Vì sao giá hàng hóa tết luôn tăng?

Hàng hóa chuẩn bị cho dịp Tết Nguyên đán có thể nói không năm nào thiếu, tuy nhiên càng sát tết thì giá cả các loại lại đồng loạt tăng...

Đi tìm lời giải cho nghịch lý này, Dân Việt đã có cuộc trao đổi với các chuyên gia kinh tế, cơ quan chức năng và chính cả người buôn bán, tiêu dùng.
 

Ông Vũ Vinh Phú- Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội:Vấn đề nằm ở khâu điều hành

 

Nguyên nhân khiến thực phẩm tăng giá dịp tết là do người tiêu dùng có tâm lý tích trữ hàng hóa, lo sợ nguồn hàng sẽ không đủ cung ứng cho thị trường. Nhiều người đổ xô đi mua hàng về để dành cho những ngày tết sắp đến, chính điều này đã khiến cho hàng hóa trên thị trường được tiêu thụ quá nhanh trong một thời gian ngắn. Từ đó, giá cả các loại sản phẩm dần được đẩy lên theo.

 

Nhiều chuyên gia cho rằng phải phải mở rộng khâu phân phối và đảm bảo chất lượng hàng hóa thì giá cả thị trường sẽ ổn định (ảnh minh họa, chụp tại chợ Đồng Xuân, Hà Nội).   Ảnh: Đàm Duy
 

Hiện với nhiều mặt hàng Nhà nước còn định giá, quản giá mà chúng ta cũng đã khó quản lý giá cả. Các chiêu lách luật tăng giá, rút ruột hàng hóa, giảm chất lượng hàng hóa để phù phép vẫn đang diễn ra hàng ngày. Với hàng hóa tết thì càng khó bắt buộc họ không được tăng giá khi sức mua chỉ tập trung có một lúc.

 

Tôi cho rằng, giá cả hàng hóa thực tế được quyết định bởi vấn đề cung-cầu, tổ chức thị trường, cạnh tranh lành mạnh. Nhà nước phải điều hành bằng cách không ngăn sông cấm chợ, không độc quyền; mở rộng liên kết sản xuất, phân phối, đảm bảo chất lượng hàng hóa… còn giá cả lúc đó sẽ thuận theo quy luật của thị trường. Thị trường không cho tăng thì chả hàng hóa nào tăng được, vấn đề là quản lý, tổ chức thị trường có lành mạnh hay không...

 

Ông Nguyễn Anh Tuấn - Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính):Do tâm lý mua của người dân

 

Ngay sau khi Thủ tướng ban hành Chỉ thị số 36 về việc tăng cường công tác quản lý điều hành nhằm bình ổn giá cả thị trường, bảo đảm trật tự an toàn xã hội dịp Tết Nguyên đán Ất Mùi 2015, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã ban hành Chỉ thị số 01 trong đó yêu cầu các cơ quan chức năng, tài chính địa phương với chức năng nhiệm vụ được giao thực hiện các nhiệm vụ bình ổn giá hàng tết. Ví dụ như giám đốc Sở Tài chính phải theo dõi hàng hóa để tham mưu cho UBND các tỉnh thành phố có các phương án cụ thể để các cấp chính quyền địa phương thực hiện bình ổn giá, đặc biệt trong dịp tết-thời điểm dễ xảy ra việc thiếu hàng sốt giá cục bộ, đồng thời có những phương án nhất định để có thể bình ổn giá trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới.

 

Bên cạnh đó, giao cho các cơ quan chức năng như hải quan, thuế thực hiện nhiệm vụ chống buôn lậu, hàng giả hàng nhái để tạo niềm tin cho người tiêu dùng. Các đơn vị dự trữ lo các phương án dự trữ hàng, tránh hiện tượng thiếu hàng sốt giá, nhất là tại các vùng sâu vùng xa khó khăn, đảm bảo tết cho đồng bào được đầy đủ. Giá cả tết tăng một phần do tâm lý mua sắm của người dân và dịp mua sắm tết chỉ diễn ra ngắn.

 

Ông Đỗ Thắng Hải-Thứ trưởng Bộ Công Thương:Sẽ tăng kiểm tra,giám sát

 

Với các mặt hàng nông sản, thực phẩm phục vụ tết, do nguồn cung phụ thuộc nhiều vào điều kiện tự nhiên, chịu nhiều tác động của thời tiết, dịch bệnh nên giá cả biến động vào dịp tết có cả nguyên nhân khách quan. Hiện Bộ Công Thương đang đẩy mạnh công tác kiểm tra giám sát về an toàn vệ sinh thực phẩm, việc sử dụng hàng hóa có nguồn gốc rõ ràng. Bên cạnh đó, còn có các đoàn kiểm tra, giám sát của Bộ Công Thương, ngành Công Thương, đặc biệt là Sở Công Thương và địa phương kiểm tra giám sát tình hình giá cả, cung cầu hàng hóa dịp tết.

 

Ông Nguyễn Mạnh Hùng-Tổng Thư ký Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng VN:Cần công cụ quản lý hữu hiệu

 

Giá cả cứ đến tết lại tăng dù hàng hóa không thiếu đúng là vô lý. Qua hiện tượng này, để ổn định đời sống, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng càng thấy sự cần thiết của các công cụ quản lý thị trường nói chung và quản lý giá cả nói riêng; đồng thời ở mức độ nào đấy cũng cho thấy các công cụ quản lý giá vẫn chưa hữu hiệu để có thể loại bỏ những hành vi tăng giá bất hợp lý.

 

Ngay một số mặt hàng trong diện bình ổn giá cũng chưa làm người tiêu dùng yên tâm. Đành rằng cơ chế thị trường thì do thị trường quyết định. Nhưng để vận hành theo cơ chế thị trường trong giai đoạn hiện nay khi mà cơ chế thị trường chưa phát triển đầy đủ, rất cần có những công cụ quản lý hữu hiệu để kiến tạo một thị trường lành mạnh, các yếu tố đầu cơ, tăng giá bất hợp lý, tổn hại đến quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng cần phải được loại bỏ.

 

Chị Vũ Lan Hương-tiểu thương chợ Ngọc Hà (quận Ba Đình, Hà Nội):Chỉ mong “kiếm”mấy ngày tết

 

Giá cả hàng hóa cứ đến tết tăng lên là khó tránh khỏi, vì chúng tôi làm ăn buôn bán cả năm chỉ mong có ngày tết đến mới "kiếm" được tí chút. Hàng hóa dồi dào là việc của hàng hóa, còn giá tăng sẽ vẫn cứ tăng vì tâm lý mua bán, nếu bán được giá cao, lãi nhiều chẳng ai lại không muốn. Tuy nhiên, giá tăng đến đâu còn phụ thuộc vào sức mua, người mua. Nếu sức mua giảm thì chúng tôi cũng không thể tăng giá quá cao. Hơn nữa, người bán còn phải “trông nhau” để bán nếu không ế vụ tết là coi như lỗ nặng.

 

  Ông Nguyễn Đăng Vang - Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Việt Nam:
“Giá gia cầm cứ tết đến lại tăng là do giá nhiều sản phẩm, dịch vụ ăn theo chăn nuôi đã đồng loạt tăng từ trước. Muốn quản lý tốt giá gia cầm không có cách nào khác là phải ổn định chi phí đầu vào cho chăn nuôi gia cầm. Tất nhiên, giá gia cầm tăng lên cũng có nguyên nhân là dịp tết nhu cầu tiêu dùng tăng đột biến”.

Theo Mai Hương - Hải Quỳnh

Dân Việt

Chuyên mục: Vĩ Mô

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *