuẩn bị cổ phần hóa cũng là những loại hàng hóa đang được quan tâm.

 

Nhưng liệu đầu tư trong giai đoạn này đã phù hợp, nhất là trước tình hình lãi suất ngân hàng đang dần được điều chỉnh. Ông Don Lam cho rằng, nếu là người tiêu dùng đang có nhu cầu mua nhà chắc chắn sẽ nghĩ đến việc mua nhà trong lúc này hay vẫn tiếp tục gửi tiền vào ngân hàng để hưởng mức lãi suất 6%/năm hiện nay.

 

TS. Vũ Bằng, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cũng cho rằng, việc mở room đối với doanh nghiệp nói chung và khối ngân hàng nói riêng sẽ là động lực thúc đẩy khối ngoại rót vốn vào Việt Nam. Đồng thời, đẩy mạnh tiến trình cổ phần hóa để đa dạng và nâng cao chất lượng hàng hóa cho thị trường chứng khoán.

 

Đồng thời, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước sẽ xây dựng cơ chế thu hút nhà đầu tư nước ngoài, khuyến khích đầu tư dài hạn theo đó cần khuyến khích tổ chức đầu tư nước ngoài đầu tư dài hạn vào Việt Nam phù hợp với khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế thông qua chính sách tài chính ưu đãi và đơn giản hóa thủ tục đăng ký đầu tư; tăng cường quản lý, giám sát, tăng cường tính công khai, minh bạch chế độ báo cáo, thống kê các hoạt động lưu chuyển vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài tại Việt Nam. Rà soát, phân loại để nâng tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt đối với các lĩnh vực ngành nghề mà nhà nước không cần nắm cổ phần chi phối.

 

Nhưng trước mắt, thực hiện việc nâng tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại các tổ chức kinh doanh chứng khoán theo lộ trình cam kết WTO, trong đó đặc biệt khuyến khích các tổ chức tài chính lớn có uy tín, chuyên nghiệp tham gia sở hữu các tổ chức kinh doanh chứng khoán trong nước. Hoàn thiện khung pháp lý, nâng cao năng lực quản lý, giám sát; đồng thời tiến hành tổng kết đánh giá tình hình triển khai hệ thống văn bản luật về chứng khoán.

 

Xây dựng và phát triển thị trường chứng khoán phái sinh được chuẩn hóa theo hướng phát triển với các công cụ từ đơn giản đến phức tạp, trước mắt sẽ triển khai áp dụng chứng khoán phái sinh trên cơ sở chỉ số chứng khoán và trái phiếu.

 

Còn về dài hạn cần thống nhất hoạt động thị trường phái sinh có công cụ gốc là chứng khoán, hàng hóa, tiền tệ. Nghiên cứu triển khai các sản phẩm khác như ETF, Covered Warrants, NVDR, một vài sản phẩm hedging đối với trái phiếu...

 

Xây dựng bộ chỉ số chung cho toàn thị trường chứng khoán, xây dựng tiêu chí thống nhất tại 2 Sở Giao dịch chứng khoán để phân loại cổ phiếu vào các nhóm ngành theo thông lệ quốc tế, xây dựng bộ chỉ số trái phiếu…

 

Có thể khẳng định, với quá trình tái cấu trúc thị trường chứng khoán, khuyến khích nhà đầu tư nước ngoài vào thị trường chứng khoán kỳ vọng chứng khoán sẽ có nhiều cơ hội tăng trưởng.

 

 

Theo Thùy Vinh

Đầu tư

Chuyên mục: Vĩ Mô

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *