VCBS dự báo GDP quý I/2015 tăng 5%-5,2%

FICA - Tuy nhiên theo nhóm phân tích, động lực mới cho tăng trưởng chưa xuất hiện, vẫn phụ thuộc nhiều vào các doanh nghiệp xuất khẩu, đặc biệt là khối FDI.

CTCK Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (VCBS) vừa công bố báo cáo vĩ mô tháng 2/2015, trong đó nhận định, lĩnh vực sản xuất vẫn đang tiếp tục phát đi tín hiệu hồi phục tích cực trong hai tháng đầu năm 2015.

Theo đó, chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 2 tiếp tục ghi nhận mức tăng khá 7% so với tháng 2 năm trước bất chấp việc kỳ nghỉ Tết kéo dài nằm trọn trong tháng. Tính chung hai tháng đầu năm, chỉ số này tăng 12%, cao hơn đáng kể so với con số chỉ 5,4% của cùng giai đoạn năm 2014. Trong đó, đầu tàu dẫn dắt cho sự cải thiện này tiếp tục đến từ ngành Công nghiệp chế biến, chế tạo với mức tăng 12,9%, đóng góp 9,1 điểm phần trăm cho mức tăng chung.

Chỉ số PMI, theo HSBC, trong tháng 2 tăng lên 51,7 điểm, nhích nhẹ so với con số 51,5 điểm của tháng đầu năm, tiếp tục nối dài chuỗi ngày cho thấy sự mở rộng của lĩnh vực sản xuất (PMI lớn hơn 50) lên tháng thứ 18 liên tiếp. Cả số lượng đơn đặt hàng mới và sản lượng đều tăng nhanh hơn thời điểm đầu năm; đồng thời, số lượng việc làm liên tục tăng trong 6 tháng liên tiếp là động lực để Việt Nam có thể nhìn thấy những khởi sắc tốt hơn trong các tháng tiếp theo.

Đi cùng những chỉ báo về tăng trưởng sản xuất, số liệu về tồn kho của lĩnh vực sản xuất cũng cho thấy những dấu hiệu tốt khi ghi nhận mức tăng 11,3% so cùng kỳ), thấp hơn con số 12,7% của cùng kỳ 2014.

Dẫn số liệu Bộ Kế hoạch và Đầu tư, VCBS cho biết, tính đến 24/02, tín dụng tăng 0,96% so với đầu năm, khá tích cực khi so sánh với mức giảm 1,67% của cùng kỳ năm ngoái. Việc tín dụng tăng tốt, theo VCBS đánh giá, cũng khá phù hợp với những số liệu tích cực của lĩnh vực sản xuất như ở trên.

Ngoài ra, một phần nguyên nhân cũng đến từ yếu tố mùa vụ khi Tết Nguyên Đán năm nay đến muộn và rơi vào nửa cuối tháng 2 nên trước đó, nhu cầu tín dụng cho sản xuất kinh doanh thường được đẩy mạnh để đáp ứng nhu cầu cuối năm.

Theo nhóm phân tích, mặc dù đã có những tín hiệu tích cực nhưng trong thời gian qua, động lực cho sự phục hồi của lĩnh vực sản xuất nói riêng hay nền kinh tế nói chung vẫn phần lớn đến từ khối doanh nghiệp FDI. Trong lĩnh vực sản xuất, những ngành sản xuất có chỉ số tăng cao chủ yếu là ngành nhận được vốn FDI lớn như sản xuất xe có động cơ (tăng 44,3%); sản xuất sản phẩm điện tử, máy tính và quang học (tăng 28,3%); sản xuất da và các sản phẩm liên quan (tăng 26%).

Bên cạnh đó, khi xét về chỉ số sử dụng lao động, doanh nghiệp ngoài Nhà nước tăng 3,7% so cùn kỳ, thấp hơn mức 4,7% của cùng kỳ 2014. Tuy nhiên việc sụt giảm này chủ yếu là đến từ khối doanh nghiệp trong nước khi các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài duy trì mức tăng 8,7%, cải thiện so với con số 8,2% của cùng kỳ 2014.

Xăng giảm chưa tạo được hiệu ứng kích cầu

Về hoạt động xuất nhập khẩu, ước tính trong tháng 2, Việt Nam xuất siêu trở lai với giá trị khoảng 300 triệu USD với kim ngạch xuất khẩu ước đạt 9,6 tỷ USD (tăng 0,63% so cùng kỳ) và kim ngạch nhập khẩu ước đạt 9,3 tỷ USD (giảm 7,83% so cùng kỳ).

Việc xuất khẩu tăng chậm và nhập khẩu có phần sụt giảm được đánh giá là do ảnh hưởng của đợt nghỉ Tết Nguyên Đán. Như vậy, tính chung hai tháng đầu năm Việt Nam chỉ ghi nhận nhập siêu nhẹ khoảng 61 triệu USD với tổng kim ngạch xuất khẩu ước đạt 23 tỷ USD (tăng 8,6% so cùng kỳ) và tổng kim ngạch nhập khẩu ước đạt 23 tỷ USD (tăng 16,3% so cùng kỳ).

VCBS cho rằng, thâm hụt thương mại ở mức vừa phải sẽ hỗ trợ cho việc ổn định tỷ giá và thị trường ngoại hối. Bên cạnh đó, giá trị nhập khẩu cho thấy những cải thiện tốt hơn so với cùng kỳ cũng là một chỉ báo cho thấy sự mở rộng của lĩnh vực sản xuất. Tuy nhiên sự cải thiện này phần nhiều mang tính mùa vụ và chủ yếu do đóng góp của tháng 1 (tháng giáp Tết).

Về cầu tiêu dùng, tổng mức hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 11,4% so cùng kỳ, thấp hơn mức 11,59% của cùng kỳ 2014. Với việc dịp Tết năm nay rơi vào nửa cuối tháng 2 trong khi Tết năm ngoái kết thúc vào đầu tháng 2, có thể thấy cầu tiêu dùng chưa có nhiều cải thiện.

Việc giá xăng giảm chưa thực sự tạo được hiệu ứng kích cầu tiêu dùng và người dân vẫn có thiên hướng tiết kiệm chi tiêu. Theo đó, ngoài yếu tố giá xăng giảm, việc cầu tiêu dùng phục hồi tương đối yếu cũng là một trong những nguyên nhận quan trọng khiến CPI trong tháng Tết ghi nhận mức giảm.

Mặc dù cầu tiêu dùng chưa có những cải thiện rõ rệt nhưng những điểm sáng từ lĩnh vực sản xuất tiếp tục được ghi nhận, phản ánh đà phục hồi dần và đúng hướng của nền kinh tế.

VCBS duy trì dự báo tăng trưởng GDP Quý 1/2015 sẽ nhích nhẹ so với cùng kỳ 2014, đạt khoảng 5%-5,2% và sau đó được kỳ vọng sẽ tiếp tục gia tốc qua từng Quý. Tuy nhiên động lực mới cho tăng trưởng chưa xuất hiện, vẫn phụ thuộc nhiều vào các doanh nghiệp xuất khẩu, đặc biệt là khối FDI.

Bích Diệp

Chuyên mục: Vĩ Mô

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *